I. ĐẠI CƯƠNG
==========
Mày đay là tình trạng phản ứng của mao mạch trên da, cơ chế phức tạp, trong đó có sự tác động của chất trung gian hóa học là histamine. Đây là 1 bệnh da phổ biến, dễ nhận biết, nhưng khó xác định chính xác nguyên nhân.

II. PHÂN LOẠI
===========
- Có thể chia thành 2 loại:

    + Mày đay cấp tính: Diễn tiến bệnh < 6 tuần, thường gặp ở trẻ em hay những bệnh nhân có yếu tố cơ địa.

    + Mày đay mạn tính: Diễn tiến bệnh ≥ 6 tuần, có thể kéo dài dai dẳng nhiều năm, thường gặp ở lứa tuổi trung niên.

III. NGUYÊN NHÂN
==============
- Các chất gây dị ứng trong không khí: phấn hoa, lông động vật,mạc bụi nhà, nấm mốc…

- Một số loại thực phẩm ( tôm, cua, cá, trứng, sữa, đậu phộng, đồ uống có cồn…), chất phụ gia.

- Côn trùng chích. 

- Nhiễm siêu vi, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng.

- Thuốc: có thể gây  mày đay cấp hoặc mạn. Các thuốc thường gặp là kháng sinh, NSAIDS, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ngừa thai, thuốc cản quang, huyết thanh, vaccine…. 

- Các yếu tố khác: 

    + Tiếp xúc với nước, thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, ánh nắng, lạnh , vận động gắng sức, cọ sát tì đè,.. có thể kích phát mày đay ( mày đay vật lý).

    + Mày đay có thể nặng hơn trong thai kỳ và trước chu kỳ kinh.

    + Mày đay mạn tính có thể là một đặc điểm có liên quan đến các bệnh lý quan trọng như: cường giáp, nhược giáp, bệnh tạo keo (lupus đỏ), hội chứng Schintzler, viêm mạch, ung thư …

IV. LÂM SÀNG
============
- Phát ban ngoài da:

    + Là sẩn màu hồng, giới hạn rõ, có thể tạo thành từng mãng, xuất hiện và biến mất nhanh (24 giờ) không để lại dấu vết gì trên da phát ban có thể lặn ở chỗ này nhưng nổi lên ở chỗ khác.

    + Thường xuất hiện nhiều vào buổi chiều tối và sáng sớm, giảm vào buổi trưa.

- Phù mạch ( Phù Quinke) : sưng phù ở các mô dưới da và niêm mạc, cơ chế tương tự mày đay, có thể xuất hiện hiện đơn thuần, khi có xuất hiện phù mạch kèm, tiên lượng xấu hơn mày đay đơn thuần.

- Da vẻ nổi.

- Ngứa: hầu hết các trường hợp đều có ngứa da kèm.

V. CẬN LÂM SÀNG
==============
- Công thức máu: chú ý bạch cầu đa nhân ái toan.

- SGOT, SGPT.

- Test lẫy da với các dị nguyên cụ thể để tìm 1 số tác nhân gây dị ứng.

- Định lượng IgE đặc hiệu với các dị nguyên nghi ngờ.

- Các xét nghiệm để tầm soát nguyên nhân hay bệnh lý khác đi kèm khi lâm sàng có gợi ý.

- Xét nghiệm tầm soát tác nhân ký sinh trùng.

VI. CHẨN ĐOÁN
============
- Chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng và hỏi bệnh sử ( mối liên quan giữa sự xuất hiện mày đay và tiền sử tiếp xúc).

- Tiền sử gia đình và bệnh nhân có thể có các bệnh dị ứng khác đi kèm như: chàm, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, hen phế quãn …

- Các biểu hiện của mày đay luôn có sự cải thiện khi điều trị với thuốc kháng histamin, nếu người bệnh hoàn toàn không đáp ứng với điều trị -> cần lưu ý tìm chẩn đoán phân biệt khác.

VII. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
=======================
- Hồng ban đa dạng

- Nấm da

- Mày đay mạn tính trong các bệnh lý quan trọng đi kèm

VIII. ĐIỀU TRỊ
=============
VIII.1. Phương pháp điều trị
-------------------
**Bước 1**: Xác định và loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn, các yếu tố khởi phát (nếu có thể).

**Bước 2**: Sử dụng thuốc.

VIII.2. Thuốc điều trị
--------------

Thuốc kháng Histamin và Glucocorticoid là thuốc chủ yếu để kiểm soát triệu chứng.

### VIII.2.1. Thuốc kháng histamin:

Thuốc kháng Histamin H1: là thuốc điều trị chính trong tất cả các thể mày đay, có 2 thế hệ:

- Kháng Histamin H1 thế hệ 1 (Chlopheniramin, Hydroxyzine): thời gian tác dụng ngắn (4-6 giờ), có phản ứng gây  buồn ngủ. 

- Kháng Histamin H1 thế hệ 2 (Acrivastine, Cetirizine, Loratadine, Fexofenadine): thời gian tác dụng dài, ít đi qua hàng rào máu não, ít hoặc không gây  buồn ngủ.

Một số lưu ý khi dùng thuốc: 

- Thời gian điều trị: 

    + Mày đay cấp : khoảng 1 tuần

    + Mày đay mạn: để có kết quả điều trị ổn định, thời gian điều trị nên kéo dài, nên sử dụng thuốc kháng Histamin đều đặn kể cả khi không có triệu chứng.

- Nếu đáp ứng điều trị kém với một thuốc kháng Histamin H1 thế hệ 2 đang dùng, có thể:

    + Tăng liều lên gấp 2-4 lần so với liều thông thường.

    + Đổi sang 1 kháng Histamin H1 thế hệ 2 khác.

    + Kết hợp với kháng histamine H1 thế hệ 1.

    + Nếu triệu chứng nặng, có thể sử dụng Corticosteroid toàn thân trong 3 – 7 ngày.

### VIII.2.2. Glucocoticoid:

- Được chỉ định phối hợp điều trị với các thuốc kháng Histamin 1 đợt ngắn ( 3-7 ngày), trong những trường hợp mày đay nặng hay những trường hợp đáp ứng kém với các thuốc kháng Histamin. Có thể dùng Prednisone, Prednisolone, Methyl Perdnisone.

Liều trung bình:

- Người lớn : 20 -30 mg Prednisone/ ngày 

- Trẻ em: 0,5-1mg Prednisone /kg/ ngày 

Nên chia làm 2 lần/ ngày.

IX. CHỈ ĐỊNH NHẬP VIỆN, THEO DÕI TÁI KHÁM
=================
IX.1. Chỉ định nhập viện:
---------------
Mày đay nặng, kết hợp phù Quincke.

IX.2. Các chỉ số cần theo dõi:
----------------
- Tình trạng lâm sàng

- Công thức máu

- Nồng độ IgE đặc hiệu....( Nếu có thể)

IX.3. Thời gian tái khám
----------------
- Mày đay cấp tính 3-5 ngày 

- Mày đay mạn tính: 2- 4 tuần 

X. PHÒNG BỆNH
=============
Những người có cơ địa dị ứng và đã có tiền sử bị mày đay cần cố gắng xác định nguyên nhân gây bệnh và tránh tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố này.

Những người đang trong đợt cấp của mày đay, cũng cần tránh tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố kích phát không đặc hiệu như: đồ uống có gas, thức ăn lên men, gió lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột…

XI. TÀI LIỆU THAM KHẢO
===================
1.	Phác đồ điều trị Bệnh Viện Da Liễu năm 2014 (trang 85-95).

2.	PháC đồ điều trị Bệnh Viện Nhân Dân 115 (trang 1201 – 1204).

3.	Dị ứng – miễn dịch lâm sàng, sách dùng cho bác sĩ và học viên sau Đại Học, PGS.TS Phan Quang Đoàn, 2009, trang 65 – 79.

4.	EAACI/GA2LEN/EDF/WAO guidline: management of urticaria. Allergy 2009; 64; 1427-144.