Thuốc an thần
Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM): Dexmedetomidin và nguy cơ tử vong trên người bệnh dưới 65 tuổi nhập ICU
SPICE III là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, so sánh ảnh hưởng từ tác dụng an thần của dexmedetomidin lên tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân so với chăm sóc tiêu chuẩn trên 3904 người bệnh trưởng thành trong tình trạng nguy kịch và cần nhập khoa ICU. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của SPICE III, sử dụng dexmedetomidin làm tăng nguy cơ tử vong trên người bệnh dưới 65 tuổi so với các thuốc an thần khác.
Dexmedetomidin có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong trên người bệnh dưới 65 tuổi so với các thuốc an thần khác (OR 1,26; 95% CI 1,02 – 1,56)
Sự khác biệt về tỷ lệ tử vong giữa các nhóm tuổi rõ rệt hơn ở nhóm bệnh nhân nhập khoa ngoài mục đích chăm sóc hậu phẫu, đồng thời sự khác biệt tăng lên khi điểm APACHE II tăng và tuổi giảm đi. Hiện chưa rõ cơ chế.
Cần cân nhắc lợi ích trên lâm sàng và nguy cơ tử vong của dexmedetomidin so với các thuốc an thần khác trên người trẻ tuổi.
Tờ thông tin sản phẩm của các chế phẩm chứa dexmedetomidin đã cập nhật thêm cảnh báo về các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong.
Thuốc chống lo âu và chống co giật
ANSM: Cập nhật chống chỉ định, cảnh báo và thận trọng khi dùng etifoxin
Chống chỉ định etifoxin ở bệnh nhân có tiền sử gặp phản ứng trên da nghiêm trọng và viêm gan nặng hoặc ly giải tế bào gan khi điều trị bằng etifoxin.
Nhân viên y tế cần hướng dẫn bệnh nhân ngừng sử dụng etifoxin và đến khám ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng sau:
Phản ứng trên da hoặc phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Vàng da, nôn mửa, mệt mỏi, đau bụng, do đây có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng trên gan.
Độc tính trên da của etifoxin thường xuất hiện sau vài ngày đến một tháng. Các phản ứng trên da thường cải thiện sau khi ngừng thuốc. Chưa có báo cáo về trường hợp tử vong do phản ứng trên da nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng etifoxin. Vì vậy:
Bệnh nhân cần được biết về nguy cơ xuất hiện độc tính trên da.
Cần theo dõi sát để phát hiện dấu hiệu và triệu chứng trên da.
Trong trường hợp xuất hiện phản ứng trên da trong thời gian sử dụng etifoxin, phải ngừng thuốc ngay lập tức và không được tái sử dụng thuốc.
Phản ứng trên gan nghiêm trọng liên quan etifoxin thường xuất hiện sau 2-4 tuần điều trị. Phản ứng có thể không biểu hiện triệu chứng mà chỉ phát hiện được thông qua xét nghiệm cân lâm sàng. Cần thận trọng sử dụng trên bệnh nhân có yếu tố nguy cơ gặp vấn đề về gan, gồm người cao tuổi, người có tiền sử viêm gan vi rút hoặc mắc các bệnh lý về gan khác. Đối với nhóm bệnh nhân này:
Cần làm xét nghiệm cận lâm sàng chức năng gan trước khi bắt đầu sử dụng etifoxin và sớm nhất khoảng một tháng sau khi bắt đầu điều trị.
Nếu bệnh nhân có rối loạn chức năng gan trong thời gian sử dụng etifoxin, lập tức ngừng thuốc và không tái sử dụng etifoxin.
Từ khi etifoxin lưu hành trên thị trường, đã có báo cáo về tình trạng viêm đại tràng vi thể trong thời gian sử dụng etifoxin. Cần theo dõi sát triệu chứng tiêu chảy trên bệnh nhân sử dụng etifoxin và ngừng sử dụng thuốc lập tức nếu xuất hiện triệu chứng.
và Ciprofloxacin - Levothyroxin: thuốc điều trị suy giáp - Ciprofloxacin: kháng sinh nhóm fluoroquilonon
Cơ quan an toàn thuốc và thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe): Tương tác thuốc giữa levothyroxin và ciprofloxacin
Trung tâm Theo dõi phản ứng có hại của thuốc tại New Zealand đã nhận được báo cáo một bệnh nhân đang sử dụng levothyroxin xuất hiện các triệu chứng của suy giáp, sau khi sử dụng thêm ciprofloxacin. Các triệu chứng bao gồm nhịp tim thấp, mệt mỏi, cảm thấy lạnh. Tình trạng được cải thiện khi ngừng ciprofloxacin và tăng liều tạm thời levothyroxin. Người báo cáo nghi ngờ có tương tác xảy ra giữa 2 loại thuốc này.
Các tài liệu y văn giải thích cơ chế tương tác vẫn còn hạn chế.
Một báo cáo đơn lẻ mô tả 2 bệnh nhân sử dụng đồng thời ciprofloxacin khi đang điều trị ổn định bằng levothyroxin. Cả 2 bệnh nhân sau đó đều xuất hiện tình trạng giảm thyroxin tự do (T4) và tăng hormon kích thích tuyến giáp (TSH). Tình trạng được cải thiện khi ngừng dùng ciprofloxacin hoặc sử dụng ciprofloxacin và levothyroxin cách nhau 6 giờ.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy ciprofloxacin làm giảm hấp thu qua đường ruột của levothyroxin.
Khuyến cáo khi dùng phối hợp levothyroxin và ciprofloxacin
Sử dụng ciprofloxacin có thể làm giảm nồng độ levothyroxin trong huyết tương. Vì vậỵ các bệnh nhân dùng levothyroxin kết hợp với ciprofloxacin cần được:
Hướng dẫn sử dụng 2 thuốc cách nhau 6 giờ;
Thông báo về tương tác có thể xảy ra, các dấu hiệu và triệu chứng nhận biết (ví dụ như mệt mỏi, lờ đờ, cảm thấy lạnh);
Theo dõi sự thay đổi chức năng tuyến giáp.
Medsafe: Vitamin E có gây xuất huyết?
Trung tâm theo dõi phản ứng có hại của New Zealand đã nhận được một báo cáo về độc tính của vitamin E. Một bệnh nhân dễ bị bầm tím hơn sau khi sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin E hàm lượng cao.
Lượng vitamin E (alpha-tocopherol) được khuyến nghị cho người trưởng thành ở New Zealand là 10 mg/ngày (~15 IU/ngày) đối với nam giới và 7 mg/ngày (~ 10.5 IU/ngày) đối với nữ giới.
Mặc dù chưa có đầy đủ thông tin, tuy nhiên có thể giải thích nguy cơ gây xuất huyết của vitamin E bằng nhiều cơ chế:
Sản phẩm oxy hóa chính của alpha-tocopherol là tocopheryl quinon có đặc tính chống đông máu, gây xuất huyết thông qua việc cản trở sự chuyển hóa vitamin K.
Vitamin E có thể ức chế kết tập tiểu cầu.
Trong báo cáo được đề cập ở trên, lượng vitamin E có trong sản phẩm cao gấp khoảng 30 lần so với liều dùng được khuyến cáo. Biến cố xảy ra sau khi sử dụng sản phẩm, do đó có mối liên quan về mặt thời gian dùng thuốc và biến cố bất lợi. Vì vậy, cần xem xét đến khả năng vitamin E là nguyên nhân gây xuất huyết