1. Định nghĩa:

Trạng thái động kinh là các cơn động kinh xuất hiện liên tiếp nhau mà bệnh nhân không có khoảng tỉnh. Đây là một cấp cứu thần kinh thường gặp. Trên thực hành, có thể xem các trường hợp sau đây là trạng thái động kinh:

  • Cơn co giật kéo dài trên 5 phút

  • Có 3 cơn trong vòng 1 giờ

  • Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng còn cơn động kinh

  • 30 phút liên tục không có khoảng tình đối với các cơn như: cơn cục bộ, cơn cục bộ phức tạp, cơn vắng ý thức và các loại cơn động kinh không co giật khác.

2. Nguyên nhân:

Sốt cao co giật

Rối loạn chuyển hóa

Chấn thương sọ não

U não

Cai rượu

Tiếp xúc độc chất

Viêm não màng não

Bệnh lý mạch máu não

Động kinh: thay đổi thuốc hay ngưng thuốc chống động kinh

Vô căn

3. Xử trí:

3.1. Nguyên tắc điều trị:

• Hỗ trợ hô hấp: Giữ thông đường thở và cung cấp oxy

• Chấm dứt cơn co giật và phòng ngừa cơn tái phát

• Chẩn đoán và điều trị nguyên nhân gây trạng thái động kinh có thể nguy hiểm tính mang (hạ đường huyết, viêm não màng não, tổn thương choán chỗ trong nội sọ)

3.2. Điều trị ban đầu:

a. Hỗ trợ hô hấp:

  • Thông thoáng đường hô hấp bằng thủ thuật nghiêng đầu cằm/ cho bệnh nhân nằm nghiêng, hút đàm nhớt.

  • Đề phòng cắn lưỡi hoặc gãy răng bằng đặt cây đè lưỡi quấn gạc (nếu đang giật).

  • Thở oxy mũi hoặc oxy mask đạt SpO2> 95%.

  • Đặt NKQ giúp thở nếu thất bại với oxygen hay có cơn ngưng thở.

b. Điều trị thuốc chống co giật:

  • Diazepam 0.1- 0.2mg/kg/liều TMC, tối đa 10mg. Trường hợp không tiêm mạch được thì có thể bơm hậu môn, liều 0.5mg/kg/liều. Nếu không hiệu quả có thể lặp lại sau 10 phút.

  • Hoặc Midazolam 0.2mg/kg TMC. Nếu không đáp ứng có thể lặp lại liều trên. Liều Midazolam truyền duy trì: 0.05-0.8mg/kg/giờ.

  • Trẻ sơ sinh nên ưu tiên chọn Phenobarbital 15-20mg/kg truyền tĩnh mạch, tốc độ không quá 2mg/kg/phút. Sau 15-30 phút còn co giật thì lập lại liều thứ hai 10mg/kg, tối đa 40mg/kg.

c. Điều trị nguyên nhân:

  • Co giật do sốt cao: hạ sốt bằng Paracetamol tọa dược liều 15-20mg/kg.

  • Hạ đường huyết: truyền đường ưu trương. Người lớn 50ml Dextrose 50%, trẻ lớn 2ml/kg Dextrose 30%, trẻ sơ sinh 2m/kg Dextrose 10%. Sau đó duy trì bằng Dextrose 10%. Chú ý cần cho trước vitaminB1 (Thiamin 100mg TB) trường hợp BN suy dinh dưỡng hoặc nghiện rượu để phòng bệnh não Wernicke.

  • Hạ Natri máu: bù Natri ưu trương.

  • Điều trị tăng áp lực nội sọ.

  • Điều trị nguyên nhân ngoại khoa: chấn thương đầu, xuất huyết, u não.

  • Điều trị nguyên nhân nhiễm trùng: viêm não màng não, sốt rét ác tính thể não…

3.3. Điều trị tiếp theo:

Nếu co giật tiếp tục hoặc tái phát:

  • Phenytoin 15-20mg/kg truyền TM 50mg/phút, có thể lập lại sau liều 5-10ng.kg sau 10 phút. Liều duy trì 100mg TMC hoặc uống mỗi 6-8 giờ. Trẻ em duy trì liều 4-8mg/kg/ngày, chia 2 lần.

  • Hoặc Phenobarbital 15-20mg/kg TMC hoặc truyền TM trong 15-30ph, có thể lặp lại liều 5-10mg/kg. Ở người lớn, không quá 30mg/kg, Ở trẻ em, không quá 40mg/kg. Tốc độ truyền Phenobarbital ở trẻ em không quá 2mg/kg/phút, không quá 1000mg/liều.. Liều duy trì Phenobarbital 3-5mg/kg/ngày.

  • Lưu ý nguy cơ ngưng thở tăng khi phối hợp với Diazepam/Midazolam Nếu sau 60 phút còn co giật, dung phương pháp gây mê. Bệnh nhân cần được đặt NKQ, giúp thở và theo dõi sát huyết động.

  • Thiopental 100-250mg TM (3-6mg/kg), sau đó 50mg (1-2mg/kg) mỗi 3-5 phút đến khi hết co giật, tối đa 10mg/kg, sau đó duy trì 3-5mg/kg/giờ trong ít nhất 12 giờ.

  • Hoặc Propofol 1-2mg/kg, duy trì 1-2mg/kg/giờ (có thể tăng liều tối đa 15mg/kg/giờ). Sau 24-48 giờ, giảm liều dần.

  • Nếu thất bại với Thiopental, có thể dùng thuốc dãn cơ Vecuronium 0.1-0.2mg/kg/liều TMC

3.4. Điều trị khác:

Sau khi khống chế được co giật cần thực hiện cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm hình ảnh CT scan, MRI sọ não để tìm và xử trí nguyên nhân.

Đảm bảo huyết động:

  • Theo dõi nhịp tim và huyết áp.

  • Nên đặt catheter tĩnh mạch trung tâm: đảm bảo truyền dịch, truyền thuốc + đo áp lực tĩnh mạch trung tâm.

  • Nếu tụt huyết áp: bồi phụ thể tích, thuốc vận mạch, đảm bảo thông khí, điều chỉnh rối loạn toan chuyển hoá nặng.

Toan chuyển hoá

  • Theo dõi khí máu động mạch.

  • Đa số toan chuyển hoá sẽ tự điều chỉnh sau khi đã kiểm soát được co giật.

  • Truyền NaHCO3 khi toan rất nặng pH < 7,15.

  • Có thể kết hợp toan hô hấp, chú ý điều chỉnh lại lưu lượng thông khí/phút.

Tăng thân nhiệt

  • Thường gặp do bản thân co giật gây ra, nguy cơ gây nặng hơn tổn thương thần kinh trung ương.

  • Cần nhanh chóng hạ thân nhiệt < 390C: chườm lạnh, thoáng gió, paracetamol 500mg/ mỗi 4-6 giờ (10-15mg/kg/4-6 giờ)

Phù não

  • Nằm đầu cao 45 độ.

  • Manitol truyền tĩnh mạch nhanh trong 30 phút 0,5- 1 g/kg cân nặng mỗi 4 – 6 giờ .

  • Methylprednisolon 40mg tiêm tĩnh mạch /6 -8 giờ. Hoặc Dexamethasone trong viêm màng não.

  • Khống chế cơn giật.

Phòng và điều trị tiêu cơ vân:

  • Truyền dịch và cho đi tiểu nhiều (100 ml/giờ) và thuốc lợi tiểu tĩnh mạch nếu thấy cần thiết.

Sơ cứu các chấn thương kèm theo: chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, gãy xương…