I. ĐẠI CƯƠNG
===========

Viêm dạ dày (VDD) là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày do tác động của quá trình viêm.

	VDD cấp: Tổn thương niêm mạc dạ dày cấp tính, với hình ảnh mô bệnh học có sự thấm nhập nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.

	VDD mạn tính: tổn thương niêm mạc dạ dày diễn tiến âm thầm với hình ảnh mô bệnh học thấm nhập nhiều bạch cầu đơn nhân, tương bào.

II. NGUYÊN NHÂN
=========

II.1 Do nhiễm khuẩn
-----------

	Thường gặp nhất là nhiễm H.pylori (là tiền đề cho viêm dạ dày mạn hoạt động)

	Nhiễm liên cầu alpha tan máu

	Nhiễm ký sinh trùng: giun lươn,…

	Nhiễm virus:  CMV, herpes virus,…

II.2 Không do nhiễm trùng
----------

	Rượu.

	Stress tâm lý.

	Stress thứ phát do chấn thương, phẩu thuật, nhiễm trùng, sốc, suy hô hấp, suy thận, suy gan…

	Do thuốc, hóa chất :NSAIDS, Aspirin , Corticosteroid, Rượu, Urê huyết cao, Trào ngược dịch mật, Tia xạ,…

III. CHẨN ĐOÁN
==========

III.1. Lâm sàng
------------

	Đau vùng thượng vị, khó chịu vùng thượng vị

	Ơ chua, ợ nóng

	Buồn nôn, nôn 

	Đầy bụng chán ăn, ăn chậm tiêu

	Nôn ra máu, tiêu phân đen

	Đôi khi không có triệu chứng rõ rệt

III.2. Cận lâm sàng
------------

	Chẩn đoán đại thể khi nội soi dạ dày và mô bệnh học mẫu mô sinh thiết là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán. 

+	Nếu bệnh nhân < 55 tuổi chỉ có các triệu chứng: khó tiêu, đau thượng vị, buồn nôn, ợ hơi…, có thể trì hoãn nội soi và điều trị triệu chứng, thuốc ức chế bơm proton trong 4 tuần -> đánh giá lại. 

+	Nếu bệnh nhân ≥ 55 tuổi hoặc có những triệu chứng báo động bệnh lý ác tính đường tiêu hóa ( sụt cân, thiếu máu, hạch to, có tiền sử loét dạ dày hay tiền sử gia đình có K dạ dày…) hoặc có xuất huyết đường tiêu hóa thì nên nội soi dạ dày, để tìm chẩn đoán xác định ngay.

	Xét nghiệm tìm nguyên nhân: tìm Helicobater pylori, tìm ký sinh trùng…

IV. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
==========

-	Nhồi máu cơ tim cấp vùng hoành.

-	Viêm tụy cấp, viêm túi mật cấp…

-	Xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân khác.

V. ĐIỀU TRỊ
==========

V.1 Mục tiêu điều trị
-----------

	Giảm triệu chứng

	Bảo vệ và kích thích tái sinh niêm mạc dạ dày

	Điều trị nguyên nhân 

V.2. Điều trị 
==========

### V.2.1 Điều trị không dùng thuốc

	Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress

	Tránh các thức ăn gây tổn thương niêm mạc dạ dày: rượu bia, thuốc lá, thức ăn chua cay, giảm ăn chất béo ( giảm hoạt hóa acid mật)

	Tránh ăn quá no, bữa ăn cuối trong ngày nên ăn trước khi ngủ 3 giờ
 
	Có thể dùng sữa để giúp trung hòa nhanh acid dạ dày

### V.2.2 Điều trị dùng thuốc (các nhóm thuốc và liều thường dùng ở người lớn)

	Thuốc giảm co thắt cơ trơn: 

+	Spasmaverin (viên 40mg): 1-3 viên/ lần x 3 lần/ngày

+	Trimebutin (viên 100mg): 1-2 viên/ lần x 3 lần/ngày

+	Drotaverin ( viên 40mg): 1-2 viên/ lần x 3 lần/ngày 

	Thuốc điều hòa vận động dạ dày, chống đầy hơi chống nôn: 

+	Domperidone (viên 10mg): 10-20mg/ lần x 3 lần/ngày(uống trước ăn 15’, chống chỉ định khi xuất huyết tiêu hóa)

+	Metoclopramide (viên 10mg): ½ -1 viên/ lần x 3 lần/ ngày (uống trước ăn, chống chỉ định khi xuất huyết tiêu hóa)

+	Itopride hydrochloride (viên 50mg): 1 viên/ lần x 3 lần/ ngày(uống trước ăn)

+	Simethicone (viên 80mg): 1-2 viên/lần x 3 lần/ngày, (Nhai kỹ hoặc ngậm sau ăn)

	Thuốc giảm lo âu an thần: 

+	Sulpiride ( viên 50mg): 1-3 viên/ngày

+	Etifoxine (viên 50mg): 3 viên/ ngày

+	Diazepam

	Thuốc trung hòa acid, giúp giảm đau nhanh: Varogel, Phosphalugel...

	Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Sucrafate, Rebamipid, dẫn chất Protaglandins …

	Thuốc kháng tiết acid:ức chế thụ thể H2, ức chế bơm proton (PPI) (Liều,cách dùng:xem thêm trong bài loét dạ dày tá tràng)

Trong những ngày đầu, do phải ức chế dần các bơm proton,  tác dụng ức chế acid có sự chậm trễ, vì vậy, nếu bệnh nhân có biểu hiện viêm dạ dày mức độ nặng, có thể dùng PPI đường tĩnh mạch hoặc đường uống gấp đôi liều chuẩn để nhanh chóng kiểm soát được acid dạ dày cho bệnh nhân.

### V.2.3 Điều trị nguyên nhân:

	Điều trị giải quyết nguyên nhân gây viêm dạ dày đi kèm:

+ Viêm dạ dày phối hợp nhiễm Helicobacter pylori.

+ Viêm dạ dày do nguyên nhân nhiễm trùng khác, điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh, kháng siêu vi.

+ Viêm dạ dày do ăn mòn ( rượu, thuốc kháng việm…), do hóa chất, do xạ trị chấm dứt nguyên nhân gây bệnh càng sớm càng tốt.

V.3 Chỉ định nhập viện
--------------

	Chưa loại trừ tình trạng đau bụng, nôn ói nhiều do nguyên nhân khác.

	Có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa.

V.4 Tái khám
------------

	Nếu bệnh nhân tổng trạng khá,không xuất huyết tiêu hóa, không có những triệu chứng báo động: tái khám sau 2- 4 tuần.

	Thời gian tái khám: có thay đổi tùy tình trạng bệnh nhân và bệnh lý đi kèm.

VI. DỰ PHÒNG:
==========

	Một số nguyên nhân gây viêm dạ dày có thể dự phòng được: 

+ Thay đổi về lối sống (xem phần điều trị không dùng thuốc) 

+ Tất cả bệnh nhân trước khi điều trị lâu dài với thuốc có nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày cần làm xét nghiệm tìm Helicobacter pylori và điều trị nếu có kết quả dương tính. 

+ Điều trị dự phòng với PPI/ Misoprotol khi bệnh nhân điều trị các thuốc có nguy cơ gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

VII. TÀI LIỆU THAM KHẢO
==========

1.	Phác đồ điều trị Bệnh Viện Chợ Rẫy năm 2013

2.	Phác đồ điều trị Bệnh Viện Nhân Dân 115 năm 2014

3.	Bài tiết acid dịch vị và bệnh lý liên quan PGS.TS Đào Văn Long – Nhà xuất bản Y học năm 2014

4.	Đặng Vạn Phước và Châu Ngọc Hoa (2009), Điều trị học nội khoa, Nhà xuất bản y học

5.	Gyawali, C và Manasra, A (2010), “Gastrointestinal diseases”, The Washington Manual of Medical Therapeutics  33rd Edition