I. CHẨN ĐOÁN

I.1. Chẩn đoán sơ bộ

I.1.1. Dịch tễ

Sống hay lui tới vùng có ổ dịch thiên nhiên: làm rừng, rẫy, làm đường xá, khai hoang, săn bắn, đi đào vàng-đá quý, bộ đội hành quân, thanh niên xung phong…

I.1.2. Lâm sàng

  • Sốt: Sốt cấp tính hay kéo dài, có thể kèm ớn lạnh hoặc lạnh run.
  • Dấu hiệu nhiễm độc: Nhức đầu, chóng mặt, đau mình, mất ngủ, mặt đỏ, mắt sung huyết, môi khô, lưỡi bẩn...
  • Nốt loét: Thường chỉ gặp một nốt loét, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính dài 2-3 mm x 5-10 mm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi gờ trên mặt da. Lúc đầu nốt loét màu vàng xám, sau đó đóng vảy màu nâu hoặc đen. Vị trí hay gặp ở các nếp gấp của cơ thể như: tay, cổ, gáy, thân mình, đùi, bẹn, rốn...
  • Sưng hạch khu vực hay toàn thân: Hạch hơi cứng, ấn đau, đường kính 2-4 cm, di động được, da bên ngoài không đỏ, không nóng. Hạch không mưng mủ và nhỏ dần khi bệnh nhân hồi phục (sau vài tháng).
  • Phát ban: Đây thường là nốt dát-sẩn, màu đỏ nhạt, không đau, không ngứa và khi lặn không để lại vết tích. Ban xuất hiện đầu tiên ở ngực, bụng; sau lan ra khắp mình và tay chân. Đôi khi có ban xuất huyết hoặc xuất huyết kết mạc mắt.
  • Các dấu hiệu khác:
    • Thần kinh: li bì, lơ mơ, mê sảng, kích động hoặc hôn mê.
    • Tim mạch: hạ huyết áp có thể xảy ra vào cuối tuần thứ hai. Các trường hợp nặng có thể viêm cơ tim, viêm tắc mạch máu.
    • Hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi mô kẽ chỉ chẩn đoán được trên X-quang.
    • Tiêu hóa: táo bón lúc đầu, sau đó tiêu lỏng ngày 3-4 lần. Gan ít khi to nhưng lách có thể to vào tuần thứ hai.
    • Tiết niệu: có thể tiểu ít, nước tiểu có albumin.

I.1.3. Cận lâm sàng

  • Công thức máu: Bạch cầu máu bình thường hoặc tăng với tỉ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm đa số.
  • Huyết thanh chẩn đoán: Độ nhạy và độ đặc hiệu thường thấp
  • Test nhanh dùng phản ứng ELISA (Dot-blot Enzyme-linked immunosorbent assay dipstick test).Thuận tiện sử dụng tại vùng đồng quê. Độ nhạy: 94%, độ đặc hiệu: 98,7%, cho kết quả sau 1 giờ.
  • PCR (Polymerase Chain Reaction): PCR với bệnh phẩm lấy từ máu, da và hạch giúp chẩn đoán.

I.2. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Thương hàn
  • Lao phổi, lao màng não.

I.3. BIẾN CHỨNG

  • Tim mạch: viêm cơ tim, viêm tắc tĩnh mạch, động mạch, trụy tim mạch.
  • Phổi: viêm phổi, phế quản phế viêm, tràn mủ màng phổi.
  • Xuất huyết: nôn ra máu, tiêu ra máu, ho ra máu.
  • Thần kinh: viêm não, viêm thần kinh ngoại biên.
  • Thận: viêm thận.

II. ĐIỀU TRỊ

II.1. KHÁNG SINH

Có thể chọn lựa 1 trong 2 loại kháng sinh sau

  • Doxycycline
    • Người lớn: 100 mg x 2 lần/ngày x 7 ngày, uống
    • Trẻ em trên 8 tuổi: 2-2,5 mg/kg/lần x 2 lần/ngày x 7 ngày, uống.

Không dùng Doxycycline cho phụ nữ có thai, trẻ em dưới 8 tuổi và người suy gan nặng.

  • Hoặc Azithromycin: Có thể sử dụng cho trẻ em và phụ nữ có thai.
    • Người lớn: 500 mg uống 1 lần/ngày x 5 ngày
    • Trẻ em: 10 mg/kg uống 1 lần/ngày x 5 ngày

Có thể điều trị kháng sinh kéo dài thêm 3 ngày sau khi bệnh nhân hết sốt.

  • Thuốc thay thế:
    • Rifampicin 600-900 mg/ngày.
    • Chloramphenicol: 50-100 mg/kg/ngày (người lớn: 500 mg x 4 lần/ngày), dùng đường uống hoặc tiêm mạch nếu bệnh nặng.
  • Corticosteroids có thể sử dụng phối hợp với kháng sinh trong các trường hợp bệnh nhân bị nhiễm độc nặng ở giai đoạn trễ của bệnh. Thường nên dùng thuốc với liều cao và ngắn ngày (3 ngày).

II.2. ĐIỀU TRỊ NÂNG ĐỠ

  • Cân bằng nước điện giải.
  • Điều trị các triệu chứng và biến chứng.

III. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh Sốt ve mò, Sách Bệnh truyền nhiễm, Bộ môn Nhiễm Đại học Y dược TP. HCM. Nhà xuất bản Y học - 2008.
  2. Didier Raoult (2005), “Scrub Typhus”, Mandell, Douglas, and Bennett’s Principles and Practice of Infectious Diseases, 6th edition, Churchill Livingstone, Chap 189, pp. 2309-2310.
  3. David H. Walker và cộng sự (2005), “Rickettsial diseases”, Harrison’s Principles of Internal Medicine, 16th edition, The McGraw-Hill Companies, Chap 158, pp. 999-1008.