[TOC] I. ĐẠI CƯƠNG ================== Melioidosis là bệnh của người và động vật do nhiễm vi khuẩn _Burkholderia pseudomallei_. Biểu hiện lâm sàng rất đa dạng như nhiễm trùng không triệu chứng, áp xe một hoặc nhiều cơ quan, viêm phổi kèm nhiễm trùng huyết/sốc nhiễm trùng. II. CHẨN ĐOÁN ================== **II.1. Yếu tố dịch tễ- tiền căn** Bệnh thường gặp ở người lớn, nam nhiều hơn nữ, người làm các công việc có tiếp xúc thường xuyên với đất. Bệnh nền: đái tháo đường, nghiện rượu, bệnh gan, thận mạn. Có thể gặp ở người có cơ địa bình thường. **II.2. Lâm sàng** Lâm sàng đa dạng, có thể gặp riêng rẽ hoặc phối hợp các thể sau: Viêm phổi: thường nặng, diễn tiến nhanh. Nhiễm trùng huyết/Sốc nhiễm trùng. Nhiễm trùng da mô mềm: áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào... Áp xe đa cơ quan: áp xe gan, lách, thận, tuyến tiền liệt, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da, viêm khớp hay viêm tủy xương, viêm não – màng não. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng giống bệnh cảnh lao với sốt kéo dài, sụt cân, ho khạc đàm (đôi khi ho ra máu), và thâm nhiễm phổi có thể tạo hang. Các biểu hiện hiếm gặp: viêm mạch máu, viêm hạch, u trung thất, tràn dịch màng ngoài tim, áp xe tuyến thượng thận. **II.3. Cận lâm sàng** Công thức máu: BC máu bình thường hoặc tăng, một số trường hợp có BC máu giảm, tiểu cầu có thể giảm. Procalcitonin máu tăng Chẩn đoán hình ảnh: Siêu âm, CT scan, MRI bụng: có thể thấy áp xe các cơ quan như gan, lách, tuyến tiền liệt, tuyến thượng thận. X-quang phổi: có thể gặp hình ảnh tổn thương nhu mô phổi, tràn dịch màng phổi. Cấy các mẫu bệnh phẩm từ cơ thể của người bệnh như máu, mủ, dịch sang thương da, mô mềm, đàm, nước tiểu, dịch màng phổi có thể phân lập được _B. pseudomallei_ giúp chẩn đoán xác định bệnh. III. ĐIỀU TRỊ ================== **III.1. Kháng sinh** III.1.1. Điều trị tấn công: Chọn một trong các loại kháng sinh sau: [Ceftazidime](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-ceftazidime): 50 mg/kg tối đa 2g mỗi 6 giờ. Hoặc: [Meropenem](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-meropenem): 25mg/kg tối đa 1g mỗi 8 giờ. Hoặc: [Imipenem](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-imipenem): 25mg/kg tối đa 1g mỗi 6 giờ. Xem xét phối hợp với: [Trimethoprim/sulfamethoxazole](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-trimethoprim-tmp-sulfamethoxazole) (8/40 mg/kg tối đa 320/1600 mg mỗi 12 giờ), nhất là những trường hợp nhiễm trùng hệ thần kinh, da, xương và tuyến tiền liệt. Thời gian điều trị tối thiểu 14 ngày, có thể kéo dài hơn đối với các trường hợp nặng: viêm phổi nặng, áp xe các cơ quan, viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng, hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh... Cấy máu lại trước khi chuyển sang điều trị duy trì. III.1.2. Điều trị duy trì: Trimethoprim/sulfamethoxazole: 8/40 mg/kg tối đa 320/1600 mg mỗi 12 giờ ± [Doxycycline](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-doxycycline): 2,5 mg/kg tối đa 100 mg mỗi 12 giờ. Trường hợp chống chỉ định 2 thuốc trên, có thể thay thế bằng [Amoxicillin-clavulanate](http://emed.bvbnd.vn/wiki/khang-sinh/lieu/#wiki-toc-amoxicillin): 20/5 mg/kg tối đa 1000/250 mg mỗi 8 giờ uống, tuy nhiên hiệu quả kém hơn. Thời gian điều trị duy trì tối thiểu 3 tháng sau khi ngưng kháng sinh đường tĩnh mạch. **III.2. Điều trị hỗ trợ:** Hồi sức tích cực: bù dịch, thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu,…giúp giảm tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Điều trị bệnh nền mạn tính. Dẫn lưu phẫu thuật các ổ áp xe lớn, chăm sóc các sang thương ngoài da **III.3. Theo dõi điều trị** Xuất viện khi lâm sàng cải thiện, đã ngưng kháng sinh chích. Tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì để ngừa tái phát. Theo dõi điều trị ngoại trú ít nhất 3 tháng kể từ lúc ra viện. Hẹn tái khám mỗi 1-2 tuần cho đến khi hoàn thành phác đồ điều trị duy trì. Nhập viện trở lại khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ bệnh tái phát. IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO ================== 1. Infections Due to PseudomonasSpecies and Related Organisms, Harrison's Principles of Internal Medicine, 19th Edition (2015), McGraw-Hill Companies, Inc. 2. Burkholderia pseudomallei and Burkholderia mallei: Melioidosis and Glanders, Mandell, Douglas, & Bennett's Principles & Practice of Infectious Diseases, 7th Edition (2010), Churchill Livingstone Elsevier.