I . ĐẠI CƯƠNG

Loét dạ dày - tá tràng là tổn thương gây khuyết lớp niêm mạc dạ dày - tá tràng với độ sâu ít nhất là đến lớp dưới niêm mạc.

I.1. Nguyên nhân:

I.1.1. Loét dạ dày - tá tràng có liên quan nhiễm trùng

  • Nhiễm Helicobacter pylori (Hp) (thường gặp nhất).

  • Nhiễm virus như: CMV, Herpes virus,…

I.1.2. Loét dạ dày - tá tràng không liên quan nhiễm trùng

  • Do stress.

  • Hóa chất: NSAID, Aspirin, Corticosteroid, rượu, urê huyết cao , dịch mật...

  • Do bất thường về nội tiết (Tăng tiết Acetylcholin, ACTH, cortisol...) , do rối loạn vận động dạ dày....

II. CHẨN ĐOÁN

II.1. Lâm sàng

  • Đau vùng thượng vị (80 – 90% trường hợp), có thể đau lan dọc theo xương ức, vùng trước tim hay ra sau lưng, thường kèm cảm giác nóng rát.

  • Loét tá tràng thường đau lúc bụng đói (sau ăn 3 – 4 giờ), đau lúc ngủ; (có nhiều lúc đau nhiều ban đêm từ 1 - 3 giờ sáng làm bệnh nhân thức dậy). Thường được giảm đau do thức ăn, sữa , antacid.

  • Loét dạ dày thường đau sau ăn (15 – 30 phút), ít đau nhất hoặc không đau khi bụng trống ( một cách tự nhiên hoặc do bệnh nhân ói). Do đó, hầu hết bệnh nhân loét dạ dày đều tránh ăn và sụt cân.

  • Nôn ói, ói.

  • Chán ăn, sụt cân.

  • Rối loạn tiêu hóa: đầy hơi, khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy.

II.2. Cận lâm sàng

  • Nội soi dạ dày tá tràng: giúp xác định chuẩn đoán và điều trị (nhất là những trường hợp có biến chứng xuất hiện).

  • Xét nghiệm tìm Hp, xét nghiệm mô học, cấy vi khuẩn mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày, xét nghiệm dịch vị hay chất nôn ói tìm độc chất...  để tìm nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng.

  • Tùy các chẩn đoán phân biệt, các biến chứng cần theo dõi  có các chỉ định cận lâm sàng phù hợp khác.

III. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Khó tiêu chức năng ( khó tiêu không do loét).

  • Viêm trào ngược thực quản - dạ dày (GERD).

  • Viêm tụy cấp.

  • Viêm túi mật cấp.

  • U tân sinh ổ bụng (u dạ dày, gan, tụy...).

  • Nhồi máu cơ tim vùng hoành,...

IV. BIẾN CHỨNG

  • Xuất huyết tiêu hóa: thường gặp, 15 – 20% BN loét có 1 hoặc nhiều lần bị xuất huyết tiêu hóa.

  • Thủng ổ loét: Thường gặp ở nam gấp 4 – 8 lần nữ.

  • Hẹp môn vị.

  • Loét xuyên thấu dính vào cơ quan lân cận: thường là tụy, đường mật, mạc nối, mạc treo đại tràng,...

  • Ung thư trên nền ổ loét.

V. ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA

V.1. Mục đích

  • Giảm nhanh triệu chứng.

  • Làm lành vết loét

  • Ngừa loét tái phát.

  • Giảm biến chứng do loét.

  • Loại trừ nguyên nhân gây bệnh.

V.2. Điều trị không dùng thuốc

  • Cần tránh tuyệt đối thức ăn gây tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng: rượu bia, thuốc lá, thức ăn có nhiều gia vị chua cay.

  • Tránh hoạt hóa acid mật: giảm ăn chất béo.

  • Tạo môi trường đệm trong dạ dày: nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa không nên ăn quá no, ăn nhẹ, ăn lỏng – Ăn bữa cuối trước ngủ tối 3 giờ.

  • Tránh suy nghĩ căng thẳng, stress.

  • Có thể dùng sữa để trung hòa nhanh acid dạ dày.

V.3. Thuốc điều trị

V.3.1. Thuốc ức chế tiết acid: là thuốc chính điều trị loét dạ dày tá tràng Thời gian điều trị: 08 tuần đối với loét tá tràng, 12 tuần đối với loét dạ dày. Có thể sử dụng 1 trong 2 nhóm sau:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI = Proton Pump Inhibitor). Nên uống 1 lần/ngày trước ăn sáng 30 phút, liều chuẩn:

    • Omeprazole 20 – 40 mg.

    • Lanzoprazole 30 mg.

    • Pantoprazole 40 mg.

    • Esomeprazole 40 mg.

    • Rabeprazole 20 mg.

  • Các thuốc kháng thụ thể H2, liều dùng hàng ngày:

    • Cimetidine 800 mg,tối trước ngủ hoặc 400 mg x 3lần.

    • Ranitidine 300 mg tối trước ngủ hoặc 150 mg x 2lần.

    • Nizatidine 300 mg tối trước ngủ hoặc 150 mg x 2lần.

    • Famotidine 40 mg tối trước ngủ hoặc 20 mg x 2 lần.

V.3.2. Các thuốc điều trị triệu chứng

  • Kháng acid: có chứa Hydroxyt nhôm hoặc Magne, có tính trung hòa acid, giúp giảm đau nhanh.

  • Các nhân hoạt hóa bề mặt: Sucralfat (1 g/viên hoặc gói).

    • Giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

    • Uống trước 3 bữa ăn 1 giờ và trước khi ngủ.

  • Protaglandin tổng hợp (Misoprostol, Enprotil). Chống tiết tương đối yếu.

  • Các thuốc tác động lên chức năng vận động dạ dày ruột.

  • Chống co thắt hướng cơ trơn: Drotaverin, Mebeverine,…

  • Thuốc hỗ trợ vận động dạ dày – ruột: Domperidon, Metoclopramid, nhóm đồng vận thụ thể 5 - HT4 (Mosaprid)

V.3.3. Diệt Helicobacter pylori:

Xem bài điều trị Helicobacter pylori

Để điều trị nguyên nhân gây bệnh.

V.3.4. Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên do viêm loét dạ dày – tá tràng

  • Đây là cấp cứu nội – ngoại khoa.

  • Cần đánh giá mức độ mất máu, tình trạng huyết động, và yếu tố tiên lượng nặng khi điều trị.

  • Phối hợp các biện pháp hồi sức (bồi hoàn thể tích tuần hoàn, truyền máu, duy trì huyết động ổn định, hỗ trợ hô hấp ...) với điều trị cầm máu và điều trị nguyên nhân.

  • Cầm máu nội khoa:

    • Đặt thông dạ dày: theo dõi tình trạng mất máu, rửa dạ dày với Natriclorid 0,9%.

    • PPI: Esomeprazol hoặc Pantoprazol hoặc Omeprazol.

      • Liều tấn công: 80 mg tiêm tĩnh mạch chậm.

      • Liều duy trì TTM 8 mg/giờ x 72 giờ (có thể đến 5 ngày).

      • Khi tình trạng xuất huyết ổn định, chuyển sang PPI uống.

    • Điều trị nội soi can thiệp: thời điểm tiến hành nội soi tùy thuộc vào mức độ chảy máu, tình trạng chảy máu còn tiếp diễn hay không và tùy vào tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

  • Điều trị ngoại khoa khi có chỉ định.

VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phác đồ điều trị Bênh Viện Chợ Rẩy năm 2013, Bệnh Viện Nhân Dân 115 năm 2014.

  2. Bài tiết acid dịch vị và bệnh lý liên quan.

  3. PGS.TS Đào Văn Long – Nhà xuất bản Y học năm 2014.