1. ĐẠI CƯƠNG

Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là một bệnh giun sán phổ biến ở các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Tác nhân gây bệnh là giun đũa chó (Toxocara canis) và giun đũa mèo (Toxocara cati). Gần đây do sự phát triển của các kỹ thuật chẩn đoán, số trường hợp có xét nghiệm huyết thanh miễn dịch dương tính với giun đũa chó mèo ngày càng cao.

2. BỆNH SINH

Toxocara spp. Trong đường tiêu hóa của của chó, mèo. Các giun này sẽ đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót và gây tổn hại các mô cơ thể người trong nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt các ấu trùng di chuyển hoặc khiến chúng ngưng phát triển.

3. LÂM SÀNG

Phần lớn không có triệu chứng rõ ràng.

Bệnh ấu trùng Toxocara nội tạng (thường gặp ở trẻ em): ho, sốt kéo dài, gan to đau, thiếu máu…

Bệnh ấu trùng Toxocara ở não: nhức đầu, rối loạn tri giác, động kinh…

Bệnh ấu trùng Toxocara ở mắt: u hạt ở võng mạc, gây giảm thị lực từ từ và mù lòa. Ngoài ra, ấu trùng còn gây viêm màng bồ đào, áp xe thủy tinh thể, viêm thần kinh thị giác…

4. CẬN LÂM SÀNG

Bạch cầu ái toan trong máu có thể tăng cao.

Huyết thanh chẩn đoán (ELISA) Toxocara spp. dương tính.

Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, CT scan, MRI): có thể thấy tổn thương gợi ý ấu trùng ký sinh ở mắt, não, gan…

5. CHẨN ĐOÁN

Có tiếp xúc với chó mèo, chơi nghịch đất cát.

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như trên, trong đó có xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Toxocara dương tính.

6. ĐIỀU TRỊ

6.1. Không có triệu chứng lâm sàng

Chỉ có xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán Toxocara spp dương tính:

 Nếu bạch cầu ái toan bình thường: không cần điều trị. Tư vấn và dặn dò bệnh nhân tái khám nếu có triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân chưa từng điều trị đặc hiệu, xem xét dùng Ivermectine liều duy nhất 0,2mg/kg để không bỏ sót các trường hợp nhiễm không có phản ứng bạch cầu, không tái khám.

 Nếu bạch cầu ái toan tăng cao, dùng Ivermectine liều duy nhất 0,2mg/kg. Tái khám sau 4 tuần, lặp lại điều trị nếu kiểm tra bạch cần ái toan còn cao.

6.2. Có triệu chứng lâm sàng

 Albendazole 15mg/kg/ngày, chia làm 2 lần (người lớn không quá 800 mg và trẻ em không quá 400mg mỗi ngày), trong 3 tuần. Hẹn tái khám mỗi tuần để kiểm tra chức năng gan trong quá trình điều trị.

 Hoặc Ivermectine: liều duy nhất 0,2mg/kg.

Tái khám sau 4 tuần, lặp lại điều trị nếu lâm sàng không cải thiện và bạch cần ái toan trong máu còn cao.

Khi chẩn đoán bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo ở não có thể phối hợp corticosteroid. Các trường hợp có biến chứng thần kinh nặng, phải nhập viện để theo dõi.

Trường hợp có tổn thương ở mắt hoặc ảnh hưởng đến thị giác phải giới thiệu khám chuyên khoa mắt.

Hẹn tái khám sau 6 tháng để theo dõi sự biến thiên của hiệu giá kháng thể.

7. PHÒNG BỆNH

 Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm.

 Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác.

 Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.

 Rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống.

 Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.