I. CHẨN ĐOÁN
==========

I.1. Chẩn đoán sơ bộ
---------------

### I.1.1. Dịch tễ và tiền căn:

- Có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay lao ngoài phổi.

- Có tiền sử mắc bệnh lao hay đã được điều trị lao.

- Mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận mãn, xơ gan, ung thư hay sử dụng thuốc kháng viêm corticoids, hóa trị ung thư kéo dài.

- Nhiễm HIV.

### I.1.2. Lâm sàng:

Bệnh sử > 7 ngày, với các triệu chứng sau: 

-	Sốt

-	Hội chứng màng não: nhức đầu tăng dần, ói mửa

-	Dấu màng não: cổ cứng, có dấu Kernig, Brudzinski

-	Có thể có dấu liệt dây thần kinh sọ III, VI, VII hay rối loạn cơ vòng như bí tiểu

-	Rối loạn tri giác

-    Đối với trẻ em, có thêm các dấu hiệu: quấy khóc, bỏ bú, thóp phồng, co giật.

### I.1.3. Cận lâm sàng:

- Dịch não tủy: 

+ Áp lực có thể tăng

+ Màu trong hay ánh vàng. Có thể thoáng mờ

+ Protein tăng

+ Glucose giảm (< 50% so với glucose máu, lấy cùng lúc chọc dò tủy sống)

+ Tế bào tăng, với đa số là tế bào lympho. Có thể tế bào neutro chiếm ưu thế trong giai đoạn sớm. Riêng đối với cơ địa nhiễm HIV/AIDS có thể tế bào neutro chiếm ưu thế

+ Lactate tăng (> 4 mmol/L)

+ Soi AFB, cấy tìm vi trùng lao trong dịch não tủy

+ PCR lao (GeneXpert…) dịch não tủy có thể dương

-   CT scan/ MRI não: hình ảnh dày màng não, củ lao hay dãn não thất

I.2. Chẩn đoán phân biệt
------------------------

- Viêm màng não mủ đang điều trị

- Viêm màng não nấm 

- Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan

- Viêm não - màng não siêu vi

- Phản ứng màng não với ổ nhiễm trùng kế cận màng não (áp xe não, viêm tai giữa, viêm tai-xương chũm…) hoặc với chất hóa học

I.3. Chẩn đoán xác định
--------------------

- Bệnh cảnh lâm sàng

- Đặc điểm dịch não tủy. Soi trực tiếp AFB (+). Cấy dịch não tủy có vi trùng lao hoặc xét nghiệm Xpert MTB có thể dương tính

II. ĐIỀU TRỊ
================

II.1. Nguyên tắc:
------------------

-  Cần loại trừ viêm màng não nấm

-  Phải phối hợp thuốc kháng lao. Sử dụng phác đồ chuẩn của Bộ Y tế

-  Điều trị sớm ngay khi chẩn đoán lao

-  Phải đúng, đủ liều, đủ thời gian gồm 2 giai đoạn: tấn công và duy trì

-  Bệnh nhân phải được theo dõi tái khám định kỳ và kiểm soát trực tiếp

-  Phải tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị để bệnh nhân tuân thủ đúng liệu trình điều trị

II.2. Thuốc kháng lao:
---------------------

### II.2.1. Phác đồ B1 ( dùng cho người lớn )

- Giai đoạn tấn công ( 2 tháng ):  gồm 4 loại thuốc uống mỗi ngày là H (Isoniazid), R (Rifampicin), Z (Pyrazinamid), E (Ethambutol).

- Giai đoạn duy trì (10 tháng):  gồm 3 loại thuốc uống mỗi ngày H, R, E.

• Chú ý: Có thể sử dụng SM (Streptomycin) tiêm bắp thay thế Ethambutol uống.

### II.2.2. Phác đồ B2 ( dùng cho trẻ em )

- Giai đoạn tấn công (2 tháng ):  gồm 4 loại thuốc uống mỗi ngày là H, R, Z, E.

- Giai đoạn duy trì (10 tháng ):  gồm 2 loại thuốc uống mỗi ngày H, R.

II.3. Thuốc bổ trợ:
-------------------

Dexamethasone , liều như sau:

-	Tuần 1: 0,4mg/kg tiêm TM trong 7 ngày

-	Tuần 2: 0,3mg/kg tiêm TM trong 7 ngày

-	Tuần 3: 0,2mg/kg tiêm TM trong 7 ngày

-	Tuần 4: 0,1mg/kg tiêm TM trong 7 ngày

-	Tuần 5: 4mg uống trong 7 ngày

-	Tuần 6: 3mg uống trong 7 ngày

-	Tuần 7: 2mg uống trong 7 ngày

-	Tuần 8: 1mg uống trong 7 ngày

II.4. Điều trị triệu chứng:
------------------------

- Chống co giật

- Chống hạ đường huyết (trẻ em)

- Xử trí rối loạn điện giải (lưu ý hạ natri và kali máu)

III. THEO DÕI 
===========

- Dịch não tủy mỗi tháng trong giai đoạn tấn công và mỗi 3 tháng trong giai đoạn duy trì

- Men gan (AST, ALT) mỗi tháng trong giai đoạn tấn công và mỗi 3 tháng trong giai đoạn duy trì. Nếu nghi ngờ tổn thương gan do thuốc kháng lao thì cần hội chẩn để điều chỉnh phác đồ 

- Thị lực

Ghi chú:
=======

- Cần tư vấn xét nghiệm HIV đối với bệnh nhân mắc bệnh lao. 

- Chỉ định làm CT scan/MRI não: 

	+ Bệnh sử kéo dài > 7 ngày.

	+ Bệnh sử có co giật.

	+ Lâm sàng có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ (mạch chậm, huyết áp tăng, ói vọt). 

	+ Có dấu thần kinh khu trú. 

	+ Phù gai thị. 

- Cần hội chẩn chuyên khoa đối với trường hợp nghi ngờ lao kháng thuốc.

- Trên bệnh nhân HIV đang điều trị ARV, cần lưu ý tương tác thuốc với Rifampicin và hội chứng viêm phục hồi miễn dịch.

Phụ lục (liều lượng các thuốc chống lao theo cân nặng của người lớn và trẻ em)
========

[image:618]

Tài liệu tham khảo
==============

Hướng Dẩn Chẩn Đoán, Điều Trị Và Dự Phòng Bệnh Lao. QĐ số 3126 ngày 23/5/2018 của Bộ Y Tế.