## Điểm tin cảnh giác dược 07/03/2021

### Kháng sinh nhóm Aminoglycoside

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA): Cảnh báo nguy cơ dẫn đến hội chứng điếc liên quan đến việc sử dụng aminoglycosid ở bệnh nhân bị đột biến ty thể

_Lời khuyên cho nhân viên y tế_:

- Việc sử dụng aminoglycosid có thể gây ra độc tính cho thính giác với tỷ lệ hiếm gặp; các bằng chứng gợi ý có mối liên quan giữa đột biến ty thể (đặc biệt là đột biến m.1555A>G) với tăng nguy cơ độc tính trên thính giác.
- Các trường hợp xuất hiện độc tính trên thính giác ở bệnh nhân đột biến ty thể có nồng độ aminoglycosid huyết thanh nằm trong khoảng khuyến cáo điều trị.

- Các đột biến ty thể này rất hiếm gặp và sự xâm nhập làm tăng độc tính trên tai quan sát được hiện vẫn chưa được chứng minh.

- Cân nhắc xét nghiệm gen, đặc biệt ở bệnh nhân cần tái điều trị hoặc điều trị dài hạn bằng aminoglycosid, nhưng không được trì hoãn điều trị để xét nghiệm.

- Khi đưa ra quyết định kê đơn thuốc ở những bệnh nhân có đột biến nhạy cảm, cân nhắc sự cần thiết của điều trị bằng aminoglycosid so với những lựa chọn thay thế sẵn có khác. Để hạn chế tối đa nguy cơ gặp phản ứng có hại, trong đó có độc tính trên thính giác, khuyến cáo theo dõi liên tục (trước, trong và sau khi điều trị) chức năng thận (creatinin huyết thanh, độ thanh thải creatinin) và thính lực, cũng như giá trị xét nghiệm chức năng gan với tất cả các bệnh nhân.

- Khuyến cáo bệnh nhân thông tin cho bác sĩ/dược sĩ trước khi được điều trị bằng aminoglycosid nếu có đột biến ty thể hoặc tiền sử gia đình có người gặp độc tính trên thính giác khi sử dụng thuốc.

## Điểm tin cảnh giác dược 11/03/2021

### Vidagliptin và ACEI
- Vidagliptin: thuốc điều trị đái tháo đường, nhóm ức chế DPP-4
- Thuốc ức chế men chuyển (ACEI): điều trị tăng huyết áp

**Cơ quan quản lý thuốc và thiết bị y tế (Medsafe): Vildagliptin và thuốc ACEI – tăng nguy cơ phù mạch**

_Phù mạch do ACEI_

Phù mạch được báo cáo xuất hiện trong khoảng 0,2 - 0,5% bệnh nhân sử dụng ACEI. Triệu chứng này có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị.

Phù mạch do ACEI chủ yếu xuất hiện ở vùng đầu và cổ, đặc biệt là môi, lưỡi, mặt và đường hô hấp trên, do đó có thể đe dọa tính mạng. Phù mạch có thể có biểu hiện ít phổ biến hơn như đau bụng cấp tính liên quan đến tiêu chảy hoặc các triệu chứng trên đường tiêu hóa khác. Phù mạch không liên quan đến ngứa hoặc nổi mề đay.
Tăng nguy cơ phù mạch khi phối hợp vildagliptin với ACEI

Ít thấy triệu chứng phù mạch trên bệnh nhân sử dụng đơn độc vildagliptin, tuy nhiên nguy cơ tăng lên trên bệnh nhân dùng đồng thời ACEI.  **Cân nhắc tương tác thuốc này nếu bệnh nhân sử dụng đồng thời hai thuốc trên có triệu chứng phù mạch. Bệnh nhân sử dụng đồng thời vildagliptin và ACEI cần được theo dõi triệu chứng phù mạch**. Nhắc nhở bệnh nhân báo cáo cho bác sĩ khi bất kỳ triệu chứng phù mạch nào xuất hiện.

_Cơ chế đề xuất_

Cơ chất P và bradykinin là chất giãn mạch tham gia vào quá trình sinh lý gây phù mạch. ACE và DPP-4 tham gia vào quá trình phân hủy cơ chất P, và ACE là enzym phân hủy bradykinin.

So sánh với tác dụng ức chế của riêng ACE hoặc DPP-4, tác dụng ức chế khi sử dụng đồng thời ACEI và vildagliptin làm tăng nguy cơ tích lũy cơ chất P và bradykinin, dẫn đến hiện tượng phù mạch.


## Điểm tin cảnh giác dược 18-19, 31/03/2021

### Vaccine COVID-19 AstraZeneca

Vaccine COVID-19 AstraZeneca và biến cố thuyên tắc - huyết khối

	Ngày 17/3/2021, **Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố lợi ích của vaccine COVID-19 AstraZeneca vượt trội nguy cơ và khuyến cáo nên tiếp tục thực hiện tiêm chủng**.

	Ngày 18/3/2021, **Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) kết luận lợi ích của vaccine COVID-19 AstraZeneca vượt trội nguy cơ mặc dù có mối liên quan với huyết khối kèm giảm tiểu cầu hiếm gặp**

Ủy ban an toàn của EMA, PRAC, đã đưa ra kết luận về nguy cơ huyết khối ở bệnh nhân tiêm chủng vaccine COVID-19 AstraZeneca sau khi đánh giá sơ bộ về các báo cáo biến cố này:

- Lợi ích của việc tiêm chủng vaccine trong việc ngăn chặn sự lan rộng của COVID-19 (bản thân COVID-19 cũng gây ra các rối loạn đông máu và có thể dẫn đến tử vong) vẫn vượt trội so với các nguy cơ gặp tác dụng bất lợi.

- Việc sử dụng vaccine không liên quan đến tăng nguy cơ xuất hiện biến cố thuyên tắc - huyết khối nói chung ở người tiêm vaccine.
 
- Hiện không có bằng chứng cho thấy có vấn đề với một số lô vaccine nhất định hoặc liên quan đến một cơ sở sản xuất cụ thể

- Vaccine có thể liên quan đến một số ca huyết khối rất hiếm gặp, kèm giảm tiểu cầu, kèm hoặc không kèm theo xuất huyết, trong đó có huyết khối mạc treo ruột hoặc xoang tĩnh mạch não, hầu hết xảy ra trong vòng 14 ngày sau tiêm chủng và phần lớn báo cáo ở phụ nữ < 55 tuổi. Tuy nhiên, có thể do đây là đối tượng mục tiêu trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ở các quốc gia thành viên.

- Số lượng báo cáo thuyên tắc - huyết khối vượt quá con số ước tính nhưng chưa chứng minh được mối quan hệ nhân quả do đó không thể loại trừ. Tuy nhiên, do các biến cố hiếm gặp và việc xác định tỷ lệ chính xác xuất hiện huyết khối trong quần thể người không tiêm vaccine rất khó, **mối liên quan giữa việc tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca và các biến cố thuyên tắc - huyết khối ở mức không chắc chắn**.

	Cùng ngày 18/03/2021, MHRA cũng xác nhận lợi ích của vaccine COVID-19 AstraZeneca vẫn vượt trội nguy cơ. Bệnh nhân được khuyến cáo đi tiêm theo kế hoạch. Theo MHRA, 5 trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch não được báo cáo ở Anh vẫn đang tiếp tục được đánh giá. Tỷ lệ biến cố được ước tính < 1/1.000.000 người tiêm vaccine. Biến cố này có thể tự xảy ra nên mối quan hệ nhân quả giữa việc tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca và biến cố xảy ra chưa được chứng minh.

	Ngày 29/3/2021, Ủy ban Tư vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada (NACI): _Khuyến cáo không nên tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca cho người lớn < 55 tuổi trong khi tín hiệu an toàn của Giảm tiểu cầu miễn dịch do vaccine (VIPIT) đang được nghiên cứu thêm_.

Các trường hợp hiếm gặp về cục máu đông nghiêm trọng, bao gồm huyết khối xoang tĩnh mạch não, kèm theo giảm tiểu cầu đã được báo cáo sau khi tiêm chủng vaccine COVID-19 AstraZeneca ở châu Âu. Các trường hợp ghi nhận chủ yếu là phụ nữ dưới 55 tuổi; mặc dù các trường hợp ở nam giới cũng đã được báo cáo và hầu hết xảy ra từ 4 đến 16 ngày sau khi tiêm vaccine. **Biến cố này liên quan đến sự hình thành kháng thể "hoạt hóa" tiểu cầu, kích thích hình thành cục máu đông và dẫn đến giảm tiểu cầu**. Cơ chế hoạt động tương tự như giảm tiểu cầu do heparin (HIT). Cơ chế chính xác vẫn đang được nghiên cứu. Đến nay, chưa có yếu tố nguy cơ nào khác được xác định liên quan đến VIPIT. Biến cố này chưa được xác định sau khi tiêm vaccine mRNA COVID-19.

Tỷ lệ của VIPIT chưa được xác định. Theo EMA, ban đầu ước tính tỷ lệ này khoảng 1/1.000.000 người được tiêm vaccine AstraZeneca, tuy nhiên, viện Paul-Ehrlich ở Đức báo cáo tỷ lệ cao hơn là 1/100.000. Dựa trên thông tin có sẵn, tỷ lệ tử vong của VIPIT là khoảng 40%, tuy nhiên, tỷ lệ tử vong có thể giảm khi được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Như một biện pháp phòng ngừa, trong khi Bộ Y tế Canada đánh giá lợi ích-nguy cơ, NACI khuyến cáo:
- **Không nên tiêm vaccine AstraZeneca cho người lớn < 55 tuổi**.
 
-** Người lớn từ 55 tuổi trở lên vẫn có thể tiêm vaccine AstraZeneca** nếu họ đồng ý, do nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19 tăng lên ở nhóm dân số này và VIPIT dường như là biến cố hiếm hơn trong nhóm tuổi này.
 
Lựa chọn về loại vaccine cho liều tiêm thứ hai đối với những người < 55 tuổi đã tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca sẽ được xác định dựa trên bằng chứng và nghiên cứu mới nhất.