1. ĐẠI CƯƠNG === Tại Việt Nam có thể gặp 02 loài sán lá gan nhỏ là Clonorchis sinensis và Opisthorchis viverrini, phân bố ở ít nhất 32 tỉnh, thành. C. sinensis lưu hành ở các tỉnh miền Bắc, O. viverrini lưu hành ở khu vực các tỉnh miền Trung và ít có miền Nam. Người và động vật như chó, mèo, lợn nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn phải cá có ấu trùng sán còn hoạt động. 2. BỆNH SINH === Giai đoạn ở người: Sán hoàn thành chu kỳ, phát triển thành con trưởng thành ký sinh ở đường mật đẻ trứng, trứng theo mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng rơi vào môi trường nước tiếp tục phát triển. Giai đoạn ở ốc: Trứng sán bị ốc nuốt, trong ốc, trứng nở thành ấu trùng lông (miracidia), ấu trùng lông phát triển qua hai đoạn là nang bào tử (sporocysts), bào tử trùng (rediae), sau đó phát triển thành ấu trùng đuôi (cercariae). Giai đoạn ở môi trường nước: Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước. Giai đoạn ở cá: Ấu trùng đuôi xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh trong cá (metacercariae). Giai đoạn phát triển trên người hoặc động vật: Khi ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi thành sán trưởng thành từ 26-30 ngày. 3. LÂM SÀNG === Thể nhẹ: Giai đoạn đầu, đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hoá. Thể trung bình: Tương ứng giai đoạn toàn phát người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau: - Toàn thân: Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân. - Đau bụng: Thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai, đau tăng khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau gan điển hình, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy. - Rối loạn tiêu hóa: Phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch. - Vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có xạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật. Thể nặng: - Giai đoạn cuối bệnh nhân càng ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động. - Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan toả, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc. Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật gây tử vong. 4. CẬN LÂM SÀNG === Công thức máu: bạch cầu ái toan thường không tăng. Siêu âm gan: đường mật bị giãn, dầy đều thành đường mật, túi mật tăng kích thước. Soi phân hoặc dịch tá tràng có trứng sán lá gan nhỏ. 5. CHẨN ĐOÁN === ~ Kết hợp các yếu tố dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng như: - Sinh sống hay lui tới ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, đã từng ăn gỏi cá, ăn cá sống, cá chưa nấu chín hoặc sống trong vùng có thói quen ăn gỏi cá. - Mệt mỏi, suy nhược, đầy bụng, tiêu chảy, đau thượng vị, hạ sườn phải. - Tìm thấy trứng sán lá gan nhỏ trong phân hoặc dịch tá tràng. - Siêu âm bụng thấy giãn đường mật, túi mật. 6. ĐIỀU TRỊ === Điều trị đặc hiệu bằng Praziquantel (viên nén 600 mg) đối với người lớn và trẻ em ≥ 4 tuổi. - Praziquantel 75 mg/kg chia 3 lần/ngày, dùng 1 ngày, uống cách nhau 4 giờ sau ăn. - Hoặc Praziquantel 25 mg/kg/ngày x 3 ngày, uống sau ăn. - Chống chỉ định: phụ nữ có thai. Nâng cao thể trạng. Khám lại sau 1 tuần điều trị: - Người bệnh được đánh giá lại lâm sàng và xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, chức năng gan, thận. - Nếu người bệnh vẫn còn có trứng sán lá gan nhỏ trong phân, cho nhập viện và nhắc lại liệu trình điều trị. 7. PHÒNG NGỪA === Không ăn gỏi cá và các loại thực phẩm chế biến từ cá chưa nấu chín. Không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế xuống các nguồn nước.