1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh do ấu trùng giun đầu gai là một bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang người. Một số loài đã được chứng minh có liên quan đến gây bệnh ở người: G. doloresi, G. spinigerum, G. nipponicum, G. hispidum và gần đây là G. binucleatum.

G. spinigerum từ lâu được xem như một loài chính gây bệnh cho người ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Người bị nhiễm do tiêu hóa phải ấu trùng giai đoạn 3 của giun Gnathostoma spinigerum. Ấu trùng có thể được tìm thấy trong rau hoặc thịt nấu chưa chín (cá nước ngọt, lươn, ếch…) hoặc nước bị nhiễm.

2. BỆNH SINH

Người ăn phải các vật chủ chứa ấu trùng giai đoạn 3, ấu trùng qua dạ dày, ruột tới gan và các bộ phận cơ thể. Ấu trùng giun không phát triển đến giai đoạn trưởng thành, mà chỉ ở giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng thường di chuyển khắp các cơ quan, gây ra hội chứng ấu trùng di chuyển ngoài da và nội tạng.

Nguyên nhân gây bệnh là tổn thương cơ học ở các mô bởi sự di chuyển của ấu trùng Gnathostoma và các độc tố đi kèm tham gia vào hoặc có liên quan dẫn truyền thần kinh như acetylcholine, hyaluronidase, protease, hemolysine. Ngoài ra còn có sự đáp ứng của cơ thể vật chủ.

Bệnh giun đầu gai thường chia làm 2 thể điển hình: thể chu du dưới da và thể phủ tạng. Nguy hiểm nhất là biến chứng hệ thần kinh trung ương.

3. LÂM SÀNG

Suy nhược nhẹ, sốt, chán ăn, buồn nôn.

Da nổi mề đay, ngứa, hồng ban, điển hình là các khối phù nề, đau dưới da không cố định, có thể lặn nơi này rồi xuất hiện ở nơi khác.

Có thể có các triệu chứng khác tùy thuộc vào vị trí ấu trùng di chuyển:

 Ho, khó thở, đau ngực, có thể có hội chứng đông đặc phổi hoặc xẹp phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi

 Đau hạ sườn phải, thượng vị

 Đau mắt, giảm thị lực hoặc mù, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo hoặc bóc tách võng mạc

 Hội chứng não màng não, động kinh, tăng áp lực sọ não, có thể có dấu hiệu thần kinh định vị

4. CẬN LÂM SÀNG

Công thức máu: Bạch cầu ái toan tăng cao (có thể > 50%)

Xét nghiệm ELISA tìm thấy kháng thể kháng Gnathostoma trong huyết thanh

Trong bệnh lý hệ thần kinh trung ương, có tăng bạch cầu ái toan trong dịch não tủy, CT scan có thể cho thấy bằng chứng xuất huyết nội sọ, dấu hiệu viêm màng não…

5. CHẨN ĐOÁN

Rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác vì triệu chứng không đặc hiệu.

Chẩn đoán xác định bệnh do ấu trùng Gnathostoma khi bắt được ấu trùng hoặc giun non từ sang thương (da, niêm mạc, kết mạc mắt…) nhưng điều này rất hiếm xảy ra. Vì vậy có thể dựa vào các tiêu chuẩn về dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm để chẩn đoán:

 Tiền sử có ăn thủy hải sản tái hoặc sống.

 Lâm sàng của hội chứng ấu trùng di chuyển và các triệu chứng khác tùy theo vị trí ký sinh.

 Bạch cầu ái toan trong máu tăng cao.

 Huyết thanh chẩn đoán Gnathostoma spp. dương tính.

6. ĐIỀU TRỊ

 Ivermectine: liều duy nhất 0,2 mg/kg đối với thể lâm sàng ở da, mô mềm và nội tạng, ngoại trừ thể thần kinh. Ivermectin liều duy nhất dung nạp tốt hơn Albendazole, nhưng Albendazole có thể hiệu quả hơn và có tác dụng bổ sung điều trị.

 Hoặc Albendazole 15mg/kg/ngày chia làm 2 lần (người lớn không quá 800 mg và trẻ em không quá 400mg mỗi ngày), trong 3 tuần. Hẹn tái khám mỗi tuần để kiểm tra chức năng gan trong quá trình điều trị. Tránh để có thai trong thời gian điều trị đặc hiệu. Sau 3 tuần dùng thuốc, nếu lâm sàng cải thiện và bạch cầu ái toan máu bình thường có thể ngưng điều trị.

Lặp lại điều trị nếu lâm sàng và/hoặc bạch cầu ái toan trong máu không giảm. Khi chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đầu gai ở não phải phối hợp corticosteroid 5 – 10 ngày. Các trường hợp có biến chứng thần kinh nặng, phải nhập viện để theo dõi.

Trường hợp có tổn thương ở mắt hoặc ảnh hưởng đến thị giác phải giới thiệu khám chuyên khoa mắt.

Hẹn tái khám sau 6 tháng để theo dõi sự biến thiên của hiệu giá kháng thể.

7. PHÒNG BỆNH

 Không ăn các thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín.

 Uống nước đun sôi để nguội.