I. ĐẠI CƯƠNG

Rối loạn tiền đình là hội chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau mà biểu hiện thường gặp nhất là chóng mặt.aa

II. PHÂN LOẠI

Trong thực hành lâm sàng có thể chia thành 2 loại chính:

  • Rối loạn tiền đình nguồn gốc ngoại biên.

  • Rối loạn tiền đình nguồn gốc trung ương.

II.1 Rối loạn tiền đình có nguồn gốc ngoại biên

Chóng mặt thường khởi phát đột ngột với mức độ trầm trọng trong khoảng vài phút đến vài giờ và có thể kèm theo triệu chứng ù tai, buồn nôn, nôn.

Nguyên nhân:

  • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (chiếm 80% các trường hợp chóng mặt).

  • Chóng mặt áp lực (say tàu xe, máy bay).

  • Viêm mê đạo, viêm tai giữa.

  • Bệnh Ménière.

  • Di chứng chấn thương đầu, và phẫu thuật vùng đầu mặt cổ.

II.2 Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương:

Thường khởi phát từ từ, ít khi khởi phát đột ngột, cường độ trung bình, triệu chứng thường kéo dài từ vài tuần có khi đến vài tháng.

Nguyên nhân:

  • Chóng mặt Migraine.

  • Tổn thương thần kinh: u dây thần kinh VIII, u sào bào, u màng não, tiểu não…

  • Bệnh lý mạch máu não: thiếu máu động mạch cột sống – thân nền (chiếm 50% các ca chóng mặt do nguyên nhân mạch máu), nhồi máu động mạch sống nền, nhồi máu một vùng hành não, nhồi máu tiểu não, xuất huyết tiểu não…

III. LÂM SÀNG

  • Chóng mặt: Bệnh nhân có cảm giác đồ vật xung quanh xoay tròn, cảm giác sợ ngã, có thể kèm triệu chứng buồn nôn, nôn.

  • Mất thăng bằng.

  • Rung giật nhãn cầu.

  • Có thể kèm biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật: vã mồ hôi, mạch nhanh…

Cần chú ý khai thác hoàn cảnh xuất hiện triệu chứng, độ dài triệu chứng ,ngoài ra , khi khám bệnh cần chú ý phát hiện những dấu hiệu thần kinh , tình trạng bất thường thính lực, viêm tai giữa … đi kèm, nếu có ->khám chuyên khoa nội thần kinh, chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân.

Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính: thường gặp ở nữ, tuổi 30-50. Chóng mặt xảy ra đột ngột khi thay đổi tư thế đầu hay cơ thể, cảm giác xoay tròn, kéo dài 1 đến 2 phút, có thể kèm theo buồn nôn nhưng ít khi nôn. Có thể gặp ở những người có tiền sử chấn thương vùng đầu, hoặc có biểu hiện nhiễm trùng hô hấp trên do virus ở giai đoạn sớm dẫn tới tổn thương bên trong mê đạo. Nếu không điều trị, bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần đến vài tháng, tỉ lệ tái phát cao (1 năm 18%, 3 năm 30%).

IV. CẬN LÂM SÀNG

  • Xét nghiệm cơ bản thường quy để đánh giá chỉ định dùng thuốc.

  • Siêu âm mạch máu ngoài sọ.

  • CT scan sọ não, MRI não được chỉ định trong chóng mặt có nguồn gốc trung ương.

V. ĐIỀU TRỊ

V.1 Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.

  • Xử trí cơn chóng mặt cấp để làm giảm khó chịu cho bệnh nhân và để phòng chống tai nạn cho người bệnh.

  • Trong cơn chóng mặt cấp, cho bệnh nhân nằm đầu thấp, ít ánh sáng, tránh di chuyển.

V.2 Thuốc điều trị trong cơn chóng mặt cấp

  • Thuốc chống nôn:

    • Metoclopramide:

      • viên 10mg: 01 viên/lần x 2 lần/ngày;

      • ống 10mg: 01 ống TB/lần nếu bệnh nhân nôn nhiều.

    • Domperidon (viên 10mg): 1-2 viên/lần x 3 lần/ngày.

    • Dimenhydrinate (viên 25mg): 1-2 viên/lần x 2-3 lần/ngày.

  • Thuốc điều trị chóng mặt:

    • Betahistine (viên 8, 16mg): 8-16mg/ngày x 3 lần/ngày

    • Flunarizine ( viên 5mg):

      • <65 tuổi: 1 viên/lần x 2 lần/ngày

      • hơn 65 tuổi: 1 viên/ngày (tối)

    • Cinnarizine ( viên 25mg): 1 viên/lần x 3 lần/ngày.

    • Acetyl Leucine

      • viên 500mg: 1 viên/lần x 3 lần/ngày

      • ống 500mg: 1 ống/ TB lần x 2-4 lần/ngày

  • Thuốc giải lo âu: Diazepam

  • Thuốc hỗ trợ điều chỉnh suy giảm nhận thức tiền đình: Piracetam, Ginkgo biloba, Almitrine - Raubasine.

V.3 Các phương pháp hỗ trợ khác

  • Nên tránh ăn uống nhiều, ăn ít muối, đặc biệt đối với bệnh Ménière (vì có thể làm tăng phù mê đạo).

  • Nghỉ ngơi, thư giản đầy đủ.

  • Vận động tiền đình (trường hợp chóng mặt tư thế kịch phát lành tính) : bắt đầu càng sớm càng tốt trong giai đoạn cấp (Chương trình tập luyện với bài tập liệu pháp thích nghi).

VI. CHỈ ĐỊNH NHẬP VIỆN:

Cơn chóng mặt cấp làm cho bệnh nhân khó chịu nhiều hoặc cần theo dõi để loại trừ các bệnh lý khác.

VII. TÁI KHÁM

Đối với chóng mặt kịch phát lành tính thì tái khám: tái khám mỗi 2 tuần. Sau giai đoạn cấp bệnh nhân nên được điều trị củng cố 3-4 tuần để làm giảm tỉ lệ và kéo dài thời gian bị tái phát

VIII. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thực hành lâm sàng và thần kinh học –GS.TS Nguyễn Văn Chương- Nhà xuất bản Y học Hà Nội năm 2013

  2. Phác đồ điều trị Bệnh Viện Nhân Dân 115 ( năm 2014)