[TOC]

1. Lamotrigin và hội chứng thực bào tế bào máu (HLD)
------------------

**_Khuyến cáo cho cán bộ y tế:_**

**Hội chứng thực bào tế bào máu (HLD) đã xảy ra ở bệnh nhân nhi và bệnh nhân người lớn sử dụng lamotrigine với nhiều loại chỉ định. Hội chứng này xuất hiện trong 1 đến 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị bằng lamotrigine.**

HLD là rối loạn đe doạ tính mạng do kích hoạt miễn dịch bệnh lý được đặc trưng bởi dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng của viêm toàn thân nghiêm trọng, và có liên quan đến **tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm**.

Dấu hiệu phổ biến bao gồm sốt, phù gan lách, phát ban, hạch bạch huyết, các triệu chứng thần kinh, thiếu tế bào máu, ferritin huyết thanh cao, xét nghiệm chức năng gan, thận bất thường và bất thường về đông máu.

Bệnh nhân có các dấu hiệu và triệu chứng trên cần được đánh giá ngay và cân nhắc chẩn đoán mắc HLD. Nên ngừng điều trị bằng lamotrigin trừ khi không có biện pháp thay thế. Liều khởi đầu và liều lên thang sau đó của lamotrigin không được vượt mức liều cho phép.

2. Rifadin (rifampin)
---------------

**Nguy cơ mắc bệnh đông máu phụ thuộc vitamin K** sẽ được bổ sung vào Thận trọng, Tương tác thuốc, Phản ứng bất lợi hậu mãi, Thông tin dành cho bệnh nhân trong chuyên luận thuốc Rifadin.

**_Thông tin cho cán bộ y tế:_**

**Rifadin có thể gây ra bệnh đông máu phụ thuộc vitamin K và chảy máu nghiêm trọng**. Theo dõi phản ứng bất lợi này đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ chảy máu. Cân nhắc bổ sung vitamin K nếu phù hợp.

**Tránh sử dụng đồng thời với kháng sinh gây bệnh đông máu phụ thuộc vitamin K như cefazolin hoặc các cephalosporin khác có chứa N-methyl-thiotetrazole** (cefoperazone, cefamandole, cefmetazole, và cefotetan) trong cấu trúc do có thể dẫn đến các rối loạn đông máu nghiêm trọng.

3. Erythropoietin
------------

**Bất sản hồng cầu đơn (PRCA) đã được báo cáo sau khi điều trị bằng erythropoietin tái tổ hợp (r-HuEPO), đặc biệt là với thuốc Eprex.** Hầu hết các trường hợp biến cố bất lợi xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính đã sử dụng Eprex đường tiêm dưới da. Eprex là chất kích thích tạo hồng cầu được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa hội chứng thiếu máu do nhiều nguyên nhân.

Tính đến tháng 9 năm 2018, Trung tâm theo dõi phản ứng có hại (CARM) đã nhận được 11 báo cáo trường hợp bất sản hồng cầu đơn sau khi điều trị bằng erythropoietin. Thời gian khởi phát được ghi nhận trong 10 bài báo cáo, dao động từ 1 tuần đến 26 tháng (trung vị 8,4 tháng).

Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc PRCA, **ngừng điều trị r-HuEPO ngay và xét nghiệm tìm kháng thể erythropoietin. Nếu phát hiện có kháng thể với erythropoietin, bệnh nhân không nên chuyển sang thuốc kích thích tạo hồng cầu khác**, vì các kháng thể chống erythropoietin phản ứng chéo với các chất kích thích tạo hồng cầu khác. Cần loại trừ các nguyên nhân khác gây PRCA như nhiễm virus (đặc biệt là parvovirus B19), bệnh ác tính, hội chứng tan máu, bệnh tự miễn và bệnh viêm khớp dạng thấp huyết thanh dương.


4. Vaccin cúm
-----------

**Tiêm chủng trong quá trình mang thai:** Tiêm vaccin phòng ngừa cúm được khuyến cáo mạnh cho những phụ nữ sẽ (hoặc dự định) mang thai trong mùa thu và mùa đông.  Nghiên cứu của New Zealand cho thấy, phụ nữ mang thai có khả năng nhập viện do mắc bệnh cúm cao hơn gấp gần năm lần so với phụ nữ không mang thai.

Tiêm chủng cúm khi mang thai có thể bảo vệ được trẻ sơ sinh thông qua việc truyền kháng thể từ mẹ sang con. Không được tiêm vacccin phòng bệnh cúm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, vì vậy việc tiêm vaccin trong khi mang thai sẽ bảo vệ những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vaccin tại thời điểm tiếp xúc với virus. Tiêm vaccin cúm trong khi mang thai đã được chứng minh là giảm đáng kể tình trạng nhiễm cúm ở trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi. **Vaccin phòng ngừa cúm an toàn khi sử dụng với phụ nữ mang thai trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ và phụ nữ đang cho con bú.**

**Vaccin ngừa cúm trong năm 2019:** Vaccin phòng ngừa cúm sử dụng ở New Zealand cho mùa cúm năm 2019 hiện đã được lưu hành. Vaccin 3 trong 1 và vaccin 4 trong 1 được đề xuất có tác dụng thêm với một chủng virus mới giống cúm A H3N2 và một chủng virus mới thuộc giống B Victoria so với thành phần của vaccin cúm được sử dụng ở New Zealand năm 2018.

5. Dịch truyền sắt carboxymaltose
-------------------

Sắt carboxymaltose là chế phẩm sắt tiêm tĩnh mạch. Một số bệnh nhân có thể bị hạ phosphat máu sau khi dùng thuốc. Các bác sĩ lâm sàng nên cảnh giác với khả năng **hạ phosphate máu sau khi điều trị bằng sắt carboxymaltose**, đặc biệt nếu bệnh nhân có các triệu chứng như suy nhược, đau xương hoặc thay đổi trạng thái tâm thần. Ở những bệnh nhân này, cần phải **định lượng phosphate huyết thanh và điều trị giảm phosphate máu**. Cần có sự cân nhắc kỹ khi sử dụng các sản phẩm sắt đường tiêm thay thế ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ hoặc có tiền sử hạ phosphate máu.

Cơ chế gây hạ phosphat máu liên quan đến carboxymaltose sắt không rõ ràng, tuy nhiên, yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi protein điều tiết 23 (FGF23) có thể có liên quan. FGF23 được tiết ra bởi các tế bào xương và có tác dụng làm tăng bài tiết phosphat thông qua thận. Sử dụng sắt carboxymaltose làm tăng lượng FGF23 có hoạt tính sinh học, do đó làm tăng mất phosphate thận.

6. Hydroxyethyl Starch
-----------------

Dịch truyền hydroxyethyl starch (Voluven và Volulyte) được chỉ định để điều trị tình trạng giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp tính khi sử dụng dịch truyền điện giải không đủ. Chống chỉ định sử dụng dịch truyền này ở những bệnh nhân nguy kịch, và ở những bệnh nhân bị sepsis hoặc suy thận. Hydroxyethyl starch không thay thế cho truyền khối hồng cầu hoặc huyết tương tươi đông lạnh.

Các nghiên cứu sử dụng thuốc tại châu Âu chỉ ra hydroxyethyl starch đang được sử dụng không phù hợp ở một số bệnh nhân. Việc sử dụng hydroxyethyl starch ở những bệnh nhân nguy kịch, bao gồm cả những bệnh nhân sepsis nặng làm tăng nguy cơ tử vong và cần dùng liệu pháp thay thế thận.

**Khuyến cáo các cán bộ y tế không nên sử dụng hydroxyethyl starch trong các trường hợp sau:**

+ Bệnh nhân nặng (thường được đưa vào khoa hồi sức tích cực), bao gồm cả bệnh nhân sepsis

+ Quá tải dịch, đặc biệt trong các trường hợp phù phổi và suy tim xung huyết

+ Bệnh nhân bị rối loạn đông máu trước đó hoặc các rối loạn xuất huyết

+ Suy thận với thiểu niệu hoặc vô niệu không liên quan đến giảm thể tích tuần hoàn

+ Bệnh nhân chạy thận nhân tạo

+ Xuất huyết nội sọ

+ Tăng natri huyết nặng

+ Tăng clo huyết nặng

+ Tăng kali huyết nặng (chỉ với Volulyte)

+ Quá mẫn với hydroxyethyl starch

+ Bệnh nhân mắc bệnh gan nặng.


7. Fluoroquinolon
---------------
Cuộc rà soát của FDA chỉ ra các **kháng sinh fluoroquinolon có thể làm tăng nguy cơ mắc biến cố đứt hoặc rách động mạch chủ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng**. Động mạch chủ bị rách hay còn gọi là tách thành động mạch chủ, hoặc đứt phình động mạch chủ có thể dẫn tới xuất huyết nghiêm trọng, thậm trí tử vong. **Các biến cố này có thể xảy ra khi sử dụng các fluoroquinolon tác dụng toàn thân đường uống hoặc tiêm.**

_**Khuyến cáo cán bộ y tế:**_

- Tránh kê đơn fluoroquinolon ở bệnh nhân phình động mạch chủ hoặc có nguy cơ phình động mạch chủ, như bệnh nhân xơ vữa động mạch ngoại biên, tăng huyết áp, một số bệnh di truyền như hội chứng Marfan và Ehlers-Danlos, và bệnh nhân cao tuổi

- Chỉ kê đơn fluoroquinolon khi không có biện pháp điều trị khác

- Khuyến cáo tất cả bệnh nhân gọi hỗ trợ y tế ngay nếu có triệu chứng phình động mạch chủ

- Ngừng fluoroquinolon ngay nếu bệnh nhân gặp biến cố bất lợi nghi ngờ liên quan đến phình động mạch chủ hoặc tách thành động mạch chủ.


8. Các chế phẩm probiotics chứa Lactobacillus (Lactobacillus probiotics)
------------------

Probiotics được sử dụng rất rộng rãi để điều trị triệu chứng của viêm dạ dày ruột mà không có bằng chứng khoa học có chất lượng.

Kết quả từ 02 nghiên cứu có chất lượng cao đã được công bố gần đây cho thấy các chế phẩm probiotics chứa Lactobacillus (Lactobacillus probiotics) không mang lại lợi ích trên nhóm đối tượng bệnh nhi nhập viện do viêm dạ dày ruột cấp tính.

**Từ những kết quả này có thể rút ra kết luận rằng không nên khuyến cáo sử dụng Lactobacillus trên trẻ nhỏ bị viêm dạ dày ruột cấp tính.** Rà soát ngược dòng lịch sử, có thể nhận thấy đã có những sự thiên vị và những sai lệch về xuất bản khiến những nghiên cứu cho kết quả âm tính về tác dụng của Lactobacillus đã không được công bố. Tuy nhiên sự thật sẽ được thời gian làm sáng tỏ. Hai nghiên cứu trên được hỗ trợ tài chính từ công quỹ, đã vượt qua sự bình duyệt khắt khe của một tạp chí y khoa uy tín (New England Journal of Medicines) và được tiến hành độc lập với tác động từ ngành công nghiệp dược. Kết quả âm tính có thể gây thất vọng nhưng mặt khác đây là tín hiệu đáng mừng trên con đường thực hành y học dựa trên bằng chứng.