Cơ quan quản lý Dược phẩm New Zealand (Medsafe): kháng sinh nhóm Cephalosporin và nguy cơ độc tính trên thần kinh
Độc tính trên thần kinh của cephalosporin, bao gồm: bệnh não (encephalopathy), co giật (seizures) và/hoặc rung giật cơ (myoclonus) đã được báo cáo. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng vài ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc và tự giới hạn sau khi ngưng thuốc.
Độc tính trên thần kinh có thể gặp ở tất cả các thế hệ của kháng sinh nhóm cephalosporin, trong đó cefepim là kháng sinh được báo cáo nhiều nhất trên toàn thế giới.
Yếu tố nguy cơ bao gồm: tuổi cao, suy thận (đặc biệt khi liều kháng sinh không được hiệu chỉnh theo chức năng thận), có bệnh nền rối loạn thần kinh trung ương và sử dụng cephalosporin liều cao đường tĩnh mạch. Ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ trên và có các rối loạn thần kinh mới xuất hiện không giải thích bằng các nguyên nhân khác, nhân viên y tế nên nghi ngờ về khả năng kháng sinh cephalosporin gây ra các độc tính trên thần kinh. Trong trường hợp này, có thể cân nhắc ngưng thuốc.
Cơ quan quản lý Dược phẩm New Zealand (Medsafe): Metoclopramid và nguy cơ loạn trương lực cơ (dystonia) ở trẻ em và người trẻ tuổi (từ 1-19 tuổi)
Loạn trương lực cơ (dystonia) là một phản ứng có hại (ADR) của Metoclopramid, đặc trưng bởi rối loạn vận động và co cơ không kiểm soát, có thể ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Đây là một loại ADR hội chứng ngoại tháp phổ biến nhất liên quan đến việc sử dụng metoclopramide.
Phản ứng có thể xuất hiện ngay sau liều đầu của thuốc với tần suất 1%, thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi (1-19 tuổi), nữ giới và người sử dụng mức liều cao hơn.
Do đó, để giảm nguy cơ ADR loạn trương lực cơ, cần tuân thủ chặt chẽ chế độ liều như khuyến cáo. Ngoài ra, ở đối tượng từ 1-19 tuổi, sử dụng metoclopramid chỉ được giới hạn và là liệu pháp hàng hai (second-line therapy) trong một số chỉ định nhất định như: nôn ói nặng không rõ nguyên nhân, nôn do hóa trị hoặc không dung nạp thuốc gây độc tế bào, hỗ trợ trong đặt ống ruột non…