[TOC]

I. CHẨN ĐOÁN
==================

**I.1. Chẩn đoán sơ bộ**

I.1.1. Dịch tễ: 

Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm.

I.1.2. Lâm sàng có hội chứng Cúm:

- Sốt, thường trên 38oC.
- Đau nhức cơ toàn thân.
- Biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

I.1.3. Cận lâm sàng:

- Công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.
- Hình ảnh chụp  x quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.

**I.2. Chẩn đoán xác định**

Phát hiện RNA virus bằng kỹ thuật RT-PCR và/hoặc phân lập virus cúm A/H1,H3,B từ các bệnh phẩm: phết mũi, phết họng, dịch tỵ hầu, dịch rửa phế quản. 

**I.3. Chẩn đoán mức độ bệnh**

I.3.1. Cúm chưa có biến chứng:

Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.

I.3.2. Cúm có biến chứng (cúm nặng): 

Lâm sàng nghi ngờ hoặc xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:

- Có tổn thương phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc:
- Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi trùng, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng.
- Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận,đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).

**I.4. Các đối tượng nguy cơ dễ có biến chứng khi mắc cúm**

- Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.
- Người già trên 65 tuổi.
- Phụ nữ có thai.
- Người lớn mắc các bệnh mạn tính (như đã nêu trên).
- Suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, Corticoid kéo dài, HIV/AIDS).

II. ĐIỀU TRỊ
==================

**II.1. Nguyên tắc chung**

- Cách ly y tế và báo dịch theo quy định.
- Đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh để xử trí phù hợp. 
- Dùng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt khi có chỉ định.
- Hạn chế chuyển tuyến.

**II.2 Xử trí theo mức độ bệnh:**

- Nhập viện điều trị:
    - Cúm có biến chứng.
    - Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ.
- Điều trị ngoại trú:
    - Cúm chưa biến chứng.
    - Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên nhập viện.

**II.3. Thuốc kháng virus**

- Chỉ định: Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) ở đối tượng có yếu tố nguy cơ hoặc cúm có biến chứng.
- Thuốc được sử dụng hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir. 

II.3.1. [Oseltamivir]((http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-oseltamivir)) (Tamiflu):

- Liều lượng:

_Người lớn và trẻ em > 13 tuổi:_ 75mg x 2 lần/ngày

_Trẻ em ≥ 12 tháng đến  ≤ 13 tuổi:_    	

Cân năng  | Liều lượng
------------- | -------------
≤ 15 kg  | 30 mg x 2 lần/ngày
> 15 kg đến 23 kg  | 45 mg x 2 lần/ngày
> 23 kg đến 40 kg | 60 mg x 2 lần/ngày
> > 40 kg | 75 mg x 2 lần/ngày


_Trẻ em < 12 tháng tuổi:_

Tuổi  | Liều lượng
------------- | -------------
0-1 tháng  | 2 mg/kg x 2 lần/ngày
> 1 -3 tháng | 2.5 mg/kg x 2 lần/ngày
> 3-12tháng  | 3 mg/kg x 2 lần/ngày

Thời gian điều trị: 5 ngày.

II.3.2. Zanamivir: 

- Chỉ định: sử dụng trong các trường hợp không có Oseltamivir hoặc kháng với Oseltamivir.
- Chống chỉ định: bệnh nhân thở máy.
- Cách dùng: hít định liều

Người lớn và trẻ em > 7 tuổi:	10 mg (2 lần hít 5 mg) x 2 lần/ngày

Trẻ em từ 5 - 7 tuổi:	10 mg (2 lần hít 5 mg) x 1 lần/ngày

**II.4. Điều trị cúm biến chứng**

- Hỗ trợ hô hấp khi có suy hô hấp: thở oxy, thở CPAP hoặc thông khí nhân tạo tùy từng trường hợp. 
- Phát hiện và điều trị sớm các trường hợp bội nhiễm vi trùng với kháng sinh thích hợp. 
- Phát hiện và điều trị suy đa phủ tạng. 

**II.5. Điều trị hỗ trợ**

- Hạ sốt: Chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 38o5, không dùng thuốc nhóm Salicylatenhư Aspirin để hạ sốt.
- Đảm bảo cân bằng nước điện giải.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

III. TIÊU CHUẨN RA VIỆN
==================

- Hết sốt và hết các triệu chứng hô hấp trên 48 giờ (trừ ho).
- Tình trạng lâm sàng ổn định.
- Sau khi ra viện phải cách ly y tế tại nhà cho đến hết 7 ngày tính từ khi khởi phát triệu chứng.

V. PHÒNG BỆNH
==================

**V.1. Các biện pháp phòng bệnh chung**

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm.
- Tăng cường rửa tay.
- Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.
- Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
- Tiêm phòng vắcxin cúm .
- Nên tiêm phòng vắcxin cúm hàng năm. 
- Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:
    - Nhân viên y tế.
    - Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi.
    - Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim,đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).
    - Người trên 65 tuổi.

**V.2. Dự phòng bằng thuốc kháng virus**

- Chỉ định: Những người thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị biến chứng nặng khi mắc cúm có tiếp xúc gần với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm.
- Thuốc dự phòng: Oseltamivir.
- Liều lượng:

_Người lớn và trẻ em > 13 tuổi:_	75mg x 1 lần/ngày

_Trẻ em  ≥ 12 tháng đến ≤ 13 tuổi:_

Cân năng  | Liều lượng
------------- | -------------
≤ 15 kg  | 30 mg x 1 lần/ngày
> 15 kg đến 23 kg  | 45 mg x 1 lần/ngày
> 23 kg đến 40 kg  | 60 mg x 1 lần/ngày
> 40 kg  | 75 mg x  1 lần/ngày

_Trẻ em <12 tháng_
	
Tuổi  | Liều lượng
------------- | -------------
< 3 tháng  | Không khuyến cáo trừ trường hợp được cân nhắc kỹ
3-5 tháng  | 20 mg x 1 lần/ngày
6-11 tháng  | 25 mg x 1 lần/ngày

- Thời gian: 10 ngày.