1. ĐẠI CƯƠNG

Nhiễm giun lươn (Strongyloides stercoralis) là bệnh ký sinh trùng lây qua da và niêm mạc, phát triển mạnh ở những nơi có thời tiết nóng ẩm, điều kiện vệ sinh kém.

Vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam được xếp vào vùng nội dịch của giun lươn Strongyloides stercoralis.

2. BỆNH SINH

Những hành vi nguy cơ được xác định dựa trên tính chất của chu trình phát triển là do tiếp xúc đất trong sinh hoạt hàng ngày như đi chân đất, chơi các trò chơi tiếp xúc với đất, gặp ở trẻ em sống vùng nông thôn, đặc biệt ở vùng đất ẩm, không ngập nước, có bóng râm quanh năm, người dân đi cầu bừa bãi ngoài đồng, ngoài ruộng, không có hố xí hợp vệ sinh.

Khi nhiễm bệnh, giun lươn tồn tại rất lâu trong cơ thể, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan trong cơ thể mà chúng di chuyển qua như: da, tiêu hóa, phổi, thực quản, hạch bạch huyết.... gây ra nhiều triệu chứng như nổi mề đay, ngứa da, có khi đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ho kéo dài và nhiều biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

3. LÂM SÀNG

3.1. Nhiễm giun lươn cấp tính

Ngứa da nơi ấu trùng xâm nhập. Sau đó bệnh nhân có thể ho khan khi ấu trùng di chuyển từ phổi lên qua khí quản (hội chứng Loeffler). Sau khi ấu trùng được nuốt vào đường tiêu hóa, bệnh nhân có thể bị tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chán ăn.

3.2. Nhiễm giun lươn mạn tính

Thường không có triệu chứng hoặc có biểu hiện ở da (mề đay mạn tính) hay rối loạn tiêu hóa.

3.3. Hội chứng tăng nhiễm và bệnh giun lươn lan tỏa

Xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, dùng corticosteroid liều cao, kéo dài. Suy giảm khả năng miễn dịch dẫn đến việc gia tăng chu trình tự nhiễm và số lượng ấu trùng di chuyển. Trong giai đoạn lan tỏa, ấu trùng có thể xâm nhập vào nhiều cơ quan khác ngoài đường tiêu hóa và phổi.

4. CẬN LÂM SÀNG

Soi phân tìm ấu trùng giun lươn, tỷ lệ dương tính thấp (< 5%), có thể dùng phương pháp tập trung phân (Baermann) để tăng khả năng phát hiện.

Cấy phân trên môi trường thạch hoặc bằng phương pháp Harada-Mori, tỉ lệ dương tính 10 – 20%.

Huyết thanh chẩn đoán (ELISA) Strongyloides stercoralis có giá trị hỗ trợ chẩn đoán vì các phương pháp soi trực tiếp có độ nhạy thấp.

Hiếm khi tìm thấy ấu trùng giun lươn trong đàm, dịch dạ dày.

Bạch cầu ái toan trong máu tăng vừa.

5. CHẨN ĐOÁN

Dịch tễ sống ở vùng nông thôn, làm nghề có tiếp xúc với đất.

Dựa vào các biểu hiện của các thể lâm sàng.

Tăng bạch cầu ái toan trong máu.

Xét nghiệm tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân hoặc tìm thấy kháng thể kháng Strongyloides stercoralis trong máu.

6. ĐIỀU TRỊ

6.1. Nhiễm giun lươn ở đường tiêu hóa

 Albendazole 15mg/kg/ngày, chia làm 2 lần, trong 5 – 7 ngày.

 Hoặc Ivermectine: 0,2 mg/kg uống 1 lần /ngày, trong 2 ngày hoặc cách 1 tuần.

Tái khám sau 1 tuần, nếu xét nghiệm phân còn dương tính hoặc bạch cầu ái toan trong máu còn cao thì lặp lại điều trị.

6.2. Hội chứng tăng nhiễm giun lươn/ Bệnh giun lươn toàn phát

Giảm liều thuốc ức chế miễn dịch xuống thấp nhất có thể được trong thời gian điều trị giun lươn. Điều trị bằng Albendazole hoặc Ivermectin, hạn chế dùng Thiabendazone vì rất độc đối với gan.

 Albendazole 15mg/kg/ngày, chia làm 2 lần (người lớn không quá 800 mg và trẻ em không quá 400mg mỗi ngày), trong 3 tuần. Hẹn tái khám mỗi tuần để kiểm tra chức năng gan trong quá trình điều trị. Sau 3 tuần dùng thuốc, nếu lâm sàng cải thiện và bạch cầu ái toan máu bình thường có thể ngưng điều trị. Nếu chưa cải thiện, có thể lặp lại điều trị.

 Trường hợp không tìm thấy ấu trùng giun lươn, chỉ có huyết thanh chẩn đoán dương tính, điều trị Ivermectine: 0,2 mg/kg uống 1 lần /ngày, trong 2 ngày hoặc cách 1 tuần. Tái khám, kiểm tra lại bạch cầu ái toan trong máu sau 1 tháng, nếu bình thường có thể ngưng điều trị.

 Trường hợp tìm thấy ấu trùng giun lươn trong phân, trong đàm... kéo dài, điều trị Ivermectine 0,2 mg/kg uống 1 lần /ngày cho đến 2 tuần sau khi xét nghiệm trực tiếp không còn thấy ấu trùng giun lươn. Các trường hợp có biến chứng thần kinh nặng, viêm màng não... phải nhập viện để theo dõi.

Lưu ý: Thận trọng dùng Ivermectin trong bệnh viêm màng não. Cân nhắc sử dụng Ivermectin trên phụ nữ có thai và cho con bú nếu như đánh giá lợi ích cao hơn nguy cơ. Ivermectin an toàn cho trẻ trên 3 tuổi hoặc ≥ 15kg.

7. DỰ PHÒNG

Điều trị tận gốc tất cả các ca bệnh dương tính.

Bảo vệ da khi làm công việc có tiếp xúc với đất, không cho trẻ nghịch đất, đi chân đất hoặc chơi các trò chơi tiếp xúc với đất.