## Điểm tin cảnh giác dược 03/08/2022

### Vaccine COVID-19 AstraZeneca, vaccine COVID-19 Jassen

**Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Vaccine COVID-19 AstraZeneca và vaccine COVID-19 Jassen – nguy cơ viêm tủy ngang**

Ủy ban Đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược đã khuyến cáo cập nhật thông tin sản phẩm cho vaccine COVID-19 AstraZeneca (Vaxzevria®) và vaccine COVID-19 Janssen (Janssen®) về nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các trường hợp viêm tủy ngang (Transverse myelitis - TM) hiếm gặp, được báo cáo sau khi tiêm chủng.

Viêm tủy ngang là rối loạn thần kinh hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng viêm một hoặc cả hai bên của tủy sống, có thể gây yếu tay hoặc chân, các triệu chứng cảm giác (như ngứa ran, tê, đau hoặc mất cảm giác đau) hoặc các vấn đề về chức năng bàng quang hoặc ruột.

PRAC đã cân nhắc những thông tin sẵn có về các trường hợp được báo cáo trên toàn cầu, bao gồm các trường hợp nghi ngờ về tác dụng không mong muốn trong cơ sở dữ liệu châu Âu và dữ liệu từ y văn. PRAC đã kết luận rằng có khả năng có mối quan hệ nhân quả liên quan giữa vaccine và viêm tủy ngang. Thông tin về lợi ích-rủi ro của vaccine vẫn không thay đổi.
 
Các nhân viên y tế nên cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng của TM nhằm chẩn đoán sớm, hỗ trợ chăm sóc và điều trị. Những người sử dụng một trong hai loại vaccine này nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu họ xuất hiện các triệu chứng của tình trạng trên.

## Điểm tin cảnh giác dược 04/08/2022

### Topiramat
Thuốc điều trị co giật (đơn trị liệu hoặc phối hợp) và phòng ngừa đau nửa đầu

**Cơ quan quản lý Dược châu Âu (EMA): PRAC bắt đầu xem xét nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến topiramat**

Ủy ban đánh giá nguy cơ cảnh giác dược (PRAC) đã bắt đầu xem xét thuốc topiramate để đánh giá dữ liệu mới về nguy cơ tiềm ẩn của rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em đã phơi nhiễm với thuốc trong thai kỳ.
Sử dụng topiramat trong thai kỳ làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do đó phụ nữ bị động kinh nên tránh mang thai trong khi đang được điều trị bằng topiramat, tham khảo ý kiến của bác sĩ trong trường hợp mong muốn có thai. Không sử dụng topiramat để ngăn ngừa đau nửa đầu cho phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao.

Gần đây, 1 nghiên cứu điều tra nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh, bao gồm rối loạn phổ tự kỉ và khuyết tật trí tuệ, liên quan đến một số loại thuốc chống động kinh, bao gồm cả topiramat, đã được công bố. Nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu của Bắc Âu bao gồm hơn 24.000 trẻ em phơi nhiễm với ít nhất một loại thuốc chống động kinh trong thai kỳ, trong đó 471 trẻ phơi nhiễm với topiramat.
 
Các kết luận nghiên cứu cho thấy phơi nhiễm topiramat trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc rối loạn phổ tự kỉ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh.
 
Dựa trên thông tin mới này, PRAC quyết định cần đánh giá thêm, từ đó đưa ra quy trình quản lý phù hợp với nguy cơ tiềm ẩn này

**Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA): Bắt đầu đánh giá an toàn của topiramat về nguy cơ khuyết tật thần kinh bẩm sinh ở trẻ em**

Khuyến cáo hiện tại của topiramat

- Không kê đơn topiramat trong thai kỳ để dự phòng chứng đau nửa đầu 
  
- Đảm bảo tất cả bệnh nhân trong độ tuổi sinh sản đều biết sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả cao trong suốt quá trình điều trị bằng topiramat 
  
- Tư vấn cho bệnh nhân về tầm quan trọng của việc tránh thai trong khi sử dụng topiramat về những vấn đề nảy sinh cũng như nguy cơ gia tăng các dị tật bẩm sinh lớn và hạn chế sự phát triển của thai nhi khi phơi nhiễm với topiramat trước sinh 
  
- Topiramat có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp tránh thai steroid, bao gồm các loại thuốc tránh thai đường uống, do đó nên xem xét các phương pháp sử dụng thuốc thay thế hoặc đồng thời
    
- Để dự phòng chứng đau nửa đầu trong thai kỳ, bác sĩ nên xem xét các phương pháp điều trị thay thế
   
- Đối với bệnh động kinh, người sử dụng topiramat đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai nên ngay lập tức gặp chuyên gia để được tư vấn đặc biệt về cách điều trị chống động kinh
 
_Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế_

- MHRA vừa bắt đầu một đánh giá an toàn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của topiramat, và cân nhắc việc sử dụng các biện pháp khác có cần thiết hay không để giảm nguy cơ khi sử dụng topiramat trong thai kỳ
   
- Đánh giá an toàn mới được thực hiện khi một nghiên cứu quan sát lớn đã báo cáo rằng phơi nhiễm với topiramat trong thai kỳ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và rối loạn phát triển thần kinh
   
- Trong số các loại thuốc chống động kinh được xem xét để sử dụng trong thai kỳ, lamotrigin và levetiracetam tiếp tục được coi là an toàn hơn cho trẻ do không dẫn đến tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh
   
- Phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt khi kê đơn valproat cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì những nguy cơ đáng kể valproat gây ra trong thai kỳ

_Khuyến cáo dành cho bệnh nhân_

- Không tự ý ngừng sử dụng topiramat trước khi thảo luận với bác sĩ
    
- Topiramat có thể gây hại cho sự hình thành và phát triển của thai nhi trong thai kỳ. Một nghiên cứu mới cũng đã chỉ ra mối quan hệ của topiramat với việc tăng nguy cơ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở trẻ phơi nhiễm thuốc trong thai kỳ.
  
- MHRA và các chuyên gia đang xem việc có cần thay đổi cách sử dụng topiramat trên bệnh nhân tại Vương quốc Anh hay không – kết quả sẽ được thông báo ngay khi có kết luận
   
- Nếu đang sử dụng topiramat để điều trị động kinh/đau nửa đầu và có kế hoạch mang thai, hãy nhanh chóng trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về các phương pháp điều trị thay thế có thể được sử dụng trong thai kỳ càng sớm càng tốt.

- Những người có thể mang thai nên thử thai trước khi bắt đầu điều trị bằng topiramat và sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả khi sử dụng topiramat.

- Topiramat có thể làm giảm hiệu quả của biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố trong việc ngăn chặn mang thai ngoài ý muốn - hãy trao đổi với bác sĩ về biện pháp tránh thai tốt nhất khi đang dùng topiramat.


## Điểm tin cảnh giác dược 11/08/2022

### Thuốc kháng histamin thế hệ 1

**TGA: Cảnh báo tránh sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ nhỏ điều trị ho, cảm lạnh và cúm**

Bắt đầu mùa đông và mùa cúm, TGA nhắc lại cho cán bộ y tế và bệnh nhân việc không nên sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1, bao gồm cả những loại thuốc không kê đơn (OTC) để điều trị các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm ở trẻ em dưới 6 tuổi. Thuốc kháng histamin thế hệ 1 cũng không nên sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi với tất cả các chỉ định.
 
Thuốc kháng histamin thế hệ 1 bao gồm các chế phẩm có chứa các hoạt chất sau: alimemazin (trimeprazin), brompheniramin, chlorphenamin, dexchlorpheniramin, diphenydramin, doxylamin, pheniramin, promethazin, triprolidin.

Kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2020, tất cả các sản phẩm OTC đường uống có chứa thuốc kháng histamin thế hệ 1 có tác dụng an thần được yêu cầu phải có cảnh báo “Không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi”. Các chế phẩm uống điều trị ho, cảm lạnh và cúm cũng phải có cảnh báo: “Không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Chỉ nên sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi theo khuyến cáo của bác sĩ, dược sĩ hoặc điều dưỡng”.
 
_Thông tin dành cho bệnh nhân_

Không sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 cho trẻ em dưới 6 tuổi trong điều trị các triệu chứng ho, cảm lạnh và cúm; và không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi trong với tất cả các chỉ định. Các sản phẩm này có thể gây hại nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.
 
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng histamin thế hệ 1 trong điều trị rối loạn giấc ngủ và hành vi, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, có thể gây nguy hiểm và không được khuyến khích.

## Điểm tin cảnh giác dược 12/08/2022

### Colchicine
Thuốc chống gout 

**Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp (ANSM): Độc tính nghiêm trọng của colchicin – Lưu ý sử dụng thuốc đúng cách**

Colchicin là thuốc có khoảng điều trị hẹp, do vậy có nguy cơ cao xảy ra quá liều, biểu hiện ban đầu là rối loạn tiêu hoá (tiêu chảy, buồn nôn, nôn). Ngộ độc colchicin liều cao có thể gây ra suy đa tạng dẫn đến tử vong (do tổn thương hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh, huyết học). Những nguy cơ này có thể được giảm thiểu bằng cách tuân thủ chỉ định, khuyến cáo về liều dùng, chống chỉ định và tương tác thuốc trong tờ Thông tin Sản phẩm.

_Thông tin cho nhân viên y tế_

- Tuân thủ chế độ liều được khuyến cáo trong tờ Thông tin Sản phẩm.
 
- Giảm liều trên bệnh nhân lớn tuổi (đặc biệt ở bệnh nhân > 75 tuổi), bệnh nhân suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận, bệnh nhân có nguy cơ suy giảm chức năng thận (mất nước, sử dụng với thuốc khác đồng thời), và theo dõi sát những bệnh nhân này.
 
- Tuân thủ các chống chỉ định sau:
 
	Bệnh nhân suy giảm chức năng thận nghiêm trọng (độ thanh thải creatinin < 30 mL/phút).
 
	Bệnh nhân suy giảm chức năng gan nghiêm trọng.
 
- Kiểm tra nguy cơ tương tác thuốc: Không phối hợp colchicin cùng với pristinamycin hoặc các kháng sinh macrolid (ngoại trừ spiramycin) do có tương tác thuốc chống chỉ định.
 
- Tư vấn bệnh nhân:
 
 Luôn tuân thủ chế độ liều.
 
 Nhanh chóng báo cho nhân viên y tế nếu gặp triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn. Cân nhắc giảm liều hoặc ngừng thuốc

## Điểm tin cảnh giác dược 14/08/2022

### Nomegestrol và chlomadinone
Dẫn xuất progesterone, điều trị mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung

**EMA: PRAC khuyến cáo các biện pháp mới để giảm thiểu nguy cơ u màng não liên quan đến thuốc chứa nomegestrol hoặc chlomadinone**

PRAC khuyến cáo các loại thuốc chứa chlomadinone dạng hàm lượng lớn (5-10 mg) hoặc nomegestrol dạng hàm lượng lớn (3,75-5 mg) nên được sử dụng với liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, và chỉ sử dụng khi các biện pháp can thiệp khác không phù hợp. Ngoài ra, các thuốc chứa nomegestrol hoặc chlomadinone các dạng hàm lượng khác nhau đều không sử dụng cho bệnh nhân đã hoặc đang mắc u màng não. 
Ngoài việc hạn chế sử dụng liều cao, PRAC khuyến cáo theo dõi các triệu chứng của u màng não trên bệnh nhân sử dụng thuốc. Nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc u màng não, việc điều trị bằng các loại thuốc này cần ngừng vĩnh viễn.

## Điểm tin cảnh giác dược 19/08/2022

### Thuốc chống sung huyết mắt

**Cơ quan an toàn thuốc và thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe): Khuyến cáo không sử dụng thuốc chống sung huyết mắt trong điều trị đỏ mắt và/hoặc viêm mắt nhẹ cho trẻ dưới 12 tuổi**

Tháng 6/2021, Uỷ ban về các phản ứng có hại của thuốc của New Zealand (MARC) đã lưu ý rằng thuốc nhỏ mắt Clear Eyes (naphazolin) 0,01% không có giới hạn độ tuổi sử dụng ghi trên nhãn thuốc. Điều này dẫn tới quan ngại rằng Clear Eyes có thể dễ dàng được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi mà không cần các chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, chuyên luận thuốc dành cho trẻ em của New Zealand khuyến cáo chỉ nên sử dụng naphazolin cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Do đó, MARC đề xuất lên Cơ sở dữ liệu các thông tin trên nhãn bổ sung giới hạn độ tuổi trên bao bì thuốc này.
  
Tương tự, Medsafe cũng khuyến cáo mở rộng việc bổ sung giới hạn độ tuổi trên nhãn đối với tất cả các loại thuốc chống sung huyết sử dụng để điều trị đau mắt đỏ và/hoặc kích ứng viêm mắt nhẹ, bao gồm cả thuốc chứa tetrahydrozolin (tetryzolin) hoặc phenylephrin.
  
Do thuốc chống sung huyết mắt là thuốc không cần kê đơn, các thuốc này không bắt buộc phải có tờ thông tin thuốc đi kèm. Thay vào đó, người dùng chỉ biết được các thông tin về thuốc thông qua nội dung ghi trên bao bì. Nếu thông tin cảnh báo trên bao bì không đầy đủ, trẻ em có nguy cơ gặp phải rủi ro không mong muốn khi sử dụng thuốc bao gồm nguy cơ xảy ra tác dụng toàn thân cũng như những lo ngại do thiếu thông tin về tính an toàn và hiệu quả sử dụng thuốc.
 
Hiện tại, giới hạn độ tuổi sử dụng đã được liệt kê trên bao bì một số thuốc chống sung huyết mắt như:

- Naphazolin: Một số thuốc nhỏ mắt chứa naphazolin đưa ra cảnh báo không nên sử dụng thuốc cho trẻ dưới 12 tuổi trên bao bì, trong khi một số thuốc khác chưa có giới hạn tuổi cụ thể.

- Tetrahydrozolin: Nhãn thuốc chứa hoạt chất này đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi.

- Phenylephrin: New Zealand chưa chấp thuận bất kỳ thuốc nhỏ mắt phenylephrin nào được sử dụng với mục đích điều trị tình trạng đỏ mắt hoặc viêm mức độ nhẹ. Loại thuốc này cũng đang được sử dụng cho mục đích chẩn đoán và không cần đưa ra các khuyến cáo như trên.
 
Medsafe đưa ra đề xuất ghi trên tất cả các nhãn thuốc chống sung huyết mắt khuyến cáo “Không sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 12 tuổi”.

## Điểm tin cảnh giác dược 27/08/2022

### Hydroxyethyl starch (HES)
Dung dịch cao phân tử, điều trị giảm thể tích tuần hoàn do mất máu cấp khi việc sử dụng dung dịch truyền đơn thuần không mang lại hiệu quả đầy đủ.

**Dịch truyền hydroxyethyl starch (HES): Cập nhật thông tin từ một số Cơ quan quản lý dược phẩm trên thế giới và việc sử dụng dịch truyền trong điều trị sốt xuất huyết**

Ngày 24/5/2022, Uỷ ban Châu Âu đã có quyết định pháp lý cuối cùng về việc **đình chỉ lưu hành dịch truền hydroxyethyl starch (HES) tại thị trường Châu Âu**. Cơ quan này cũng đề xuất trong trường hợp vì lý do sức khỏe cộng đồng, từng quốc gia thành viên tại liên minh Châu Âu có thể trì hoãn việc đình chỉ lưu hành các chế phẩm chứa HES nhưng không quá 18 tháng kể từ sau thông báo của Ủy ban Châu Âu và trong thời gian đó cần đảm bảo áp dụng các biện pháp giảm thiểu nguy cơ với dịch truyền HES còn trên thị trường.

Sau biện pháp quản lý của EMA, Cơ quan quản lý Dược phẩm một số nước tại Châu Âu như Anh và Pháp đã đưa thông tin liên quan đến quyết định của EMA. Trong đó, Cơ quan quản lý Dược phẩm Anh đề cập hiện không còn chế phẩm chứa HES lưu hành tại nước này. Hiện tại, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa có động thái quản lý mới. Thông tin cảnh báo gần nhất được FDA đưa ra vào tháng 7/2021. Cơ quan này thông báo đã hoàn thành việc đánh giá dữ liệu và thông tin về độ an toàn của các chế phẩm chứa HES. Kết quả cho thấy các nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng các chế phẩm HES.

FDA yêu cầu thay đổi thông tin trong mục “cảnh báo được đóng khung” để làm nổi bật nguy cơ gây tử vong, tổn thương thận và chảy máu kéo dài, đồng thời đi kèm khuyến cáo không nên sử dụng các sản phẩm chứa HES trừ khi không có phương pháp điều trị thay thế thích hợp.
 
Theo Hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết của Tổ chức y tế thế giới (WHO) (2009) có thể sử dụng các dịch truyền cao phân tử chứa gelatin, dextran hoặc starch.
 
Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát sốt xuất huyết của WHO khu vực Đông Nam Á (2011) đưa ra khuyến cáo về truyền dịch trong sốt xuất huyết có thể sử dụng dịch keo có áp suất thẩm thấu cao (>300 mOsm/l) như dextran 40 và starch ở bệnh nhân bị thoát huyết tương nặng và bệnh nhân sử dụng dịch truyền tinh thể đơn độc không có hiệu quả đầy đủ. Các dung dịch keo áp suất thẩm thấu tương đương như huyết tương và dịch thay thế huyết tương có thể không hiệu quả.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue (2019) của Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo sử dụng các dung dịch cao phân tử như dextran 40 hoặc 70, hydroxyethyl starch (HES 200.000 dalton) trong điều trị sốt xuất huyết nặng.