1. ĐẠI CƯƠNG =============== Đây là bệnh do nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, gây hội chứng lỵ hoặc các biến chứng ngoài ruột như áp xe gan, não… Bệnh lây qua đường phân – miệng, thường gặp ở vùng nhiệt đới khí hậu nóng ẩm, vùng có điều kiện kinh tế xã hội thấp, điều kiện vệ sinh môi trường còn kém, ý thức vệ sinh cá nhân chưa cao. Bệnh áp xe gan do amip là biến chứng của lỵ amip, có thể xảy ra ở mọi giới, mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở nam, trong độ tuổi 20 – 40. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển tương đối nặng nề, thậm chí có thể có các biến chứng nguy hiểm. 2. BỆNH SINH ============= Sau khi cơ thể nhiễm amip, phát sinh các tổn thương đặc trưng là viêm loét niêm mạc đại tràng, gây hội chứng lỵ. Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực. Thương tổn mạch máu ở đại tràng giúp amip theo tĩnh mạch vào tuần hoàn cửa hoặc hệ bạch mạch đến gan, ở đây chúng thường bị chặn lại bởi các xoang tĩnh mạch gây ra hoại tử, để thành lập các ổ áp xe gan. Một số hiếm các trường hợp sẽ gây biến chứng áp xe ở các cơ quan khác như phổi, não… 3. LÂM SÀNG ================= 3.1. Bệnh amip đường ruột (lỵ amip): ----------------------------- Thường không sốt hoặc sốt nhẹ. Đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, tiêu phân nhày máu. Bệnh lâu ngày có thể biểu hiện như viêm đại tràng mạn hoặc loét quanh hậu môn. 3.2. Bệnh amip ngoài ruột: ------------------------ Áp xe gan do amip: sốt, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, gan to, đau khi rung gan hoặc ấn kẽ sườn. Có thể gây biến chứng tràn mủ màng phổi do áp xe gan vỡ lên cơ hoành. Áp xe não do amip: có thể khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh chóng đến tử vong. Chú ý đến áp xe não do amip trên bệnh nhân nhiễm Entamoeba histolytica khi có rối loạn tri giác hoặc dấu thần kinh khu trú. 4. CẬN LÂM SÀNG ==================== Bạch cầu ái toan thường không tăng. Soi phân tươi hoặc có chất bảo quản: thấy dưỡng bào Entamoba histolytica ăn hồng cầu. Phát hiện kháng nguyên Entamoba histolytica trong phân. ELISA tìm kháng thể kháng Entamoba histolytica trong huyết thanh để chẩn đoán các thể bệnh amip ngoài ruột. Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, CT scan… nếu nghi ngờ có áp xe gan, não… 5. CHẦN ĐOÁN =========== 5.1. Bệnh amip đường ruột (lỵ amip): ---------------------------- Tiêu phân nhày máu, kèm theo cảm giác đau bụng, mót rặn. Soi phân thấy dưỡng bào Entamoba histolytica ăn hồng cầu hoặc phát hiện kháng nguyên Entamoba histolytica trong phân. 5.2. Bệnh amip ngoài ruột: ----------------------- Có tiền sử lỵ amip trước khi khởi bệnh vài tháng. Sốt, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, gan to, đau khi rung gan hoặc ấn kẽ sườn, gợi ý bệnh cảnh áp xe gan. Huyết thanh chẩn đoán Entamoeba histolytica dương tính. Siêu âm, CT scan bụng… có tổn thương áp xe gan. Nếu có các dấu hiệu thần kinh trung ương như co giật, rối loạn tri giác hoặc dấu thần kinh khu trú, cần lưu ý khả năng có tổn thương não do amip. 6. ĐIỀU TRỊ ================ 6.1. Bệnh amip đường ruột (lỵ amip): ------------------ Metronidazole: người lớn 500 mg x 3 lần/ ngày (trẻ em 10 mg/kg x 3 lần/ ngày), uống trong 7 – 10 ngày. Secnidazole: người lớn 2 g uống liều duy nhất (trẻ em 30 mg/kg). Tinidazole: người lớn 2g uống 1 lần/ngày (trẻ em 50 mg/kg uống 1 lần/ ngày), trong 3 – 5 ngày. Tái khám sau 1 tuần để đánh giá lại tình trạng đi cầu và xét nghiệm phân. 6.2. Bệnh amip ngoài ruột: --------------------- Metronidazole liều như trên. Secnidazole: 30 mg/kg uống 1 lần/ ngày, uống trong 5 – 7 ngày. Điều trị ngoại khoa (dẫn lưu mủ áp xe) nếu có chỉ định. Tái khám mỗi tuần để theo dõi diễn tiến hoặc biến chứng của áp xe gan. 7. PHÒNG NGỪA =================== Chú ý vệ sinh bàn tay, vệ sinh trong ăn uống, diệt ruồi nhặng. Xử lý tốt phân người bệnh, bằng cách đi tiêu trong nhà vệ sinh, tẩy uế bồn cầu, dụng cụ đi cầu, nhà vệ sinh thường xuyên. Giặt đồ vải bị nhiễm phân bằng dung dịch Javel. Khi bị hội chứng lỵ, cần phải khám và điều trị triệt để để tránh biến chứng áp xe gan do amip.