Nhiễm Brucella là bệnh lây từ động vật sang người. Trực cầu khuẩn Brucella gồm 5 chủng chính: B. melitensis, B. ovis, B. abortus, B. suis, và B. canis. Trong đó Brucella melitensis là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất.
I. CHẨN ĐOÁN:
I.1. Chẩn đoán sơ bộ:
I.1.1. Dịch tễ:
Tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh: dê, cừu; trâu, bò, heo, chó hoặc chất thải của các động vật này qua vết cắt, vết trầy xước ở da hoặc võng mạc, hít phải không khí bị nhiễm khuẩn, ăn uống các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng hoặc thịt, nội tạng sống, tiết canh.
Người có yếu tố nguy cơ cao: người nuôi gia súc, bác sĩ thú y, công nhân giết mổ, nhân viên phòng xét nghiệm.
I.1.1. Lâm sàng:
Thời gian ủ bệnh thường 2-4 tuần, thay đổi từ 1 tuần đến 2 tháng.
Bệnh cảnh nhiễm trùng cấp hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến một hoặc nhiều cơ quan, triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu:
- Sốt kéo dài, liên tục hoặc ngắt quãng, vã mồ hôi, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, đau đầu, đau lưng, đau khớp, đau cơ toàn thân.
- Gan, lách, hạch to (10-30%).
- Triệu chứng tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, táo bón.
- Sang thương da: có ở khoảng 5% bệnh nhân, không đặc hiệu, thường là thoáng qua, biểu hiện bao gồm: hồng ban, sẩn, loét, áp xe, hồng ban nút, chấm, mảng xuất huyết, viêm mạch máu.
- Biến chứng:
- Xương khớp: viêm xương (người trẻ thường là viêm xương cụt, người lớn tuổi thường gặp viêm đốt sống thắt lưng), áp xe cạnh cột sống, áp xe ngoài màng cứng, áp xe cơ thắt lưng chậu, viêm khớp.
- Thần kinh: trầm cảm, giảm tập trung, dưới 5% có viêm não, viêm màng não, viêm đa dây thần kinh, viêm tủy, áp xe não.
- Tuần hoàn: viêm nội tâm mạc hiếm gặp (dưới 2%) nhưng tỉ lệ tử vong cao.
- Hô hấp: hội chứng giả cúm, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi.
- Gan mật: viêm gan, áp xe gan.
- Niệu - sinh dục: viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, thường viêm 1 bên, biến chứng thận hiếm (viêm cầu thận, viêm ống thận mô kẽ).
- Huyết học: có thiếu máu, giảm bạch cầu, tiểu cầu, rối loạn đông máu thường nhẹ và hồi phục sau điều trị.
- Mắt: viêm màng bồ đào là biến chứng muộn, do phản ứng miễn dịch và đáp ứng với liệu pháp corticoid tại chỗ hoặc toàn thân.
I.1.3. Cận lâm sàng:
- Công thức máu bạch cầu bình thường hoặc thấp, tiểu cầu có thể giảm.
- Huyết thanh chẩn đoán gồm: Rose Bengal test, ELISA tests, Serum agglutination test (SAT), Complement fixation test (CFT). Trong đó Rose Bengal test thường dùng để tầm soát bệnh do có độ nhạy cao.
I.2. Chẩn đoán:
I.2.1. Chẩn đoán xác định: dựa vào phân lập vi khuẩn Brucella trong máu hoặc tủy xương.
1.2.2. Chẩn đoán phân biệt: tùy vào biểu hiện lâm sàng, có thể nhầm với các bệnh như thương hàn, lao phổi, lao cột sống, Nhiễm HIV...
II. ĐIỀU TRỊ:
II.1. Kháng sinh
Phải phối hợp kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị do đơn trị liệu tỉ lệ tái phát cao.
II.1.1. Nhiễm Brucella không có biến chứng
Đối với người lớn và trẻ em từ 8 tuổi trở lên:
-
Doxycycline 100 mg x 2 lần/ngày uống Hoặc Tetracyclin 500 mg x 4 lần/ngày uống trong 6 tuần phối hợp với Gentamycin 5mg/kg/ngày, truyền TM 1 lần trong ngày x 7-10 ngày.
-
Phác đồ thay thế: Doxycyclin 200 mg/ngày x 6 tuần uống phối hợp với Rifampin 600-900 mg/ngày x 6 tuần uống.
II.1.2. Nhiễm Brucella có biến chứng
- Viêm đốt sống kèm áp xe cạnh cột sống, áp xe ngoài màng cứng...: Sử dụng phác đồ như trường hợp không biến chứng nhưng thời gian dùng Doxycyclin ít nhất 8 tuần.
- Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: Ngoài phác đồ như trường hợp không có biến chứng cần phối hợp thêm Rifampicin hoặc Co-trimoxazole. Thời gian điều trị 6-8 tuần, có thể kéo dài 6-12 tháng tùy đáp ứng.
- Viêm nội tâm mạc: Ngoài Doxycycline và Aminoglycoside, cần phối hợp thêm Rifampicin hoặc Co-trimoxazole, ít nhất 8 tuần. Một số trường hợp cần kết hợp phẫu thuật thay van tim.
Điều trị tối ưu cho phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 8 tuổi chưa được xác định.
II.1.3. Điều trị Nhiễm Brucella ở phụ nữ có thai:
Trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX)+Rifampin x 6 tuần.
II.1.4. Điều trị Nhiễm Brucella ở trẻ em dưới 8 tuổi: TMP/SMZ 8/40 mg/kg/ngày chia 2 lần, uống x 6 tuần phối hợp với Gentamycin 5 mg/kg/ngày, truyền TM 1 lần trong ngày x 7-10 ngày.
Phác đồ thay thế: TMP/SMZ + Rifampicin 15 mg/kg/ngày, uống x 6 tuần hoặc Rifampicin + Gentamycin.
II.2. Điều trị triệu chứng và biến chứng
- Hạ sốt, giảm đau.
- Một số trường hợp biến chứng cần can thiệp ngoại khoa như: Thay van tim trong viêm nội tâm mạc, dẫn lưu ổ áp xe, thay khớp.
II.3. Theo dõi điều trị
- Xuất viện khi lâm sàng cải thiện, đã ngưng kháng sinh chích, có thể kết quả cấy máu còn dương tính. Cấy máu mỗi tuần cho đến khi âm tính (thường cấy máu âm tính sau 4 tuần điều trị kháng sinh).
- Tiếp tục điều trị ngoại trú ít nhất 6 tuần kể từ lúc dùng kháng sinh đặc trị.
- Nhập viện trở lại khi diễn tiến lâm sàng không thuận lợi hoặc cấy máu dương tính kéo dài.
III. PHÒNG NGỪA
- Để phòng ngừa bệnh cho người, cần loại bỏ nguồn bệnh ở động vật.
- Không có vắc-xin hiệu quả và an toàn phòng bệnh cho người, kháng sinh phòng ngừa sau phơi nhiễm còn đang tranh cãi.
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Brucellosis, Harrison's PRINCIPLES OF INTERNAL MEDICINE, Eighteenth Edition (2012), McGraw-Hill Companies, Inc.
- Brucellosis, Clinical Infectious Disease, Second Edition (2015), Cambridge University Press.
- Brucellosis in humans and animals, WHO, 2006.