BẢN TIN DƯỢC LÂM SÀNG QUÝ 3 NĂM 2015

1. PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA THUỐC (ADR):

Quý 3-2015 ghi nhận có 24 báo cáo ADR giảm hơn quý 2-2015 (33) xảy ra ở 9 khoa (theo bảng). Trong đó Khoa CC-HSTC-CĐ người lớn (09 ca) và khoa Nhiễm Việt Anh (05 ca) chiếm tỷ lệ cao nhất 37.5% và 21%, các khoa còn lại có báo cáo nhưng ít. Các khoa hoàn toàn không có báo cáo ADR suốt 3 quý 2015 là: Nhiễm C, Nhiễm E và Khoa khám bệnh theo yêu cầu.

Q3-2015.PNG

Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là kháng sinh (12/24, 50%) chủ yếu là ceftriaxone (có cả thuốc generic và biệt dược gốc), tiếp theo là phản ứng viêm tĩnh mạch do diazepam tiêm (8/24, 33%). Phản ứng do huyết thanh - vaccine có 02 ca. Tất cả các phản ứng này được phát hiện và xử trí kịp thời không gây hậu quả nặng, tuy nhiên cần lưu ý: có 1 ca ảnh hưởng mạch, huyết áp do Ceftriaxone, 1 ca phản ứng ngoài da do Vancomycin do bệnh nhân tự tăng tốc độ truyền, 1 ca ảnh hưởng đến thính lực do Streptomycin.

Như vậy, với tình hình sử dụng diazepam không giảm nhưng tỷ lệ viêm tắc mạch giảm mạnh so với quý trước từ 73% còn 33% cho thấy lâm sàng đã lưu ý và có xử trí nhằm giảm thiểu phản ứng bất lợi này khi sử dụng diazepam theo khuyến cáo của Trung tâm DI&ADR quốc gia.

2. THÔNG TIN THUỐC, CẢNH GIÁC DƯỢC:

Bệnh viện nhận được rất nhiều thông tin thuốc và cảnh giác dược, trong đó có liên quan đến các thuốc đang sử dụng tại Bệnh viện như sau:

Công văn số 442/QĐ-QLD (Biphenyl dimethyl dicarboxylat):

Rút SĐK, đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc đang lưu hành tại Việt Nam.

Công văn của Công ty TNHH MTV DPTW2 (Codupha) (Diazepam-Hameln 5mg/ml):

Thông tin về đường dùng của Diazepam-Hameln 5mg/ml: tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Không sử dụng đường hậu môn.

Công văn số 146 FKB của Công ty CP Fresenius Kabi Bidiphar (FKB) (Metronidazol 500mg/100ml):

Phản hồi của Công ty về việc bảo quản thuốc còn dư sau khi mở nắp: chỉ sử dụng 1 lần duy nhất và nếu mở nắp thì cần sử dụng ngay.

Trung tâm DI&ADR Quốc gia, mục cảnh giác dược ngày 12/08/2015 (Codeine):

FDA đang điều tra về độ an toàn của việc sử dụng các loại thuốc có chứa codeine để điều trị ho và cảm lạnh ở trẻ em dưới 18 tuổi do tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm chậm hoặc khó thở.

Trung tâm DI&ADR Quốc gia, mục cảnh giác dược ngày 12/08/2015 (NSAID):

FDA thông báo: cần nhấn mạnh thêm các cảnh báo hiện có trong nhãn của các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) về nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ liên quan đến các thuốc này.

Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế cần lưu ý:

  • Các thuốc NSAID làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố huyết khối tim mạch nghiêm trọng, có thể dẫn tới tử vong bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhiều nghiên cứu ủng hộ kết quả này với ước tính mức độ tăng nguy cơ dao động giữa các nghiên cứu từ 10% - 50% hoặc hơn tùy loại thuốc cụ thể và liều dùng sử dụng trong nghiên cứu. Các biến cố nghiêm trọng này có thể xuất hiện sớm ngay trong tuần đầu điều trị và nguy cơ tăng lên khi dùng thuốc kéo dài.

  • Nhắc nhở bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng của nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ như đau ngực, khó thở, đột ngột cảm thấy yếu hay mất cảm giác tại một bộ phận hoặc một bên của cơ thể hoặc đột ngột nói lắp.

  • Dựa trên dữ liệu hiện có, chưa có kết luận rõ ràng liệu nguy cơ huyết khối tim mạch của các thuốc NSAID (ngoại trừ aspirin) có tương tự nhau không.

  • Sự tăng nguy cơ huyết khối tim mạch được quan sát thấy trên những bệnh nhân sử dụng thuốc liều cao. Kê đơn các thuốc NSAID với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch trên bệnh nhân điều trị bằng các thuốc này.

  • Một số thuốc NSAID bao gồm cả các thuốc không cần kê đơn như ibuprofen và naproxen có thể ảnh hưởng đến tác động chống kết tập tiểu cầu của aspirin liều thấp được sử dụng trong dự phòng các biến cố tim mạch do phong bế tác dụng ức chế không hồi phục COX-1 của aspirin.

3. KHUYẾN CÁO VỀ THUỐC:

  • Nhắc các phác đồ:

    • Điều trị H.P: Levofloxacin chỉ sử dụng trong phác đồ điều trị lần thứ 2, và nguyên tắc điều trị là không dùng một loại kháng sinh đơn thuần, phải điều trị phối hợp thuốc giảm tiết acid với ít nhất 2 loại kháng sinh.
    • Điều trị Rối loạn lipid máu theo phác đồ điều trị ngoại trú 2014 phần nội khoa của Bệnh viện Nhân dân 115: chỉ định fibrate khi triglyceride > 500mg/dL hoặc khi đã đạt mục tiêu LDL-C (bằng statin) nhưng triglyceride > 200mg/dl, HDL-C<35md/dL, đặc biệt ờ bệnh nhân đái tháo đường thì có thể dùng đồng thời với statin. Và cần thận trong khi dùng cùng lúc statin và fibrate do tăng nguy cơ tiêu cơ vân, để giảm tương tác nên cho fibrate buổi sáng và statin buổi tối.
  • Liều thuốc đúng theo phác đồ:

    • Ivermectin theo phác đồ BV: 0.2mg/kg
    • Azithromycin: người lớn: 500-1000 mg/ngày dùng 3 ngày, trẻ em 10-20 mg/kg/ngày dùng 3 ngày tùy theo chỉ định.
    • Thời gian sử dụng domperidone không quá 7 ngày theo Công văn số 14589/QLD-TT ngày 26/08/2014 của Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế.
  • Hội đồng thuốc và điều trị khuyến cáo về phác đồ rối loạn điện giải:

    • Người lớn: theo phác đồ của BYT, Trẻ em: theo phác đồ của Nhi đồng 1
    • Chẩn đoán phải ghi rõ mức độ nhẹ/vừa/nặng + cấp/mãn tính + nguyên nhân (nếu xác định được) và chế độ theo dõi phải tương xứng với mức độ ghi trong chẩn đoán.
    • Khoa Xét nghiệm thực hiện kết quả đo áp lực thẩm thấu máu bằng công thức thông qua các giá trị Natri, Kali, BUN, Glucose...
    • Sử dụng Kali đường uống lưu ý thời điểm trong/sau ăn. Dự phòng hạ Kali khi sử dụng Amphotericin B.

4. CHUYÊN ĐỀ “KHẢO SÁT TÌNH HÌNH SỬ DỤNG CARBAPENEM TRONG THÁNG 5/2015 CỦA BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI”:

Carbapenem là nhóm kháng sinh phổ rộng, khá hiệu quả trên một số chủng vi khuẩn như Pseudomonas spp., Acinetobacteria spp. và thường chỉ định cho những trường hợp nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng bệnh viện. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại nói chung và tại Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới, việc sử dụng cabapenem ngày càng phổ biến, tỷ lệ kháng carbapenem cũng ngày càng gia tăng. Thực hiện nhiệm vụ điều tra về việc sử dụng thuốc, Hội đồng thuốc và điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (HĐT-ĐT) khảo sát tình hình sử dụng carbapenem trên 100 hồ sơ bệnh án trong tháng 5/2015. Kết quả khảo sát cụ thể như sau: 1. Tình hình dân số chung Tuổi trung bình của bệnh nhân là 49,03 ± 20,15 tuổi và tuổi có tần suất xuất hiện nhiều nhất là 61 tuổi (tỷ lệ 5,0%). Tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau (52,0% và 48,0%). Ba bệnh chính phổ biến là nhiễm trùng huyết (41,0%), bệnh hô hấp (18,0%) và bệnh gan (15,0%). Có 47,0% bệnh nhân có mắc ít nhất 1 bệnh kèm. 2. Tỷ lệ nhạy cảm của vi khuẩn Trong 100 hồ sơ khảo sát ghi nhận 114 lần nhiễm trùng, kết quả vi sinh dương tính là 78 chủng vi khuẩn. Tỷ lệ cấy vi sinh dương tính trong mẫu khảo sát là 47%. Tỷ lệ cấy vi khuẩn Gram (-) chiếm 85.6% nhiều hơn so với vi khuẩn Gram (+) chiếm 15.4% vì carbapenem

thường chỉ định cho các trường hợp ghi ngờ nhiễm trùng Gram (-). Có 5 tác nhân gây nhiễm trùng phổ biến nhất là E.coli (37,1%), Klebsiella (14,1%), Acinetobacter (9,0%), Pseudomonas (7,7%) và Enterococcus (7,7%). Đa số là vi khuẩn Gram (-), tuy nhiên có thể thấy Enterococcus đang nổi lên là 1 trong những vi khuẩn Gram (+) cần lưu ý trong chẩn đoán và điều trị. Tỷ lệ nhạy cảm với kháng sinh của 5 tác nhân biểu diễn theo biểu đồ:

Từ kết quả cho thấy, E.coli và Klebsielle spp. còn nhạy với carbapenem tỷ lệ khá khả quan từ 71% trở lên, ngoài ra vẫn còn nhạy khá cao với amikacin (trên 80%). Chủng vi khuẩn Pseudomonas spp. phân lập được chỉ còn nhạy với colistin, kháng carbapenem 76%. Acinetobacter spp. còn nhạy khoảng 71% với imipenem và meropenem, nhạy 100% với colistin.

  1. Vấn đề sử dụng kháng sinh

3.1. Kháng sinh kinh nghiệm (KSKN)

Khảo sát 100 HSBA có 114 trường hợp nhiễm trùng và trong đó có 111 trường hợp sử dụng KSKN tương ứng với 116 lượt sử dụng KS. Trong đó, có 73 lượt KSKN không phải là Carbapenem và 43 lượt là Carbapenem. Trong đó tỷ lệ 45.6% là Ceftriaxone, 15.5% là Imipenem, 12.1% là Meropenem, 3.4% là Ertapenem, 23.4% là kháng sinh đơn trị hoặc phối hợp khác. Ceftriaxon là kháng sinh kinh nghiệm phổ biến nhất tại bệnh viện, xét thêm kết quả vi sinh và tỷ lệ nhạy của kháng sinh đồ thì ceftriaxon chưa phải là lựa chọn kháng sinh kinh nghiệm phù hợp cho phần lớn trường hợp (bảng 1a, 1b).

Khảo sát cho thấy khi KSKN không phù hợp với kháng sinh đồ sẽ có đáp ứng lâm sàng không tốt (100%), tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ khoảng 25-30% trường hợp có đáp ứng lâm sàng không tốt mặc dù KSKN phù hợp với kháng sinh đồ. Ngoài ra, kết quả cấy vi sinh âm tính, nếu lựa chọn KSKN là carbepenem thì tỷ lệ cho đáp ứng lâm sàng tốt khoảng 67%. 3.2. Carbapenem

Trong khảo sát này, nhóm carbapenem hiện có 3 kháng sinh đang sử dụng tại bệnh viện với tỷ lệ: imipenem (56%), meropenem (25,9%) và ertapenem (18,1%). 3 bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng tiểu, viêm phổi.

Kết quả khảo sát thể hiện cụ thể như sau:

  • Thời gian sử dụng carbapenem nhìn chung phù hợp với các khuyến cáo, tuy nhiên trong điều trị NTT thời gian trung bình 8.4 ± 1.8 ngày, dài hơn số ngày điều trị thông thường.

  • Imipenem và meropenem được ưu tiên lựa chọn để điều trị viêm phổi (30.8% và 40.0%) và nhiễm trùng huyết (50.8% và 46.7%). Trong khi đó, ertapenem lại được ưu tiên lựa chọn để điều trị nhiễm trùng tiểu (47.6%). Các chỉ định Carbapenem đều phù hợp với chẩn đoán, chỉ định chính của từng loại carbapenem và phác đồ điều trị của bệnh viện.

  • Không hợp lý về liều dùng chiếm tỷ lệ 13.8%, đa số các trường hợp này là do không hiệu chỉnh liều/hiệu chỉnh liều không đúng với chức năng thận. 100% số trường hợp dùng carbapenem có đường dùng, cách hoàn nguyên thuốc hợp lý.

  • Tỷ lệ thời gian truyền không phù hợp (ngoài khoảng từ 1 đến 3 giờ) là 58.8%. Trong đó, thời gian truyền trong 50 phút là phổ biến nhất.

  • Tác dụng phụ đáng lưu ý có 2/100 hồ sơ có xảy ra co giật. Có 2 trường hợp tương tác giữa meropenem với colistin và vancomycin, tất cả đều được theo dõi chức năng thận

  • Tình trạng bệnh nhân khi xuất viện thể hiện ở biểu đồ 4 và tương ứng với tình trạng đáp ứng lâm sàng của các kháng sinh carbapenem bảng 2.

Chi tiết từng loại carbapenem: imipenem đáp ứng chậm vì tỷ lệ đáp ứng lâm sàng thay đổi khá rõ rệt từ 51.7% ở ngày 2-3 tăng lên 85.1 % ở ngày 5-6. Meropenem và Ertapenem và ở hai thời điểm tỷ lệ đáp ứng lâm sàng có ít thay đổi (lần lượt là 50% và 80% ở ngày 2-3, 68.7% và 88.9% ở ngày 5-6). Tỷ lệ đáp ứng lâm sàng cải thiện nói chung khoảng 83% sau 5- 6 ngày điều trị kháng sinh.

Ertapenem có tỷ lệ không đáp ứng lâm sàng khá thấp khoảng 20% ngay ở ngày 2-3 của điều trị, trong khi đó của imipenem, meropenem tỷ lệ không đáp ứng lâm sàng lại khá cao ở ngày 2-3 (lần lượt là 48.3% và 50%). Do ertapenem sử dụng tại bệnh viện chỉ 1 biệt dược, vì vậy tiếp tục phân tích cụ thể từng chế phẩm biệt dược của imipenem và meropenem. Kết quả từ bảng 4 cho thấy, tỷ lệ không đáp ứng giữa các chế phẩm biệt dược không khác nhau đáng kể (Tienam 48%, Itaban 52% ở ngày 2-3 và giảm còn 14.3%, 18% ở ngày 5-6; Meronem 53%, Philonem 50% ở ngày 2-3 và giảm còn 33%, 25% ở ngày 5-6).

Ngoài ra, ghi nhận 4 trường hợp thay đổi imipenem từ thuốc generic sang thuốc biệt dược gốc hoặc ngược lại và cả 4 trường hợp lâm sàng cải thiện. Tuy nhiên vẫn chưa đủ để kết luận về vấn đề chất lượng thuốc.

 Thay đổi kháng sinh trong điều trị

Nâng thang kháng sinh được ghi nhận 64/79 trường hợp có thay đổi kháng sinh và chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm do không có kết quả KSĐ (49 trường hợp). Tuy nhiên, trong đó có 13 trường hợp bệnh nhân thay đổi ≥1 lần rồi mới chuyển sang dùng carbapenem, làm chậm trễ, giảm cải thiện trên lâm sàng. Có 5 trường hợp xuống thang kháng sinh (giảm bớt lượng kháng sinh sử dụng, hoặc đổi từ Carbapenem sang 1 kháng sinh có phổ hẹp hơn), đáp ứng lâm sàng 50.0%; số ca rất ít nên không thể kết luận cụ thể.

Việc thay đổi các kháng sinh trong cùng nhóm carbapenem đa phần đều hợp lý do tác dụng phụ co giật của imipenem, không bao phủ Pseudomonas của ertapnem. Cần cân nhắc khi chuyển đổi giữa imipenem và meropenem, nên dựa vào KSĐ

 Phối hợp kháng sinh

Việc phối hợp kháng sinh giữa carbapnem và các kháng sinh khác có tỷ lệ hợp lý khoảng 72%. Các trường hợp không hợp lý là do trùng phổ kháng sinh, chủ yếu ở các phối hợp carbapenem với quinolon, oxacillin… như:

  • Không ghi rõ lý do khi phối hợp thêm quinolon với carbapenem

  • Imipenem phủ được Vibiro, phối hợp thêm levofloxacin là không cần thiết.

  • Imipenem có thể phủ được Enterococcus faecalis nếu nhạy với ampicilin, phối hợp thêm ampicilin là không cần thiết.

  • Meropenem là kháng sinh thay thế để điều trị Listeria monocytogenes (với liều 2g mỗi 8 giờ), phối hợp thêm ampicilin là không cần thiết.

  • Nhóm carbapenem có thể phủ được MSSA. Nên phối hợp thêm kháng sinh để phủ MRSA thay vì dùng oxacillin nếu nghi có nhiễm tụ cầu.

  • Không xem xét quá trình đã dùng kháng sinh trước đó để có kháng sinh kinh nghiệm hợp lý.
  1. Bàn luận và đề nghị:
  • Tỷ lệ khoảng 25-30% trường hợp có đáp ứng lâm sàng không tốt mặc dù KSKN phù hợp với kháng sinh đồ vì vậy cần xem xét có tác nhân nào khác gây bệnh, đánh giá việc sử dụng kháng sinh theo PK/PD để nâng cao hiệu quả điều trị…

  • Tỷ lệ thời gian truyền không phù hợp (ngoài khoảng từ 1 đến 3 giờ) là 58,8%. Trong đó, thời gian truyền trong 50 phút là phổ biến nhất. Nên truyền từ 1-3 tiếng để tăng hiệu quả của thuốc theo PK/PD.

  • Tỷ lệ phù hợp giữa KSKN với KSĐ còn thấp dẫn đến đáp ứng lâm sàng thấp, do đó bệnh viện cần phân tầng bệnh nhân, cập nhật tình hình đề kháng kháng sinh theo cách phân tầng này để có được KSKN hợp lý hơn. Cân nhắc dùng Carbapenem, xuống thang khi có KSĐ.

  • Dược và vi sinh cần phối hợp để thông tin đến bác sỹ về phổ kháng khuẩn của các KS tránh phối hợp KS không hợp lý.

  • Carbapenem là một kháng sinh phổ rộng, việc phối hợp thêm các kháng sinh khác chủ yếu là nhằm bao phủ các tác nhân vi khuẩn không điển hình như azithromycin trong sốt ve mò, metronidazol để điều trị uốn ván, vancomycin trong MRSA, … và là phối hợp ưa chuộng để bảo tồn kháng sinh Gram (-) duy nhất chưa bị đề kháng là Colistin.

Tránh phối hợp kháng sinh không hợp lý vì không mang lại hiệu quả mà có thể thêm tác dụng phụ đồng thời tăng thêm gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh (ban hành kèm theo Quyết định số 708/QĐ-BYT ngày 2/3/2015).

  2. Phác đồ điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

  3. Pharmacotherapy handbook 9th edition

  4. The Sanford Guide to Antimicrobial Therapy 2015

5. CHUYÊN ĐỀ THUỐC HO LONG ĐÀM:

Ho là phản xạ rất phức tạp có tính bảo vệ nhằm loại trừ các chất nhầy, chất kích thích khỏi đường hô hấp. Có 2 loại ho:

  • Ho để tống đàm ra hầu làm sạch đường hô hấp. Loại ho này là phản xạ có tính bảo vệ không nên sử dụng thuốc ho để ức chế vì sẽ làm tụ đàm rất có hại trong trường hợp viêm phế quản hoặc giãn phế quản. Đối với loại ho này chỉ nên uống nhiều nước và thuốc long đàm.

  • Ho do kích thích hay sưng viêm đường hô hấp. Loại ho này không có tính bảo vệ và gây khó chịu mệt mỏi cho bệnh nhân đôi khi cần phải ức chế bằng thuốc trị ho.

Cần xác định nguyên nhân gây ho để có hướng điều trị thích hợp: Ho do dị ứng hoặc do hen suyễn được giải quyết bằng thuốc giãn phế quản. Ho do viêm mũi làm dịch mũi chảy xuống hầu đáp ứng tốt với thuốc giảm tiết dịch, kháng sinh. Ho do trào ngược dạ dày thực quản phải điều trị dứt tình trạng trào ngược bằng antacid. Ho do viêm phổi nhiễm khuẩn đáp ứng tốt với kháng sinh. Ho do nhiễm virus không cần chữa trị (5).

Tương ứng với các loại ho sẽ có các loại thuốc:

  1. Thuốc điều trị ho:

a. Tác động ngoại biên: Cơ chế giảm nhạy cảm của receptor ho đối với các chất kích thích, bao gồm các thuốc tinh dầu Eucalyptol, Menthol.

b. Tác động trung ương: Tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành não. Làm khô dịch tiết đường hô hấp và làm tăng độ quánh của dịch tiết phế quản, bao gồm Codein, Dextromethorphan. Codein: do tác dụng gây nghiện nên việc sử dụng codein trong chữa ho bị hạn chế. Để giảm liều gây nghiện, codein thường được kết hợp với terpin có tác dụng long đàm. Thuốc ho chứa codein có nhiều chống chỉ định như: mẫn cảm codein; suy hô hấp cấp; nguy cơ liệt ruột, trướng bụng, bệnh ỉa chảy cấp; các bệnh kèm theo tăng áp lực nội sọ hoặc chấn thương sọ não; hôn mê; suy gan; người bệnh thuộc loại chuyển hóa cực nhanh Codein; trẻ em <12 tuổi; trẻ <18 tuổi thực hiện cắt amiđan, nạo V.A để điều trị cơn ngừng thở khi ngủ; trẻ có vấn đề về thở, bao gồm các bệnh về thần kinh cơ, các bệnh về tim hoặc hô hấp nặng, nhiễm khuẩn hô hấp, đa chấn thương hoặc phẩu thuật rộng; phụ nữ cho con bú (1,7,8). Bên cạnh đó, đối tượng phụ nữ có thai và cho con bú được khuyên không nên dùng (1,7). Ngoài ra, codein

còn làm giảm chuyển hóa Cyclosporin, tăng tác dụng của các thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm ba vòng,…(1). Liều uống: 10 - 20 mg/ lần, 3-4 lần/ ngày.

Dextromethorphan được chỉ định rộng rãi hơn (từ 2 tuổi trở lên). Chống chỉ định ở đối tượng mẫn cảm Dextromethorphan, đang điều trị với thuốc ức chế MAO, trẻ< 2 tuồi. Có tương tác thuốc với các thuốc ức chế CYP2D6 (làm tăng nồng độ dextromethorphan, VD: Amiodaron), các thuốc ức chế MAO, và tăng cường tác dụng của các thuốc ức chế TKTW dùng chung; xảy ra hội chứng serotonin khi dùng cùng Linezolid. Liều thay đổi theo độ tuổi:

12 tuổi: 60-120mg/ngày, từ 6-12 tuổi: 30-60mg/ngày; từ 2-6 tuổi: 15-30mg/ngày, chia 3 – 4 lần/ngày(1).

  1. Thuốc tác dụng lên quá trình tiêu nhày:

a. Tiêu nhày: Các thuốc này làm gãy cầu nối disulfid glycoprotein (N-Acetylcystein) hoặc thủy phân mucoprotein (Bromhexin) của chất nhày do đó làm giảm tính nhày, loại thuốc này nên tránh sử dụng cho các bệnh nhân loét dạ dày tá tràng tiến triển vì làm giảm tác dụng bảo vệ của lớp màng nhày ở dạ dày, bao gồm: N-acetylcystein, Bromhexin, Ambroxol N-Acetylcystein: được chỉ định cho các đối tượng >2 tuổi, an toàn cho phụ nữ có thai và cho con bú. Chống chỉ định: tiền sử hen, mẫn cảm Acetylcystein, trẻ<2 tuổi (1). Liều uống: từ 2-7 tuổi: 200mg/ lần x 2 lần/ ngày; ≥ 7 tuổi: 200mg/ lần x 2-3 lần/ ngày Bromhexin: không khuyến cáo cho phụ nữ có thai và cho con bú. Liều uống: Người lớn và trẻ>10 tuổi: 8-16mg/ lần x 3 lần/ngày. Trẻ em ≤10 tuổi: 0.5mg/kg/ngày chia làm 2-4 lần.

Ambroxol: là chất chuyển hóa của Bromhexin, được chỉ định cho các đối tượng ≥6 tuổi, tránh sử dụng trong 3 tháng đầu thai kỳ. Liều uống: Người lớn và trẻ>10 tuổi: 30-60mg/ lần, trẻ em 6-10 tuổi: 15-30mg/lần, sử dụng ngày 2 lần (1) (10).

Bromhexin và Ambroxol làm tăng nồng độ kháng sinh (Amoxicilin, Cefuroxim, Erythromycin, Doxycyclin) trong nhu mô phổi khi sử dụng chung.

b. Long đàm: Tăng bài tiết dịch khí quản, giảm độ nhầy, bao gồm Terpin hydrat, Guaifenesin, Eprazinon Guaifenesin: Có tác dụng long đờm do kích ứng niêm mạc dạ dày, sau đó kích thích tăng tiết dịch ở đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của dịch tiết ở khí quản và phế quản (1) , dùng được cho trẻ ≥4 tuổi, thận trọng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Thường được phối hợp Oxomemazin+ Guaifenesin+Paracetamol+…. Đối với chế phẩm phối hợp sử dụng liều uống 2-6 viên/ngày. Không sử dụng chế phẩm phối hợp Guaifenesin với Dextromethorphan cho bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế MAO. Thận trọng sử dụng chế phẩm phối hợp Guaifenesin với Phenylpropanolamin cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường, hay bệnh mạch ngoại vi, phì đại tuyến tiền liệt và glaucom (1).

Eprazinon: gắn lên thụ thể của mucin, giành chỗ không cho protein viêm gắn vào, làm loãng và long đàm. Chống chỉ định với người có tiền sử co giật, mẫn cảm với thành phần của thuốc. Liều uống: người lớn: uống từ 150 – 300mg viên / ngày, chia làm 3 lần. Không có thông tin về liều dùng cho trẻ em.

Nguyên tắc sử dụng các thuốc ho long đàm:

  • Cần xác định nguyên nhân gây ho, tiền sử hen suyễn và xét tính cần thiết trước khi chỉ định thuốc ho và thuốc long đàm.

  • Khuyến cáo không nên phối hợp giữa thuốc giảm ho và thuốc cho tác dụng tiêu nhày, long đàm, đặc biệt ở trẻ em khi phản xạ ho của trẻ chưa hoàn thiện. Nếu phải phối hợp 2 loại thuốc này nên cân nhắc liều thuốc giảm ho để vẫn duy trì được phản xạ ho cần thiết tống đàm ra ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dược thư Quốc Gia 2015.

  2. Vidal Việt Nam 2014-2015.

  3. AHFS Drug Information Essentials November 2011.

  4. Pediatric & Neonatal dosage handbook with international trade names index 20th Edition.

  5. Dược lực học 2009 của Ths. Ds Trần Thị Thu Hằng.

  6. Công văn số 10367/QLD-ĐK ngày 31/08/2010 của Cục Quản lý Dược.

  7. Công văn 12886/QLD-TT ngày 08/08/2013 của Cục Quản lý Dược

  8. Công văn số 18905 ngày 06/10/2015 của Cục Quản lý Dược.

  9. Công văn 8762/QLD-TT ngày 18 tháng 05 năm 2015 của Cục Quản lý Dược.

  10. Bản tin cảnh giác dược số 3-2015.