Điểm tin cảnh giác dược 30/04/2022

Clozapine

Thuốc điều trị tâm thần phân liệt

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA): Nguy cơ táo bón khi sử dụng clozapine

Tờ thông tin sản phẩm (PI) và thông tin thuốc cho người bệnh (CMI) của clozapin vừa cập nhật tăng cường cảnh báo về tác dụng phụ tiềm tàng trên đường tiêu hóa, bao gồm nguy cơ táo bón.

Clozapin có thể ảnh hưởng đến đường ruột do làm giảm nhu động và có thể gây táo bón nghiêm trọng. Tình trạng này được biết đến với tên gọi giảm nhu động ruột do clozapin. Nếu không điều trị có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng.

TGA nhắc nhở bệnh nhân khi sử dụng clozapin cần chú ý đến những thay đổi về chức năng của đường ruột, và trao đổi với nhân viên y tế nếu xuất hiện ít nhất 1 triệu chứng được liệt kê trong mục thông tin cho bệnh nhân dưới đây.

Thông tin cho người bệnh

Nếu bạn hoặc người được bạn chăm sóc sử dụng clozapin, nên trao đổi với nhân viên y tế ngay khi tình trạng táo tón tiến triển hoặc có bất kỳ dấu hiệu giảm nhu động của đường ruột, ví dụ:

  • Không đại tiện, đi đại tiện ít hơn bình thường, hoặc khó đại tiện

  • Buồn nôn và/hoặc nôn

  • Đầy bụng, đau bụng

  • Đau dạ dày hoặc co thắt.

Thông tin chi tiết hiện có sẵn trong CMI của clozapin. Trao đổi với nhân viên y tế nếu có câu hỏi hoặc băn khoăn về vấn đề trên.

Thông tin cho nhân viên y tế

PI của clozapin được đã cập nhật nhằm tăng cường mức độ và mở rộng cảnh báo về việc các phản ứng có hại nghiêm trọng trên đường tiêu hóa đã xảy ra. Giảm nhu động đường tiêu hóa có thể dẫn đến nhập viện, phẫu thuật và tử vong.

Các cảnh báo nhấn mạnh việc theo dõi tình trạng táo bón của bệnh nhân trước khi bắt đầu và trong thời gian sử dụng clozapin, sau đó điều trị theo hướng dẫn lâm sàng hiện hành nếu cần thiết.

Điểm tin cảnh giác dược 25/04/2022

Nhóm thuốc triptan

Thuốc điều trị đau nửa đầu (migraine)

Cơ quan an toàn thuốc và thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe): Bệnh cơ tim Takotsubo liên quan đến Triptan

Trung tâm theo dõi phản ứng có hại New Zealand (CARM) đã nhận được 1 báo cáo bệnh nhân mắc bệnh cơ tim Takotsubo liên quan đến rizatriptan. Sau một liều rizatriptan, bệnh nhân xuất hiện cảm giác nặng nề lan tỏa tại ngực. Một số báo cáo trên thế giới có sự liên quan giữa việc sử dụng triptan với TCM. Hầu hết các báo cáo này đều ở những bệnh nhân dùng sumatriptan.

Bệnh cơ tim Takotsubo (Takotsubo cardiomyopathy – TCM) là trình trạng đảo ngược cấp tính cấu trúc của thất trái, rối loạn chức năng tâm thu không liên quan đến tắc nghẽn mạch vành. TCM còn được gọi là bệnh cơ tim stress, hội chứng tim tan vỡ, bệnh cơ tim do căng thẳng hay hội chứng phình dãn đỉnh tim (apical ballooning syndrome). TCM khởi phát đột ngột và không thể lường trước. Dấu hiệu và triệu chứng của TCM giống như nhồi máu cơ tim cấp tính.

TCM là một tình trạng hiếm gặp lần đầu tiên được xác nhận vào năm 1990 tại Nhật Bản và thường phổ biến hơn ở phụ nữ và người cao tuổi. Biến cố gây căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc thể chất có thể gây ra TCM. Có báo cáo về các trường hợp hội chứng cai thuốc và sử dụng một số thuốc.

Cơ chế chính xác của TCM chưa được hiểu đầy đủ. Đề xuất có sự tham gia của trình trạng ngộ độc tim do catecholamin (catecholamine-induced cardiotoxicity) và rối loạn chức năng vi mạch.

Đau nửa đầu cấp tính có thể gây ra sự thay đổi đột ngột nồng độ catecholamin và các thuốc triptan được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu gây ra co mạch. Kết hợp của các ảnh hưởng này có thể gây ra TCM với tỷ lệ hiếm.

Biểu hiện của bệnh nhân mắc TCM giống với hội chứng vành cấp. Triệu chứng xuất hiện phổ biến nhất là đau ngực cấp tính vị trí dưới xương ức, nhưng một số bệnh nhân có thể xuất hiện khó thở hoặc ngất. Thường yêu cầu làm điện tâm đồ, xét nghiệm nồng độ troponin tim, chụp động mạch vành và đánh giá chức năng tâm thu của thất trái để chẩn đoán bệnh nhân TCM.

Bệnh nhân TCM có tiên lượng tốt. Thông thường, bệnh nhân sống sót sau đợt TCM cấp phục hồi chức năng tâm thu của thất trái trong vòng 1-4 tuần. Điều trị duy trì và giải quyết vấn đề căng thẳng về cảm xúc hoặc thể chất thường giải quyết nhanh chóng các triệu chứng trên. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể phát triển các biến chứng cấp tính như shock và suy tim cấp, yêu cầu phải điều trị chuyên sâu.

Do thiếu dữ liệu thử nghiệm lâm sàng, chưa có chế độ dùng thuốc tối ưu rõ ràng hoặc thời gian điều trị cho bệnh nhân TCM. Khi ổn định huyết động, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc thường quy cho suy tim đến khi chức năng tâm thu được hồi phục.

Dữ liệu tại New Zealand với rizatriptan và sumatriptan không liệt kê TCM là 1 biến cố bất lợi. Tuy nhiên, đã có báo cáo về bệnh mạch vành nghiêm trọng liên quan đến các thuốc triptan.

Điểm tin cảnh giác dược 18/04/2022

Nhóm thuốc đồng vận GLP-1(GLP-1 RA)

Thuốc điều trị đái tháo đường type 2

JAMA: Mối liên hệ giữa sử dụng các thuốc đồng vận GLP-1 và nguy cơ mắc các bệnh túi mật hoặc đường mật

Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã được thực hiện nhằm đánh giá mối liên hệ giữa sử dụng GLP-1 RA và nguy cơ mắc các bệnh túi mật hoặc đường mật, đồng thời khám phá các yếu tố nguy cơ liên quan đến mối liên hệ này.

Tổng quan truy xuất các nghiên cứu từ các nguồn dữ liệu bao gồm MEDLINE/PubMed, EMBASE, Web of Science, và Cochrane Library (30/6/2021), các trang web đăng ký thử nghiệm lâm sàng (10/7/2021) và danh sách tài liệu tham khảo. Không có giới hạn về ngôn ngữ. Các nghiên cứu được lựa chọn là các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) so sánh việc sử dụng GLP-1 RA với giả dược hoặc thuốc khác ở người lớn.

Hai nghiên cứu viên làm tổng quan độc lập trích xuất dữ liệu theo khuyến cáo của PRISMA và đánh giá chất lượng từng nghiên cứu bằng công cụ phân tích rủi ro thiên vị (risk-of-bias) của Cochrane Collaboration. Tỷ số nguy cơ gộp (RR) được tính toán bằng các sử dụng các mô hình tác động ngẫu nhiên hoặc cố định thích hợp. Chất lượng bằng chứng được đánh giá bằng khung GRADE. Tiêu chí chính của nghiên cứu là xuất hiện các bệnh về túi mật hoặc đường mật. Tiêu chí phụ là các bệnh mật, ung thư mật, cắt túi mật, viêm túi mật và sỏi mật. Phân tích dữ liệu được thực hiện từ 5/8/2021 đến 3/9/2021.

Kết quả

Nghiên cứu bao gồm 76 RCT với tổng cộng 103371 bệnh nhân (độ tuổi trung bình [SD] là 57,8 [6,2] tuổi, trong đó 41868 [40,5%] là phụ nữ). Theo kết quả của tất cả các thử nghiệm, sử dụng GLP-1 RA làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật hoặc đường mật (RR = 1,37; 95% CI = 1,23-1,52), bao gồm sỏi mật (RR = 1,27; 95% CI = 1,10-1,47), viêm túi mật (RR = 1,36; 95% CI = 1,14-1,62) và bệnh đường mật (RR = 1,55; 95% CI 1,08-2,22). Sử dụng GLP-1 RA cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật hoặc đường mật trong thử nghiệm về giảm cân (n = 13; RR = 2,29; 95% CI = 1,64-3,18) và đái tháo đường type 2 hoặc bệnh khác (n = 63; RR = 1,27; 95% CI = 1,14-1,43; p<0,001 giữa hai nhóm). Sử dụng GLP-1 RA liều cao (RR = 1,56; 95% CI = 1,36-1,78) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật hoặc mật so với liều thấp (RR = 0,99; 95% CI = 0,73 -1,33; p = 0,006 giữa hai nhóm). Thời gian sử dụng GLP-1 RA dài (RR = 1,40; 95% CI = 1,26-1,56) làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật hoặc mật so với thời gian ngắn hơn (RR = 0,79; 95% CI = 0,48-1,31; p = 0,03 giữa hai nhóm).

Kết luận

Nghiên cứu tổng quan hệ thống – phân tích gộp các RCT cho thấy sử dụng GLP-1 RA liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh về túi mật hoặc đường mật, đặc biệt khi sử dụng với liều cao, trong thời gian dài, và với mục đích giảm cân.

Điểm tin cảnh giác dược 16/04/2022

Thuốc cản quang chứa iod (ICM)

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA): Khuyến cáo theo dõi tuyến giáp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được tiêm thuốc cản quang chứa iod

Dựa trên đánh giá các nghiên cứu gần đây, FDA đã phê duyệt cảnh báo mới trong tờ thông tin kê đơn của tất cả các thuốc cản quang chứa iod (ICM) đường tiêm và khuyến cáo trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi cần được theo dõi tình trạng giáp trạng trong vòng 3 tuần sau khi tiêm ICM để chụp X-quang và thực hiện các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh khác. Cảnh báo mô tả nguy cơ nhược giáp hoặc giảm hormon tuyến giáp. Nguy cơ gặp vấn đề giáp trạng có tần suất từ 1% đến 15% và cao hơn ở trẻ mới sinh, đặc biệt ở trẻ sinh thiếu tháng. Các nguy cơ và khuyến cáo được áp dụng cho sản phẩm thuốc tiêm ICM đường động mạch hoặc tĩnh mạch.

Thông tin cho người chăm sóc

Phụ huynh và người chăm sóc nên thảo luận với nhân viên y tế để có thêm thông tin hoặc nếu có câu hỏi hoặc quan ngại về việc sử dụng ICM cho trẻ. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp vấn đề giáp trạng thường không thể hiện rõ ràng và có thể cần phải được nhân viên y tế theo dõi sau khi tiêm ICM.

Thông tin cho nhân viên y tế

Đối với bệnh nhi dưới 3 tuổi, nên theo dõi để phát hiện dấu hiệu nhược giáp hoặc giảm hormon tuyến giáp sau khi sử dụng ICM. Cân nhắc đánh giá chức năng tuyến giáp trong vòng 3 tuần sau khi sử dụng thuốc, đặc biệt trên trẻ mới sinh và trẻ có bệnh lý nền. Trong trường hợp phát hiện rối loạn chức năng tuyến giáp, điều trị và theo dõi chức năng tuyến giáp để tránh biến cố thiểu năng phát triển.

Một số nhóm bệnh nhi có nguy cơ cao hơn, bao gồm trẻ mới sinh và trẻ sinh nhẹ cân, trẻ sinh thiếu tháng hoặc trẻ mắc bệnh lý về tim hoặc bệnh lý khác cần được chăm sóc tích cực. Bệnh nhi mắc bệnh lý về tim có thể có nguy cơ cao nhất do thường xuyên phải sử dụng thuốc cản quang trong khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn trên tim

Điểm tin cảnh giác dược 15/04/2022

Infliximab

Thuốc ức chế TNF- α, dùng trong điều trị một số bệnh tự miễn

Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM): Trì hoãn sử dụng các loại vắc xin chứa virus sống trên trẻ sơ sinh phơi nhiễm infliximab giai đoạn thai nhi hoặc đang bú mẹ

Infliximab qua nhau thai và đã được phát hiện trong huyết thanh trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi. Sau khi phơi nhiễm thuốc trong giai đoạn thai nhi, trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm khuẩn tăng, gồm nhiễm khuẩn lan tỏa nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.

Không nên tiêm các loại vaccine chứa virus sống (như vaccine BCG) cho trẻ sơ sinh phơi nhiễm infliximab từ giai đoạn thai nhi đến 12 tháng tuổi. Nếu có lợi ích thực sự trên lâm sàng cho trẻ, cần cân nhắc tiêm vắc xin chứa vi rút sống sớm nếu nồng độ infliximab huyết thanh của trẻ sơ sinh dưới ngưỡng phát hiện, hoặc sản phụ chỉ tiêm infliximab trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Đã phát hiện infliximab nồng độ thấp trong sữa mẹ. Infliximab cũng được phát hiện trong huyết thanh trẻ sơ sinh sau khi trẻ bú mẹ. Không khuyến cáo tiêm vaccine chứa virus sống cho trẻ sơ sinh đang bú mẹ nếu người mẹ đang sử dụng infliximab, trừ khi nồng độ infliximab huyết thanh của trẻ dưới ngưỡng phát hiện.

Điểm tin cảnh giác dược 10/04/2022

Men vi sinh

NEJM: Men vi sinh có thể là nguồn nhiễm khuẩn huyết căn nguyên Lactobacillus ở trẻ em được ghép tế bào tạo máu

Việc phát hiện hệ vi sinh vật đường ruột cân bằng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn quần cư vi khuẩn đa kháng thuốc (MDRO) và bệnh ghép chống chủ (GVHD) đường ruột khiến cho liệu pháp men vi sinh trở nên hấp dẫn đối với việc điều trị cho người nhận cấy ghép. Tuy nhiên, báo cáo về nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Lactobacillus ở trẻ em đã được điều trị bằng men vi sinh sau khi cấy ghép tế bào tạo máu (HCT) cho thấy một biến chứng tiềm ẩn.

Bắt đầu từ tháng 7 năm 2018, một trung tâm HCT nhi khoa đã bắt đầu sử dụng hai sản phẩm men vi sinh có chứa 100 tỷ đơn vị hình thành khuẩn lạc hỗn hợp Streptococcus thermophilus, Bifidobacterium breve, B. lactis, Lactobacillus acidophilus, L. plantarum, L. paracasei và L. helveticus để điều trị cho bệnh nhân HCT có quần cư MDRO hoặc GVHD đường ruột. Từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2019, 6 trong số 34 bệnh nhân HCT được điều trị bằng men vi sinh ít nhất 1 ngày đã mắc nhiễm khuẩn huyết Lactobacillus (trong khi đó chỉ có 5 bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn huyết do căn nguyên nàytrong 2,5 năm trước đó). Giải trình tự toàn bộ bộ gen của các mẫu từ 5 trong số 6 bệnh nhân cho thấy chủng vi khuẩn L. paracasei phân lập từ 1 bệnh nhân có liên quan nhiều đến chủng vi khuẩn L. paracasei trong một sản phẩm men vi sinh, và L. plantarum phân lập từ 3 bệnh nhân khác có liên quan đến L. plantarum có trong cả hai sản phẩm men vi sinh.

Hạn chế của nghiên cứu là không xác định được cơ chế rõ ràng gây nhiễm khuẩn huyết, mặc dù các tác giả phỏng đoán rằng có thể liên quan đến sự xâm nhập qua các bề mặt niêm mạc ruột bị tổn thương hoặc sự nhiễm khuẩn thứ phát từ các ống thông tĩnh mạch trung tâm. Ngoài ra, không rõ lý do tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết căn nguyên Lactobacillus không tăng đáng kể trong năm đầu sử dụng men vi sinh. Tuy nhiên, phát hiện này cho thấy nên sử dụng men vi sinh một cách thận trọng ở tất cả những bệnh nhân HCT đến khi có thêm thông tin về tính an toàn của liệu pháp này.

Điểm tin cảnh giác dược 08/04/2022

Tocilizumab (TCZ)

Kháng thể đơn dòng kháng thụ thể interleukin-6 (IL-6)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Tocilizumab (TCZ) và nguy cơ thủng dạ dày

Tính đến tháng 3/2020, ghi nhận 20 bệnh nhân (so với dự kiến là 3) từ 9 quốc gia có báo cáo tình trạng thủng dạ dày liên quan đến TCZ là loại thuốc nghi ngờ theo VigiBase. Các trường hợp này xảy ra với thời gian khởi phát từ 0,5 đến 36 tháng (trung bình 5 tháng); 17/20 trường hợp (85%) được xem là nghiêm trọng, 1 trường hợp tử vong. Chỉ định (được biết ở 18 bệnh nhân) sử dụng TCZ để điều trị viêm khớp dạng thấp ở 16 bệnh nhân và viêm khớp thái dương hàm và/hoặc viêm khớp tế bào khổng lồ (GCA) ở 2 bệnh nhân. 7 bệnh nhân không rõ kết quả, 11 bệnh nhân đã hồi phục hoặc đang hồi phục (trong đó có 4 trường hợp được báo cáo thực hiện phẫu thuật) và 2 trường hợp không hồi phục (bao gồm cả trường hợp tử vong). Các yếu tố nguy cơ đã biết đối với thủng dạ dày có ở 10 bệnh nhân, bao gồm bệnh mắc kèm hoặc tiền sử rối loạn tiêu hóa, hút thuốc lá và điều trị đồng thời với methotrexat, rituximab, steroid, NSAID hoặc sử dụng kết hợp. Tỷ lệ bệnh nhân có trọng lượng cơ thể lớn nhiều hơn so với bệnh nhân trọng lượng cơ thể nhỏ.

Xem xét mức độ nghiêm trọng của phản ứng này, khuyến cáo nên theo dõi chặt chẽ bệnh nhân khi điều trị bằng TCZ, đặc biệt là các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thủng đường tiêu hóa cũng như người có trọng lượng cơ thể lớn, vì liều dùng thuốc được xác định bằng tổng trọng lượng cơ thể của bệnh nhân.

Điểm tin cảnh giác dược 04/04/2022

Thuốc chống nôn kháng dopaminergic

BMJ: Nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần đầu khi sử dụng thuốc chống nôn kháng dopaminergic

Nghiên cứu bệnh chứng được thực hiện nhằm đánh giá nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ liên quan đến sử dụng thuốc chống nôn kháng dopaminergic (antidopaminergic antiemetic- ADA). Dữ liệu nghiên cứu được trích xuất từ cơ sở dữ liệu hệ thống chi phí chăm sóc sức khỏe toàn quốc của Pháp (SNDS). Đối tượng tham gia nghiên cứu là người từ 18 tuổi, có cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ lần đầu trong khoảng thời gian từ năm 2012-2016 và có mua thuốc ADA trong vòng 70 ngày trước khi đột quỵ. Nghiên cứu so sánh tần suất mua thuốc ADA trong các khoảng thời gian nguy cơ (1-14 ngày trước khi đột quỵ) và ba khoảng thời gian đối chứng (57-70 ngày, 43-56 ngày, 29-42 ngày trước khi đột quỵ). Xu hướng dùng thuốc ADA được xác định bằng cách dùng nhóm chứng gồm 21859 người được chọn ngẫu nhiên, không có biến cố; được ghép cặp với nhóm bệnh dựa trên tuổi, giới tính và yếu tố nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Tiêu chí chính của nghiên cứu là mối liên quan giữa sử dụng thuốc ADA với nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ được đánh giá bằng cách ước tính OR phơi nhiễm của bệnh nhân đột quỵ và nhóm chứng. Phân tích được điều chỉnh để loại các yếu tố nhiễu theo thời gian (sử dụng thuốc chống đông, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc đông máu hoặc co mạch).

Kết quả

Trong 2612 bệnh nhân có cơn đột quỵ, 1250 người sử dụng thuốc ADA trong khoảng thời gian nguy cơ, và 1060 người trong khoảng thời gian đối chứng. So sánh với tổng cộng 5128 và 13165 người đã mua ADA trong các khoảng thời gian tương ứng, thu được OR hiệu chỉnh là 3,12 (95% CI, 2,85 – 3,42). Phân tích phân tầng dựa trên tuổi, giới tính và tiền sử sa sút trí tuệ cho kết quả tương tự. OR hiệu chỉnh của phân tích phân tầng theo ADA là 2,51 (2,18 – 2,88) đối với domperidon, 3,62 (3,11 – 4,23) đối với metopimazin, và 3,53 (2,62 – 4,76) đối với metoclopramid. Phân tích độ nhạy cho thấy nguy cơ cao hơn trong những ngày đầu tiên dùng thuốc.

Kết luận

Dựa trên dữ liệu chi phí y tế toàn quốc của Pháp, nghiên cứu này chỉ ra nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng có liên quan đến sử dụng thuốc ADA. Nguy cơ tăng cao nhất khi dùng metopimazin hoặc metoclopramid.

Điểm tin cảnh giác dược 02/04/2022

Vaccine Spikevax

(Vaccine COVID-19 Moderna)

Cơ quan quản lý Dước phẩm châu Âu (EMA): Cảnh báo hội chứng rò rỉ mao mạch cấp tính với vaccine Spikevax

PRAC khuyến cáo bổ sung hội chứng rò rỉ mao mạch (capillary leak syndrome-CLS) vào thông tin sản phẩm của vaccine COVID-19 Spikevax.

CLS là tình trạng cực kỳ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ra sự rò rỉ dịch từ các mạch máu nhỏ (mao mạch) dẫn tới sưng phù tay chân, tăng cân đột ngột, cảm giác sắp ngất, hạ huyết áp, máu đặc và nồng độ albumin huyết tương thấp (một loại protein quan trọng trong máu). CLS thường liên quan đến nhiễm vi rút, một số bệnh ung thư máu, viêm nhiễm hoặc một số phương pháp điều trị.

PRAC đã đánh giá tất cả dữ liệu có sẵn cũng như các trường hợp CLS được báo cáo trong Cơ sở dữ liệu về các phản ứng có hại của Châu Âu sau khi sử dụng vắc xin mARN Spikevax và Comirnaty.

Ủy ban kết luận chưa có đủ bằng chứng để xác nhận mối quan hệ nhân quả giữa hai loại vaccine này và CLS. Tuy nhiên, PRAC khuyến cáo bổ sung cảnh báo vào thông tin sản phẩm của Spikevax để nâng cao nhận thức của nhân viên y tế và bệnh nhân về nguy cơ có thể xảy ra. Khuyến cáo được đưa ra do một số trường hợp CLS cho thấy mối liên quan với Spikevax, trong khi các trường hợp báo cáo sau khi tiêm vắc xin Comirnaty không ủng hộ mối liên quan đó.

Các nhân viên y tế cần nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này, cũng như nguy cơ tái phát ở những người đã từng mắc phải. Những người được tiêm vaccine có tiền sử CLS nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi lên kế hoạch tiêm chủng.

Trong số 55 báo cáo CLS được đánh giá, 11 người được tiêm Spikevax và 44 người được tiêm Comirnaty. Tại thời điểm đánh giá, ước tính đã có 559 triệu liều Spikevax và 2 tỷ liều Comirnaty đã được sử dụng trên toàn cầu.