I. Chẩn đoán

I.1. Chẩn đoán sơ bộ

I.1.1. Dịch tễ

Sống hoặc đến từ khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm.

I.1.2. Lâm sàng có hội chứng Cúm

  • Sốt, thường trên 38oC.

  • Đau nhức cơ toàn thân.

  • Biểu hiện về hô hấp như đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.

I.1.3. Cận lâm sàng

  • Công thức máu bạch cầu bình thường hoặc giảm.

  • Hình ảnh chụp X quang phổi bình thường hoặc có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa ở phổi.

I.2. Chẩn đoán xác định

Phát hiện RNA virus bằng kỹ thuật RT-PCR và/hoặc phân lập virus cúm A/H1,H3,B từ các bệnh phẩm: phết mũi, phết họng, dịch mũi hầu, dịch rửa phế quản.

I.3. Chẩn đoán mức độ bệnh

I.3.1. Cúm chưa có biến chứng

Lâm sàng có biểu hiện hội chứng cúm đơn thuần.

I.3.2. Cúm có biến chứng (cúm nặng)

Lâm sàng nghi ngờ hoặc xác định kèm theo một trong các biểu hiện sau:

  • Có tổn thương phổi với biểu hiện suy hô hấp trên lâm sàng (thở nhanh, khó thở, SpO2 giảm, PaO2 giảm) và/hoặc,

  • Có các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi trùng, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng.

  • Có các dấu hiệu nặng lên của các bệnh lý mạn tính kèm theo (bệnh phổi, bệnh gan, suy thận, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh về máu).

I.4. Các đối tượng nguy cơ dễ có biến chứng khi mắc cúm

  • Trẻ em: dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

  • Người già trên 65 tuổi.

  • Phụ nữ có thai.

  • Người lớn mắc các bệnh mạn tính (như đã nêu trên).

  • Suy giảm miễn dịch (bệnh nhân đang điều trị thuốc chống ung thư, Corticoid kéo dài, HIV/AIDS).

II. Điều trị

II.1. Điều trị ngoại trú

II.1.1 Tiêu chuẩn điều trị ngoại trú

Cúm mùa chưa biến chứng và trên các đối tượng không có yếu tố nguy cơ biến chứng nặng.

II.1.2 Điều trị

  • Cách ly điều trị tại nhà, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh.

  • Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Thuốc kháng virus không có chỉ định điều trị đối với cúm mùa chưa biến chứng và trên các đối tượng không có yếu tố nguy cơ biến chứng nặng.

  • Hạ sốt: Chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 38o5, không dùng thuốc nhóm Salicylate như Aspirin để hạ sốt.

  • Đảm bảo cân bằng nước điện giải.

  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

II.1.3 Theo dõi ngoại trú

  • Theo dõi các triệu chứng lâm sàng ở nhà: sốt, ho, đau ngực, khó thở, ...

  • Tái khám sau khoảng 2 – 3 ngày cho đến khi hết triệu chứng lâm sàng.

  • Tái khám ngay nếu có các dấu hiệu nặng cần nhập viện trong mục I.3.2.

II.2. Chỉ định nhập viện điều trị nội trú

  • Cúm có biến chứng.

  • Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ dễ gây biến chứng.

III. Phòng bệnh

  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm.

  • Tăng cường rửa tay.

  • Vệ sinh hô hấp khi ho khạc.

  • Tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

  • Tiêm phòng vắc xin cúm.

    • Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.

    • Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:

      • Nhân viên y tế.

      • Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi.

      • Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…).

      • Người trên 65 tuổi.