1. Đại cương

Ngộ độc cấp là một cấp cứu thường gặp ở nước ta.

2. Nguyên nhân

  • Ba nhóm đối tượng dễ bị ngô độc cấp:

    • Trẻ nhỏ từ 1-4 tuổi: do thiếu cẩn thận của người lớn.

    • Người lớn có nghề nghiệp liên quan tiếp xúc độc chất: tai nạn hóa chất

    • Tự tử: do chán đời, bệnh nan y, bệnh tâm thần...., chiếm tỷ lệ cao 60-70%.

3. Chẩn đoán

3.1 Khai thác bệnh sử

  • Nghề nghiệp, hoàn cảnh, môi trường sống, làm việc: định hướng về độc chất.

  • Trường hợp, tình huống xảy ra ngộ độc: ăn uống, hít, tiếp xúc...

  • Thời điểm xảy ra ngộ độc: từ lúc ngộ độc đến lúc khám

  • Chất gây ngộ độc: chai, lọ, bao bì, vỏ thuốc...

  • Số lượng chất độc, chất độc kèm theo.

  • Sơ cứu ban đầu trước nhập viện: rửa dạ dày, nôn, ...

3.2 Khám lâm sàng

  • Đánh giá dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhịp thở, tri giác.

  • Thân nhiệt: do môi trường (nóng, lạnh) hay do độc chất.

  • Các hội chứng ngộ độc: có thể do nhiều độc chất khác nhau

  • Các biến chứng do ngộ độc: hô hấp, tim mạch, thần kinh.

  • Bệnh lý có sẵn: có thể làm tăng dấu hiệu nặng.

2.jpg

3.4 Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm cơ bản

  • Xét nghiệm độc chất: tìm độc chất trong dạ dày, máu, nước tiểu, vật phẩm nghỉ là tác nhân gây ngộ độc. Cần có định hướng tìm độc chất.

4. Điều trị

4.1 Xử trí cấp cứu ngộ độc cấp

4.1.1 Cấp cứu ban đầu

  • Ổn định các dấu sinh tồn, hô hấp, tuần hoàn.

  • Đặt nội khí quản, thở oxy khi bệnh nhân có suy hô hấp, rối loạn tri giác, nguy cơ viêm phổi hít

  • Lập đường truyền tĩnh mạch: nếu bệnh nhân có rối loạn tri giác, hôn mê cho đường ưu trương (Glucose 30% 50 ml)

  • Thuốc giải độc: cho ngay khi nghi ngờ, Naloxone 0,4 mg TM (ngộ độc opium), Vitamin B1 100 mg TM (ngộ độc rượu), Flumazenil 0,2 mg TM (ngộ độc Benzodiazepine).

  • Duy trì huyết áp bằng truyền dịch và theo dõi CVP.

  • Theo dõi monitoring ECG.

  • Nếu tình trạng rối loạn tri giác, hôn mê không cải thiện tìm các nguyên nhân khác gây rối loạn tri giác.

4.1.2 Ngăn chặn hấp thu độc chất

Nhiều biện pháp, cành nhanh càng tốt

  • Làm sạch da, tóc (nếu độc chất dính vào da, tóc): nước ấm, xà phòng có tính kiềm nhẹ, nếu bỏng nhiệt, hóa chất dùng nước muối sinh lý để rửa.

  • Rửa mắt (độc chất dính vào mắt): rửa mắt bằng nước muối sinh lý trong 10-15 phút.

  • Gây nôn:

    • Hiện nay thường dùng Ipecac (hoạt hóa recepter cảm giác ở ống tiêu hóa và kích thích vùng hoạt hóa thụ cảm ở hành tủy): 30 ml ở người lớn, 10-15 ml ở trẻ em, gây ói sau 15-30 phút, kéo dài 30 phút đến 2 giờ, không giảm được bằng thuốc chống ói.

    • Chống chỉ định: rối loạn tri giác, hôn mê, co giật, độc chất gây co giật, chất ăn mòn, cao huyết áp không kiểm soát.

    • Biến chứng: viêm phổi hít, HC Mallory Weiss, vở cơ hoành, tràn khí trung thất, xuất huyết não.

  • Rửa dạ dày:

    • Thường dùng hơn gây ói tại khoa cấp cứu. Biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ độc chất trong 60 phút đầu bị ngộ độc.

    • Chỉ định: ngộ độc do uống trong vòng 2-3 giờ. Đặt nội khí quản bơm bóng chẹn trước rửa dạ dày ở bệnh nhân rối loạn tri giác, co giật, mất phản xạ ói.

    • Chống chỉ định: uống chất ăn mòn (acid, kiềm)

    • Biến chứng: viêm phổi hít, tắc nghẽn đường thở, tổn thương hầu, thực quản, dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, trẻ em có thể bị ngộ độc nước.

    • Kỹ thuật: bệnh nhân nghiêng trái, đầu thấp, dùng nước muối sinh lý mỗi lần 200 ml (trẻ em 50 ml) rửa tới khi sạch (5-10 lít/lần rửa), có thể lập lại sau 3-4 giờ nếu cần.

  • Than hoạt: hấp thu độc chất

    • Than hoạt hấp thu hầu hết các độc chất, một số chất kém hiệu quả: alcool, hydrocarbon, thuốc diệt sâu rầy, cyanid, acid, kiềm, các kim loại như boric, sắt, lithium, chì.

    • Chỉ định: chất độc có trong dạ dày ruột

    • Chống chỉ định: uống chất ăn mòn, liệt ruột

    • Liều: 1-2g/kg hòa trong 100 ml nước, có thể lập lại mỗi 4 giờ trong trường hợp uống lượng lớn.

    • Biến chứng: viêm phổi hít, tắc ruột.

  • Thuốc xổ:

    • Than hoạt thường trộn chung thuốc xổ để gia tăng tốc độ di chuyển qua ruột, giảm hấp thu thuốc. Thường dùng Magne sulfate, natri sulfate, sorbitol.

    • Chống chỉ định dùng thuốc xổ có magne là bệnh lý thận, uống chất độc thận, tiểu myoglobine. Chống chỉ định tương đối của thuốc xổ là uống chất ăn mòn, vừa mới phẩu thuật bụng, không có nhu động ruột.

  • Truyền dịch và lợi tiểu: điều kiện là huyết áp ổn và chưa có suy thận.

4.2 Hướng giải quyết sau cấp cứu ban đầu

Sau xử trí ban đầu, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa chống độc, bảo đảm an toàn bệnh nhân trong lúc chuyển tuyến.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc-2015

  2. Bệnh viện Chợ Rẩy. Phác đồ điều trị 2013- phần nội khoa. Nhà xuất bản y học.

  3. Bộ môn Hồi sức- Cấp cứu- Chống độc Đại học Y Dược TP HCM. Giáo trình hồi sức cấp cứu chống độc. 2013. Nhà xuất bản y học.

  4. The Washington manual of critical care. Third edition-2018- Chapter 33: Toxicology