[TOC]

SỞI
==================

**I.1. Chẩn đoán sơ bộ**

I.1.1. Dịch tễ

- Chưa tiêm ngừa sởi, hay tiêm không đủ liều.
- Chưa bị sởi.
- Tiếp xúc với bệnh nhân sởi.

I.1.2. Lâm sàng

**a) Thể điển hình**

- Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày. Bệnh nhân sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy hạt Koplik là các hạt nhỏ 0,5-1 mm màu trắng có quầng ban đỏ ở trên niêm mạc miệng. 
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 2-5 ngày. Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

**b) Thể không điển hình**

- Biểu hiện lâm sàng có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ và phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua, dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
- Bệnh nhân cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo. Xét nghiệm có thể có tăng men gan.

I.1.3. Cận lâm sàng

- Công thức máu: thường thấy giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho và có thể giảm tiểu cầu.
- X quang phổi có thể thấy viêm phổi kẽ. Có thể tổn thương nhu mô phổi khi có bội nhiễm vi trùng.
- Huyết thanh chẩn đoán: Kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Có thể thực hiện 2 lần. Hiệu giá kháng thể lần 2 cao gấp ít nhất 4 lần so với lần đầu.
- Phân lập virus.
- Phản ứng khuếch đại gen (PCR).

**I. 2. Chẩn đoán xác định**

Kháng thể  IgM đặc hiệu hoặc PCR (+).

**I. 3. Chẩn đoán phân biệt**

- Rubella: Không có biểu hiện viêm long, ban mịn hơn sởi, xuất hiện và biến mất nhanh, thường không sốt cao, anti Rubella IgM (+).
- Sốt phát ban do các virus khác (ECHO,_Coxsackie_,HSV-6,..): không có biểu hiện viêm long.
- Dị ứng thuốc: tiền sử dùng thuốc, không có biểu hiện viêm long.

II. BIẾN CHỨNG
==================

Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa,viêm phổi,viêm phế quản,viêm thanh quản,tiêu chảy, bùng phát lao tiềm ẩn,viêm não.

III. ĐIỀU TRỊ
==================

**III. 1. Kháng sinh**

Chỉ dùng khi có biến chứng bội nhiễm vi trùng (viêm phổi,viêm tai giữa, nhiễm trùng tiêu hóa,…).

**III. 2. Biện pháp nâng đỡ**

- Nghỉ ngơi tại giường.
- Tăng cường dinh dưỡng.
- Vệ sinh da, mắt, miệng họng.
- Hạ sốt:
    - Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.
    - Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol hoặc Ibuprofen khi sốt cao.
- Giảm ho.
- Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải. 

**III. 3. Vitamin A**: uống 2 ngày

- < 6 tháng tuổi:50.000 UI/liều/ngày.
- Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi:100.000 UI/liều/ngày.
- Trên 12 tháng tuổi:200.000 UI/liều/ngày.
- Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó.

IV. PHÒNG NGỪA
==================

- Cách ly người bệnh trong suốt giai đoạn viêm long cho đến ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
- Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thực hiện mũi tiêm sởi thứ 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 2 lúc 18 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vắc-xine sởi. Ngoài ra hiện có các vắc-xin phối hợp với sởi (sởi–rubella-quai bị).
- Vắc-xin sởi là loại vắc-xin sống giảm độc lực nên không dùng cho phụ nữ có thai, trẻ suy giảm miễn dịch tiên phát, trẻ bị bệnh lao chưa được điều trị, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị bệnh AIDS.

V. TÀI LIỆU THAM KHẢO
==================

1. Harrison's Principles of Internal Medicine, 18th Edition Textbook.
2. Giáo trình Bệnh Truyền Nhiễm của Bộ môn Nhiễm ĐHYD TPHCM.
3. Quyết định 746/QĐ-BYT năm 2014 ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
4. Sudfeld CR, Navar AM,Halsey NA.EffectTMeness of Measles Vaccination and Vitamin A Treatment. Int J Epidemiol. 2010 Apr; 39 (Suppl 1): i48-i55.