1. Các dấu hiệu lâm sàng gãy xương

  • Dấu hiệu chắn chắn gãy xương: biến dạng chi, cử động bất thường, tiếng lạo xạo xương (chú ý khi làm thường gây đau và tăng biến chứng).
  • Dấu hiệu không chắc chắn của gãy xương: đau, sưng bầm tím, mất cơ năng.
  • Biến chứng sớm của gãy xương
    • Choáng chấn thương: ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân do mất máu và đau. Mạch nhẹ, HA tụt, CRT > 2 giây, da xanh niêm nhạt, chỉ số choáng (M/HA tâm thu ≥ 1).
    • Tắc mạch máu do mỡ: có thể rất sớm vài giờ sau chấn thương hay sau 3 ngày, biểu hiện sốt, mạch nhanh, xuất huyết kết mạc, tiểu cầu giảm, giảm oxy máu, thiếu máu kéo dài dù đã bù máu (tiêu chuẩn Loup).
    • Hội chứng chèn ép khoang: đau tự nhiên và dữ dội ngày càng tăng kèm với da căng cứng và căng bóng vùng chèn ép khoang.
    • Chèn ép mạch máu lớn: vùng chi dưới tổn thương mất mạch, da lạnh, màu nhợt nhạt, CRT>2 giây.
    • Chèn ép thần kinh ngoại biên: rối loạn cảm giác vận động và đau tại chổ chèn ép vào thần kinh.

2. Các dấu hiệu lâm sàng trật khớp

  • Khớp bị tổn thương mất vận động.
  • Dấu hiệu lò xo, dấu hiệu biến dạng khớp, dấu hiệu ổ khớp rỗng.

3. Nguyên tắc xử trí cấp cứu bệnh nhân chấn thương xương

  • Bất động cột sống cổ: bất kỳ trường hợp chấn thương nào cũng nên coi như có chấn thương cột sống cổ đặc biệt khi bệnh nhân chấn thương do lực tác động lớn, thay đổi ý thức, trẻ em, người già, có triệu chứng nghi ngờ tổn thương cột sống.
  • Đánh giá và xử trí cấp cứu ngưng tim ngưng thở (C-A-B)
  • Cầm máu: băng ép, garo, khâu vết thương.
  • Chống sốc trong trường hợp sốc chấn thương bao gồm:
    • Sốc mất máu:với ổ chảy máu ngoài do vết thương mạch máu, gãy xương hở, vết thương đứt lìa, gãy khung chậu hở hay ổ chảy máu trong các khoang màng phổi, ổ bụng, khoang cơ xương, lóc da ngầm.
    • Sốc thần kinh trong trường hợp chấn thương thân não, cột sống cổ, ngực trên do mất trương lực giao cảm.
    • Sốc tim hoặc sốc tắc nghẽn trong trường hợp chấn thương ngực nặng có kèm gãy xương ức hoặc mảng sường di động.
  • Khám chấn thương toàn thân, không bỏ sót tổn thương phối hợp.
  • Bất động chi gãy.
  • Giảm đau.
  • Khi tình trạng cho phép, chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa chấn thương an toàn.

4. Cố định chi gãy

4.1 Nguyên tắc

  • Đánh giá: mạch, cảm giác, vận động của chi trước và sau khi cố định.
  • Gãy xương: bất động 1 khớp trên và 1 khớp dưới xương gãy.
  • Tổn thương khớp: bất động xương trên và xương dưới khớp tổn thương.
  • Rửa sạch, băng ép, cầm máu vết thương xương khớp hở trước khi cố định. Nếu băng ép không cầm máu được tiến hành garo phía trên tổn thương.
  • Không cố nhét phần xương hở trở lại trong da.
  • Bất động xương gãy ở tư thế chức năng hoặc tư thế bệnh nhân thấy dễ chịu.
  • Nếu có vật xuyên thấu vào chi, xương, ổ khớp không được rút ra tại khoa cấp cứu mà phải cố định chắc, chuyển bệnh viện có chuyên khoa xử trí tại phòng mổ.
  • Tiêm phòng uốn ván, kháng sinh dự phòng nếu vết thương hở.

4.2 Cố định một số xương gãy thường gặp

  • Bất động cột sống cổ

    • Dùng nẹp cổ cứng, kích cở phù hợp
    • Cáng cứng
    • Cố định đầu
    • Sử dụng kỹ thuật log-roll để đặt bệnh nhân lên cáng cứng.
  • Cố định xương đòn và xương bả vai

    Dùng băng thun rộng 10-12 cm băng cố định 2 xương đòn bắt chéo sau lưng như hình số 8 hoặc đai cố định xương đòn.
b1.png

  • Cố định xương sườn

    Dùng băng dính to bản dán nửa ngực phía bị gãy cả phía trước lẫn phía sau hoặc dùng đai cố định xương sườn.
  • Cố định xương cánh tay

    1 nẹp bên trong, đầu trên lên tới hố nách, đầu dưới quá khuỷu tay 1 nẹp bên ngoài, đầu trên quá mỏm vai, đầu dưới quá khuỷu tay Băng cố định buộc ép cánh tay vào người Dùng băng tam giác treo tay bệnh nhân và buộc cố định trước ngực.
canh_tay.jpg
  • Cố định xương cẳng tay

    Nếu khớp khuỷu co được, để cánh tay sát thân mình, cẳng tay vuông góc với cánh tay, sau đó bất động Nếu khớp khuỷu không co được, để cánh cẳng tay thẳng, sau đó cố định.
cang_tay.png

  • Cố định cổ tay-bàn tay

co_tay_ban_tay.png

  • Cố định xương ngón tay

ngon_tay.jpg
  • Cố định xương cẳng chân

cang_chan.jpg

  • Cố định gãy xương đùi

    Dùng 3 nẹp để cố định Nẹp bên ngoài đi từ hố nách đến gót chân Nẹp mặt trong đi từ bẹn đến quá gót chân Nẹp mặt sau đi từ trên mào chậu đến quá gót chân Băng cố định nẹp vào chi ở bàn chân, cổ chân, 1/3 trên cẳng chân, trên gối, bẹn, bụng và dưới nách. Buộc chi gãy đã cố định vào chi lành
dui.jpg

  • Cố định xương chậu

    Vỡ xương chậu thường là chấn thương nặng, đa chấn thương, nguy cơ sốc mất máu cao. Bất động khung chậu bằng cách dùng tấm vải (có thể lấy ga trải giường gấp lại có bề rộng bằng khoảng cách từ gai chậu trước trên đến xương mu) quấn quanh khung chậu và buộc chặt.
chau.jpg

5. Xử trí vết thương đứt rời

  • Đảm bảo C-A-B, xử trí sốc chấn thương.
  • Phần mỏm cụt: rửa sạch, cầm máu bằng băng ép hoặc garo, đắp gạc tẩm nước muối sinh lý vô khuẩn, băng kín mỏm cụt.
  • Phần chi đứt rời: rửa sạch bằng nước muối vô khuẩn, quấn gạc tẩm nước muối sinh lý vô khuẩn, bỏ vào túi nilon sạch dán kín, bỏ toàn bộ túi nilon trên vào chậu nước đá để chuyển chuyên khoa ghép nối chi.

6. Pháp y

Nếu tình huống chấn thương có liên quan đến pháp lý, điều trị cấp cứu cho bệnh nhân cần đi kèm bảo lưu các bằng chứng. Tất cả các vật dụng như quần áo, đồ đạc…của bệnh nhân đều phải được lưu giữ. Cần quan tâm và phát hiện các trường hợp cần báo cáo như xâm hại hoặc bạo hành, thực hiện các biện pháp bảo vệ bằng chứng, bảo vệ bệnh nhân. Cẩn thận lưu ý khi cơ chế chấn thương được khai không phù hợp với thương tổn quan sát, có nhiều dấu tích chấn thương cũ mới đồng thời.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ y tế. Cấp cứu cơ bản- 2014. Nhà xuất bản y học. Phần II: cấp cứu chấn thương.
  2. Bệnh viện Chợ Rẩy. Phác đồ điều trị 2013- phần ngoại khoa Nhà xuất bản y học. Bài: Cấp cứu gãy xương.
  3. Bộ môn Hồi sức- Cấp cứu- Chống độc Đại học Y Dược TP HCM. Giáo trình Hồi sức cấp cứu chống độc. 2013. Nhà xuất bản y học. Bài: Choáng chấn thương.
  4. Bộ môn Hồi sức- Cấp cứu- Chống độc Đại học Y Dược TP HCM. Giáo trình giảng dạy đại học Hồi sức cấp cứu chống độc. 2020. Nhà xuất bản y học. Bài: Tiếp cận bệnh nhân chấn thương nặng hoặc đa thương.