1.	ĐẠI CƯƠNG
==================
Bệnh cái ghẻ là do một loại động vật chân khớp thuộc lớp nhện gây ra, có tên khoa học là Sarcoptes scabiei (con cái ghẻ). 

Bệnh có khắp nơi trên thế giới, lây truyền chủ yếu do ngủ chung giường. Bệnh phổ biến ở nhà trẻ, xóm nghèo, trại giam, quân đội….
 
Bệnh gây ngứa ngáy rất khó chịu, lây lan nhanh chóng ở những nơi đông đúc, điều kiện vệ sinh kém.

2.	BỆNH HỌC VÀ TRIỆU CHỨNG
===========================

Thời gian ủ bệnh trung bình 2 – 8 tuần, trường hợp tái nhiễm bệnh sẽ khởi phát sớm hơn.

Cái ghẻ sống trong đường hầm ngoằn ngoèo dưới da, trong lớp sừng của thượng bì. Vị trí cái ghẻ ký sinh thường là kẽ tay, cổ tay, cùi chỏ, mông, lưng, nách, háng, những nơi có nếp xếp của da, bộ phận sinh dục... Nếu lâu sẽ lan khắp cơ thể, ngoại trừ vùng mặt, đầu.

Ngứa ban đêm là lúc ký sinh trùng hoạt động nhiều, do đó dễ bị mất ngủ và cơ thể suy nhược.

Trên da có những nốt nhỏ và những lằn đỏ nhạt hơi sưng, rất ngứa do chất độc và chất tiết của cái ghẻ. Ngứa tăng nhiều khi đổ mồ hôi, nhiệt độ ấm áp. Bệnh dễ bội nhiễm vi trùng và gây viêm da cấp tính. Từ đó da bị sần lên, xuất hiện mụn nước, mụn mủ.

Ở trẻ sơ sinh: cái ghẻ không ở kẽ tay mà trước hết ở bàn chân rồi đến nách, rốn, mông và nhượng chân.

Ở người suy giảm miễn dịch cái ghẻ lan ra khắp cơ thể, làm cho da đỏ lên, ngứa dữ dội, từng nơi trên da xuất hiện những vảy cứng, màu vàng rồi lan dần khắp cùng mình. Thể này còn gọi thể ghẻ Na Uy.

3.	CHẨN ĐOÁN
=================

Hình ảnh sang thương đặc trưng của ghẻ.

Dịch tễ: có nhiều người mắc bệnh tương tự, lây từ người này sang người kia.

Chính xác nhất là dùng kính lúp để tìm đường hầm trong da và bắt cái ghẻ ở cuối đường hầm. Hoặc dùng curette nạo mụn nước ở đầu đường hầm, cho lên lam kính, nhỏ một giọt KOH 10%, soi kính hiển vi thấy trứng hoặc con cái ghẻ.

4.	ĐIỀU TRỊ
================

Nguyên tắc:
-----------

	Điều trị những thành viên trong gia đình hoặc tập thể cùng lúc

	Vệ sinh cá nhân tốt

	Vệ sinh môi trường đang sinh sống, đặc biệt là giường, chiếu, mùng, mền

Thuốc:
---------

	Thoa ngoài da một trong các thuốc sau: D.E.P, Lindane, Benzoate de benzyl, Crotamiton

	Xịt ngoài da: Spregal

	Uống Ivermectin 0,2mg/kg một liều duy nhất

Cần theo dõi bệnh nhân sau 1 tuần để tránh tái phát, lặp lại liều thuốc nếu cần.

5.	PHÒNG NGỪA
=================


	Điều trị người bệnh để loại bỏ nguồn lây.

	Vệ sinh cá nhân.

	Vệ sinh môi trường: Chăn mền, giường chiếu phải giặt thường xuyên.