BỆNH ZONA

I.ĐẠI CƯƠNG:

Bệnh zona ( bệnh giời leo) , là do sự tái hoạt động của varicella zoster virus (VZV), vi rút này chính là tác nhân gây bệnh thủy đậu. Một người sau khi mắc bệnh thủy đậu, vi rút vẫn có thể trú ngụ ở trạng thái bất hoạt tại các rễ hạch dây thần kinh cảm giác. Sau nhiều năm, khi gặp yếu tố thuận lợi, vi rút sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona với đặc điểm là những dát sẩn đau rát và sau đó là phát ban kèm chùm mụn nước, thường một bên của cơ thể theo phân bố của rễ thần kinh cảm giác nơi vi rút trú ẩn. Bệnh hay gặp ở những người lớn tuổi, những người suy giảm miễn dịch, đặc biệt người nhiễm HIV/AIDS.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán sơ bộ

1.1.Yếu tố nguy cơ:

  • Có tiền sử bị thủy đậu lúc nhỏ là yếu tố dịch tễ có ý nghĩa.
  • Lứa tuổi trên 50 dễ mắc bệnh, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.
  • Nhóm nguy cơ cao khi khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào giảm: Người được ghép tạng, ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu và ung thư hạch, nhiễm HIV, dùng corticoide....

1.2. Lâm sàng:

  • Sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi sau đó xuất hiện tăng cảm hoặc dị cảm ở nơi sắp nổi sang thương zona.
  • Sau 1-2 ngày, phát ban ở một hoặc hai vùng da lân cận. Phát ban thường xuất hiện ở thân dọc theo vùng da ngực hoặc trên mặt và thường một bên, không vượt qua đường giữa của cơ thể vì theo phân bố thần kinh da.
  • Phát ban phát triển thành từng đám mụn nước. Các mụn nước mới tiếp tục hình thành trong vòng 3 đến 5 ngày và vết phát ban dần dần khô đi và đóng vảy. Phát ban thường lành sau 2 đến 4 tuần và có thể để lại sẹo.
  • Các thể lâm sàng:
    • Theo vị trí tổn thương
      • Zona mắt: chiếm 10-15% các thể zona. Gây các biến chứng của mắt: viêm kết mạc, giác mạc, củng mạc, thậm chí nặng đe doạ thị lực như hoại tử võng mạc cấp tính,viêm dây thần kinh thị giác, viêm hậu củng mạc, glaucome thứ phát...
      • Zona liên sườn và ngực bụng: là thể lâm sàng hay gặp nhất, chiếm 50% trường hợp.
      • Zona cổ (đám rối cổ nông) và cổ cánh tay.
      • Zona gáy cổ: có tổn thương ở gáy, da đầu, vành tai.
      • Zona hông, bụng, sinh dục, bẹn, xương cùng, ụ ngồi, đùi.
    • Theo hình thái tổn thương: những hình thái này thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, ung thư, hoá trị liệu..., bao gồm: · Zona lan toả. · Zona nhiều dây thần kinh. · Zona tái phát. 1.3. Cận lâm sàng --
  • Bạch cầu máu bình thường hoặc tăng nhẹ khi bội nhiễm.
  • PCR phát hiện DNA VZV từ dịch bóng nước là xét nghiệm nhanh chóng và độ nhạy cao. Là xét nghiệm giá trị nhất để xác nhận các trường hợp mắc bệnh zona, nhất là những trường hợp khó cần chẩn đoán phân biệt.
  • Các xét nghiệm tìm kháng nguyên, kháng thể VZV trong máu hoặc sang thương hiện ít giá trị chẩn đoán.

2. Chẩn đoán xác định:

  • Đa số các trường hợp bệnh zona được chẩn đoán dựa trên các dấu hiện lâm sàng đặc trưng.
  • Nếu có kèm theo 1 trong các yếu tố dịch tễ sẽ góp phần vào chẩn đoán.
  • Tiêu chuẩn vàng là xét nghiệm PCR dịch bóng nước tìm DNA VZV dùng khi bệnh nặng cần chẩn đoán phân biệt hoặc nghiên cứu.

3. Chẩn đoán phân biệt:

  • Chốc lỡ bóng nước.
  • Bóng nước do Herpes simplex.
  • Bệnh tay chân miệng.
  • Dị ứng da, chàm.

III.BIẾN CHỨNG

  • Đau dây thần kinh sau zona: Là biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona. Cơn đau dai dẳng ở vùng từng phát ban và tiếp tục kéo dài nhiều ngày sau khi phát ban, có thể tồn tại trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm.
  • Zona mắt có thể giảm hoặc mất thị lực, tổn thương dây thần kinh sinh ba, thần kinh số V.
  • Zona lan tỏa, xảy ra trên người suy giảm miễn dịch có thể bao gồm: viêm màng não, viêm phổi, viên gan...
  • Bội nhiễm vi trùng.
  • Liệt dây thần kinh sọ.

IV. ĐIỀU TRỊ :

*Tiêu chuẩn điều trị ngoại trú, nội trú: - Zona không có biến chứng và người có miễn dịch bình thường, chỉ định điều trị ngoại trú. - Những trường hợp suy giảm miễn dịch hoặc tổn thương lan tỏa nên nhập viện điều trị nội trú theo phác đồ.

1. Điều trị đặc hiệu

Trường hợp không biến chứng và ở người có miễn dịch bình thường: - Tại chỗ: dung dịch sát khuẩn như xanh methylen - Toàn thân: Thuốc kháng vi rút có tác dụng nhanh lành vết thương, giảm số tổn thương mới và giảm đau sau zona. Thuốc nên được dùng sớm, tốt nhất trong vòng 72 giờ đầu. + Uống Acyclovir: . Liều 800mg x 5 lần/ngày trong 7 ngày + Hoặc, Famciclovir 500mg x 3 lần/ngày 7 ngày + Hoặc, Valacyclovir 1000mg x 3 lần /ngày x 7 ngày + Kháng sinh chống bội nhiễm thường do Stap.aureus hoặc Streptococcus. + Giảm đau, kháng viêm, an thần, vitamin B liều cao. Nếu đau dai dẳng: uống thuốc giảm đau thần kinh: Amitriptylin, Gabapentin, Pregabalin. Trường hợp suy giảm miễn dịch hay tổn thương lan rộng: Acyclovir TTM 30mg/kg/ngày, chia 3 lần x 7 ngày hoặc cho đến khi thương tổn đóng vảy Trường hợp có tổn thương mắt: kết hợp khám chuyên khoa mắt, điều trị acyclovir đường tĩnh mạch.

2. Điều trị biến chứng:

  • Sang thương da bội nhiễm vi trùng: Kháng sinh dùng đường uống hoặc đường tĩnh mạch tùy theo mức độ nặng của bội nhiễm vi trùng và tùy theo tùy trạng miễn dịch của người bệnh.
  • Đau sau zona: Là biến chứng thường gặp và là biến chứng gây khó chịu cho bệnh nhân nhất. Nguyên nhân: do vi rút gây viêm, hoại tử và xơ hóa các đầu dây thần kinh. Điều trị bệnh zona bằng thuốc kháng vi rút sớm trong vòng 72 giờ có thể giảm được biến chứng đau sau zona. Dùng 1 trong các thuốc giảm đau thần kinh:
    • Amitriptylin viên 25mg, liều 25-75mg/ngày. Chia 1-3 lần/ngày. Tác dụng phụ: hạ huyết áp tư thế, ngủ gà, khô miệng, lú lẫn, táo bón, bí tiểu, tăng cân. Hạn chế tác dụng phụ bằng cách dùng liều tăng dần.
    • Carbamazepin viên nén 200mg, liều 400-1.200mg/ngày. Chia 2-3 lần/ngày. Tác dụng phụ: chóng mặt, buồn nôn lúc bắt đầu điều trị, hạn chế bằng cách tăng dần liều.
    • Gabapentin viên 300mg, liều 900-2.000mg/ngày. Chia 2-3 lần/ ngày. Tác dụng phụ: ngủ gà, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đi loạng choạng, run. Hạn chế tác dụng phụ bằng cách tăng dần liều.
    • Pregabalin 150mg-300mg/ngày.Nếu vẫn không đỡ sau 2 – 4 tuần điều trị với liều 300mg/ngày có thể tăng tới liều 600mg/ngày chia 2 – 3 lần.
    • Bôi kem chứa lidocain và prilocain tại chỗ, ngày 3-4 lần.

V. DỰ PHÒNG:

Phòng lây lan: - Nhân viên y tế tuân thủ theo nguyên tắc phòng ngừa chuẩn khi chăm sóc bệnh nhân zona: khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, xử lý dụng cụ có dính dịch tiết của người bệnh... - Bệnh nhân zona nên được điều trị tại 1 phòng riêng và hạn chế tiếp xúc gần với người chưa có miễn dịch với zona và thủy đậu nhất là phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Phòng chủ động bằng vắc xin: Đối với trẻ em: Chích ngừa vắc xin thủy đậu lúc nhỏ sẽ phòng được bệnh thủy đậu và zona. Đối với người lớn: Có 2 loại vắc xin để phòng bệnh zona: Shingrix và Zostavax. Shingrix: Là vắc xin tái tổ hợp, chứa 1 thành phần của vi rút. Chỉ định cho người trên 50 tuổi và người lớn từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch. Liều dùng: 2 liều cách nhau 2- 6 tháng. Zostavax: Là vắc xin sống, giảm độc lực, không có khả năng gây bệnh. Tiêm 1 liều duy nhất.

VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO