Tiêu phân lỏng không thành khuôn nhiều hơn 2 lần/24 giờ trong vòng 2 tuần được coi là tiêu chảy cấp, quá 2 tuần gọi là tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy nhiễm trùng là tiêu chảy do tác nhân vi sinh gây ra. Hai bệnh cảnh hay gặp: tiêu toàn nước và tiêu đàm máu.

I. CHẨN ĐOÁN

I.1. Dịch tễ học: chủ yếu lây qua đường ăn uống, điều kiện vệ sinh kém.

I.2. Lâm sàng :

 Phần lớn tiêu toàn nước là do virus (nhiều nhất là Rotavirus sau đó là Norovirus) hoặc do vi trùng ETEC (Enterotoxigenic Escherichia coli). Riêng dịch tảcó yếu tố dịch tễ và lâm sàng tiêu ra nước thoáng đục có mảng lợn cợn với mùi tanh đặc biệt, không sốt.

 Tiêu phân đàm máu do vi trùng xâm lấn (Shigella, EIEC- Enteroinvasive Escherichia coli, Salmonella non-Typhi) hoặc amip gây ra (trẻ em rất ít khi bị lỵ amip).

 Đôi khi kèm triệu chứng nôn ói, đau bụng, mót rặn…

Đánh giá mức độ mất nước Dựa theo Armon 2001, Bộ Y Tế 2009 :

mat_nuoc.png

I.3. Chẩn đoán phân biệt:

Cần loại trừ các bệnh cấp cứu khác như lồng ruột, viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung vỡ hoặc cơn bão giáp... và tiêu chảy là triệu chứng của những bệnh khác như thương hàn, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết…

II. ĐIỀU TRỊ:

II.1. Chỉ định nhập viện:

 Mất nước nặng,

 Mất nước trung bình: cần truyền dịch khi ói nhiều hoặc không đảm bảo uống đủ,

 Rối loạn tri giác,

 Sốt cao liên tục không hạ, nghi ngờ nhiễm trùng huyết,

 Nhà xa cơ sở y tế

II.2. Bù nước điện giải: bằng dung dịch Oresol.

Bộ Y tế khuyến cáo dùng dung dịch ORS có áp suất thẩm thấu thấp 245 mmol/L, mỗi gói pha 200 ml nước chín nguội.

II.3. Kháng sinh:

II.3.1. Chỉ định

 Tiêu toàn nước: không dùng kháng sinh, trừ trường hợp nghi dịch tả.

 Trẻ nhỏ tiêu chảy + co giật (mà không có tiền sử sốt làm kinh) thường do Shigella gây ra: dùng kháng sinh.

 Tiêu đàm máu (đại thể, vi thể):

  • Trẻ em: dùng kháng sinh điều trị như lỵ trực trùng; nếu soi phân có thể tư dưỡng E. histolytica: điều trị như lỵ amip.

  • Người lớn: Nếu bệnh cấp tính dùng kháng sinh; nếu bệnh trên 1 tuần xem xét điều trị như lỵ amip. Chú ý cơ địa có bệnh nền mạn tính hoặc > 60 tuổi, hoặc suy giảm miễn dịch (tiểu đường, xơ gan, AIDS…) cân nhắc sử dụng kháng sinh.

II.3.2. Kháng sinh

Kháng sinh được dùng tùy thuộc tính nhạy cảm của vi trùng gây bệnh (chủ yếu là Shigella), có thể thay đổi theo từng địa phương và từng thời điểm. Theo dõi đáp ứng với kháng sinh sau 48 giờ, nếu không cải thiện rõ thì cần xem xét lại chẩn đoán hoặc đổi kháng sinh.

Kháng sinh dùng trong tiêu chảy

Kháng sinh Người lớn Trẻ em
Ciprofloxacin 500 mg x lần/ngày x 3–5 ngày 30 mg/kg/ngày chia 2 lần x 3–5 ngày
Norfloxacin 400 mg x 2 lần/ngày x 3–5 ngày 25 mg/kg/ngày chia 2 lần/ngày x 3–5 ngày
Ofloxacin 400 mg x 2 lần/ngày x 3–5 ngày 15mg/kg/ngày chia 2 lần/ngày x 3 – 5 ngày
Azithromycin 1000 mg/ngày 1 liều x 3–5 ngày 20 mg/kg/ngày 1 liều x 3–5 ngày
Metronidazol 500 mg x 3 lần/ngày x 5–10 ngày (nửa liều nếu điều trị Giardia) 35 mg/kg/ngày chia 3 lần x 5–10 ngày (nửa liều nếu điều trị Giardia)

II.4. Các thuốc phụ trợ trị tiêu chảy

 Kẽm (Zinc) nguyên tố 20 mg/ngày cho trẻ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn, 10 mg/ngày cho trẻ dưới 6 tháng.

 Các men vi sinh Probiotic (Lactobacillus hoặc Saccharomyces) có thể dùng trong trường hợp tiêu chảy không đàm máu hoặc tiêu chảy liên quan đến kháng sinh để rút ngắn thời gian tiêu chảy.

 Thuốc kháng tiết Racecadotril có thể dùng trong những trường hợp tiêu chảy do cơ chế xuất tiết.

 Chống chỉ định các thuốc giảm nhu động ruột (Loperamid).

III. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bệnh học truyền nhiễm, Trường Đại Học Y Dược, 1998.
  2. Diarrhea Treatment Guidelines Including new recommendations for the use of ORS and zinc supplementation for Clinic-Based Healthcare Workers. WHO 2005.
  3. Guidelines for the control of shigellosis, including epidemics due to Shigella dysenteriae type 1. WHO 2005.