1.	ĐẠI CƯƠNG
=================

Tại Việt Nam có khá nhiều loại sán dải ký sinh và gây bệnh trên nhiều vật chủ khác nhau, nhưng chủ yếu 2 loại sán dải gây bệnh cho người là sán dải bò (Taenia saginata) và sán dải heo (Taenia solium).

Bệnh sán dải là bệnh do sự hiện diện của sán dải trưởng thành ký sinh trong đường ruột (sán dải bò hoặc heo).

Bệnh ấu trùng sán dải heo là hậu quả của sự có mặt những nang ấu trùng sán dải heo (cysticercus cellulosae) trong cơ thể người (chủ yếu trong cơ, trong não, trong mắt…).

2.	BỆNH SINH
=============

Sán dải trưởng thành chiếm thức ăn, dẫn đến kém hấp thu và rối loạn tiêu hóa.

Bệnh ấu trùng sán dải heo thường là do biến chứng của bệnh nhiễm sán dải heo trưởng thành. Khi đốt sán già rụng, nếu có rối loạn nhu động ruột, đốt sán có thể bị đẩy ngược lên dạ dày, lúc này tương tự như ăn phải số lượng rất lớn trứng sán dải heo, do đó số lượng nang ấu trùng bị nhiễm cũng rất nhiều (trường hợp như thế gọi là tự nhiễm). Nang ấu trùng thường hiện diện ở mô cơ, dưới da. Có trường hợp nang ký sinh ở não, mắt… gây nên các triệu chứng nặng nề, liên quan đến thị giác và hệ thần kinh trung ương.

3.	LÂM SÀNG
================

3.1.	Bệnh sán dải trưởng thành
-----------------------

Thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. 

Có thể có đau bụng, rối loạn tiêu hóa hoặc suy nhược. 

Dấu hiệu chính là thấy đốt sán ra theo phân hoặc tự bò ra ngoài hậu môn (thường nhìn thấy trong quần lót khi thay ra vào cuối ngày làm việc) hoặc xuất hiện đốt sán theo phân (những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu đốt sán bằng phẳng).

3.2.	Bệnh ấu trùng sán dải heo
------------------------------

Triệu chứng tùy thuộc vị trí ký sinh và đóng kén của ấu trùng. Tại não cũng tùy thuộc vị trí mà triệu chứng biểu hiện khác nhau như động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức và có những cơn nhức đầu dữ dội.

Khi ấu trùng cư trú ở mắt gây các triệu chứng chèn ép sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực, song thị…

Ấu trùng cư trú ở cơ vân: xuất hiện các nang dưới da với kích thước 0,5-2cm, di động dễ dàng, không ngứa, thường ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực, các nang này có thể gây ra triệu chứng máy, giật cơ. Nếu chỉ có một số nang đơn lẻ, cần chú ý phân biệt với hạch.

4.	CẬN LÂM SÀNG
==================

4.1.	Bệnh sán dải trưởng thành
----------------------------

	Xác định các đốt sán do bệnh nhân nhặt được trong phân, quần lót, mang theo đi khám bệnh.

	Phát hiện có trứng sán trong phân.

4.2.	Bệnh ấu trùng sán dải heo
-------------------------------

	Sinh thiết các nang dưới da tìm thấy ấu trùng sán dải heo

	Chụp CT Scan não, mắt… tìm thấy các hình ảnh tổn thương đặc hiệu do ấu trùng sán

	Phản ứng huyết thanh miễn dịch phát hiện kháng thể kháng ấu trùng sán dải heo

	Xét nghiệm công thức máu có thể có tăng bạch cầu ái toan

5.	CHẨN ĐOÁN
=================

5.1.	Bệnh sán dải trưởng thành
------------------------------

	Tiền sử ăn thịt heo, bò tái sống

	Bệnh nhân nhìn thấy các đốt sán được thải qua phân hoặc tự bò ra hậu môn

	Định danh các đốt sán nhặt được, xác định là đốt sán dải heo hoặc sán dải bò.  Phát hiện có trứng sán trong phân

5.2.	Bệnh ấu trùng sán dải heo
-------------------------------

	Có tiền sử bệnh nhiễm sán dải heo trưởng thành

	Có thể có nang sán sờ thấy dưới da

	Có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ do nang sán ký sinh

	Một số trường hợp nhức sau nhãn cầu, tăng nhãn áp, giảm thị lực nếu nghi ngờ sán ở ổ mắt thì nên soi đáy mắt để xác định

	Hình ảnh tổn thương não nghi do nang ấu trùng sán trên CT scan, MRI…

	Huyết thanh chẩn đoán ấu trùng sán dải heo (cysticercus cellulosae) dương tính

	Bạch cầu ái toan trong máu có thể tăng

	Bạch cầu dịch não tủy tăng trong trường hợp nhiễm ấu trùng sán ở não

6.	ĐIỀU TRỊ
================

6.1.	Bệnh sán dải trưởng thành
-------------------------------

Điều trị sớm khi phát hiện có đốt sán ra theo phân hoặc đốt sán ra quần lót /quần đùi để tránh những biến chứng bệnh ấu trùng nếu là sán dải heo.

	Praziquantel: 15 – 20 mg/kg, liều duy nhất uống sau khi ăn 1 giờ. Chống chỉ định Praziquantel trong 3 tháng đầu thai kỳ, thận trọng dùng ở phụ nữ có thai 6 tháng cuối, đang cho con bú và trẻ em dưới 4 tuổi.

	Hoặc Niclosamide: 2g, một lần duy nhất; sau 2 giờ uống thuốc tẩy Magnesium sulphate 30g kèm theo nhiều nước (2 - 3 lít).

Tái khám nếu sau vài tuần đốt sán vẫn còn xuất hiện trong phân hoặc tiếp tục bò ra hậu môn, cần lặp lại liều điều trị.

6.2.	Bệnh ấu trùng sán dải heo
---------------------------

	Albendazole 15mg/kg/ngày chia làm 2 lần (người lớn không quá 800 mg và trẻ em không quá 400mg mỗi ngày), trong 3 tuần. 

Hẹn tái khám mỗi tuần để kiểm tra chức năng gan trong quá trình điều trị. Sau 3 tuần dùng thuốc, nếu lâm sàng cải thiện và bạch cầu ái toan máu bình thường có thể ngưng điều trị. Lặp lại điều trị nếu lâm sàng và/hoặc bạch cầu ái toan trong máu không giảm. Tránh để có thai trong thời gian điều trị đặc hiệu.

Khi chẩn đoán xác định bệnh nang sán ở não phải phối hợp corticosteroid 5 – 10 ngày. Các trường hợp có biến chứng thần kinh nặng, phải nhập viện để theo dõi.

Trường hợp có tổn thương ở mắt hoặc ảnh hưởng đến thị giác phải giới thiệu khám chuyên khoa mắt.

Trường hợp chỉ có huyết thanh chẩn đoán dương tính, không cần thiết điều trị đặc hiệu. Tư vấn và dặn dò bệnh nhân đến khám khi có triệu chứng bất thường.

Hẹn tái khám sau 6 tháng để theo dõi sự biến thiên của hiệu giá kháng thể.

7.	PHÒNG BỆNH
===================

7.1.	Bệnh sán dải trưởng thành
-------------------------------

Không ăn thịt heo, gan heo hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín như nem chua, thịt heo tái, gan tái, thịt trâu, bò tái.

Kiểm duyệt chặt chẽ thịt heo, trâu bò để loại bỏ các thịt mang ấu trùng sán.
Quản lý phân tốt phân người, sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không để heo thả rông ăn phân người. Tốt nhất không nuôi heo thả rông.

7.2.	Bệnh ấu trùng sán dải heo
--------------------------

Không ăn rau sống, không uống nước lã.

Quản lý phân tốt, nhất là phân của những người nhiễm ấu trùng sán dải heo T. solium, xử lý kỹ những đốt sán, con sán sau khi đi ra hoặc được tẩy ra.

Phát hiện và điều trị sớm những người mắc bệnh sán dải, đặc biệt sán dải heo để ngăn ngừa mắc bệnh ấu trùng sán dải heo theo cơ chế tự nhiễm.