I. ĐẠI CƯƠNG

  • Co giật thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 60 tháng tuổi, 2 - 5% trẻ khỏe mạnh có thể bị co giật do sốt.

  • Các cơn co giật có thể xuất hiện trong quá trình mắc bệnh cấp tính có sốt (nhiễm siêu vi, nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, hệ tiết niệu …), nhưng không phải do nhiễm trùng thần kinh trung ương (TKTW).

  • Khoảng 30% trẻ em co giật do sốt sẽ có nguy co giật lần 2, tuy nhiên chỉ 1 - 2% co giật do sốt đơn thuần và khoảng 10% co giật do sốt phức hợp có nguy cơ bị động kinh sau này.

  • Biến chứng nguy hiểm nhất là ngạt, tắc đường thở khi co giật và thiếu oxy não khi co giật kéo dài trên 15 phút.

II. THĂM KHÁM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG

II.1. Lâm sàng

II.1.1. Bệnh sử

  • Sốt: nhiệt độ, ngày sốt.

  • Co giật toàn thân hay khu trú, thời gian co giật, sau co giật tỉnh táo hay hôn mê.

  • Triệu chứng khác: nôn ói, tiêu chảy, ho, yếu liệt chi …

  • Tiền sử: sốt co giật, bệnh lý não, quá trình phát triển tâm thần vận động.

II.1.2. Khám lâm sàng

  • Tìm dấu hiệu tắc nghẽn đường thở: kiểu thở, nhịp thở, đàm nhớt ở miệng, ran ứ đọng ở phổi.

  • Lấy dấu hiệu sinh tồn.

  • Co giật toàn thân hay khu trú, ngắn hay kéo dài, sau co giật tỉnh táo hay hôn mê.

  • Đánh giá các dấu hiệu thần kinh, hội chứng não-màng não và các cơ quan khác.

II.2. Cận lâm sàng

  • Công thức máu, đường huyết, ion đồ máu.

  • Xét nghiệm tìm nguyên nhân (cần loại trừ nhiễm trùng TKTW …).

III. CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN LOẠI

III.1. Chẩn đoán xác định co giật do sốt

  • Tuổi từ 6 tháng - 60 tháng.

  • Thường cơn co giật toàn thể.

  • Cơn co giật ngắn, tự hết, thường dưới 15 phút.

  • Tỉnh táo và không có dấu thần kinh khu trú sau co giật.

  • Thường trẻ có tiền sử sốt cao co giật.

III.2. Phân loại

III.2.1. Co giật do sốt đơn thuần

  • Xảy ra ở trẻ không có bất thường hệ thần kinh.

  • Cơn co giật toàn thể, thời gian dưới 15 phút

III.2.2. Co giật do sốt phức tạp

  • Co giật cục bộ hoặc khởi phát cục bộ.

  • Thời gian co giật kéo dài trên 15 phút.

  • Không phục hồi hoàn toàn chức năng hệ thần kinh trong vòng 1 giờ.

  • Tái phát các cơn co giật trong đợt sốt.

III.2.3. Trạng thái động kinh do sốt

  • Là những cơn co giật kéo dài trên 30 phút.

III.2.4. Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý như: viêm màng não, viêm não, hội chứng lỵ, sử dụng một số thuốc (thuốc chống trầm cảm 3 vòng, amphetamine, cocaine), rối loạn điện giải, hạ đường huyết hay chấn thương đầu.

IV. ĐIỀU TRỊ

IV.1. Nguyên tắc điều trị

  • Hỗ trợ hô hấp: Giữ thông đường thở và cung cấp oxy.

  • Cắt cơn co giật và phòng ngừa cơn tái phát.

  • Hạ sốt.

  • Điều trị nguyên nhân gây sốt.

IV.2. Điều trị trong đợt sốt

IV.2.1. Trẻ đang co giật (xử trí nhanh và theo thứ tự C, A, B)

a. Hỗ trợ hô hấp

  • Thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng bên, hút đàm nhớt.

  • Thở oxy mũi hoặc oxy mask để đạt SpO2 > 95%.

  • Đặt NKQ giúp thở nếu thất bại với oxy liệu pháp hay có cơn ngưng thở

b. Điều trị thuốc chống co giật

  • Midazolam 0.2mg/kg TMC. Trường hợp không tiêm mạch được thì có thể bơm hậu môn liều 0,3 - 0.5mg/kg/liều. Nếu không đáp ứng có thể lặp lại liều trên sau 5 - 10 phút.

  • Hoặc Diazepam 0.1- 0.2mg/kg/liều TMC, tối đa 10mg. Trường hợp không tiêm mạch được thì có thể bơm hậu môn, liều 0.5mg/kg/liều. Nếu không hiệu quả có thể lặp lại sau 5 - 10 phút.

c. Kiểm soát thân nhiệt

  • Khi sốt ≥38oC, hạ sốt bằng paracetamol 10 - 15 mg/kg/1 lần, uống hoặc đặt hậu môn, nhắc lại sau 4-6 giờ (nếu vẫn còn sốt), nhưng không được quá 60 mg/kg/24h (hoặc Ibuprofen 10mg/kg/lần, 6 giờ/lần; chống chỉ định trong trường hợp bị loét dạ dày-tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết dengue).

  • Kết hợp các biện pháp vật lý như: phun ấm hoặc chườm ấm.

d. Điều trị nguyên nhân gây sốt

IV.2.2. Trẻ đã được cắt cơn co giật

  • Cho trẻ nhập viện hoặc có thể điều trị ngoại trú

  • Điều trị ngoại trú khi: hết co giật, tỉnh táo, nhiệt độ < 38°C

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em” Bộ Y Tế, 2015.

  2. Phác đồ “Sốt cao co giật” Sở Y Tế Tp.HCM dành cho trạm y tế, 2017.

  3. Phác đồ “Co giật” Bệnh Viện Nhi Đồng 1, 2013.

  4. Phác đồ “Co giật” Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Đới, 2018.

  5. The Washington Manual of Critical Care, 2018.

  6. Guideline for the management of convulsive status epilepticus in infants and children, BCMJ, 2011.