Điểm tin cảnh giác dược 05/07/2022

Metformin

Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường type 2

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA): Metformin và nguy cơ thiếu hụt vitamin B12

Thiếu hụt vitamin B12 là một tác dụng không mong muốn thường gặp sử dụng metformin, đặc biệt là khi sử dụng metformin liều cao hoặc kéo dài, bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ. Do đó, khuyến cáo theo dõi nồng độ vitamin B12 huyết thanh trên bệnh nhân đang được điều trị bằng metformin và có biểu hiện gợi ý thiếu vitamin B12. Ngoài ra, nên theo dõi định kỳ những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ thiếu hụt vitamin B12.

Các yếu tố nguy cơ thiếu hụt vitamin B12 rất đa dạng, bao gồm:

  • Nồng độ vitamin B12 ban đầu thấp hơn giới hạn dưới ngưỡng bình thường

  • Các tình trạng liên quan đến giảm hấp thu vitamin B12 (người cao tuổi; mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như cắt bỏ một phần/toàn bộ dạ dày, bệnh Crohn và các rối loạn viêm ruột khác; hoặc các tình trạng tự miễn)

  • Chế độ ăn kiêng có ít vitamin B12 (chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt và một số chế độ ăn chay)

  • Sử dụng đồng thời với các thuốc có khả năng giảm hấp thu vitamin B12 (thuốc ức chế bơm proton hoặc colchicin)

  • Thiếu hụt vitamin B12 di truyền, chẳng hạn như thiếu hụt yếu tố nội tại dạ dày (hội chứng Imerslund-Gräsbeck) và thiếu hụt transcobalamin II.

Khuyến cáo dành cho nhân viên y tế:

  • Metformin thường làm giảm nồng độ vitamin B12 của bệnh nhân, có khả năng dẫn đến thiếu hụt vitamin B12.

  • Liều metformin càng cao, thời gian điều trị càng dài, và người có nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng thiếu hụt vitamin B12 càng lớn.

  • Xét nghiệm nồng độ vitamin B12 huyết thanh nếu nghi ngờ có sự thiếu vitamin B12 (ví dụ, người bị bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ hoặc có bệnh lý thần kinh mới khởi phát) và tuân theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành về theo dõi và xử trí tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

  • Cân nhắc theo dõi định kỳ vitamin B12 ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ.

  • Bắt đầu điều trị tình trạng thiếu hụt vitamin B12 phù hợp theo các hướng dẫn lâm sàng hiện hành; tiếp tục điều trị bằng metformin nếu dung nạp được và không có chống chỉ định.

Khuyến cáo dành cho bệnh nhân và người chăm sóc:

  • Khi đang sử dụng metformin, hãy trao đổi với các nhân viên y tế nếu xuất hiện các triệu chứng mới hay có tình trạng xấu đi của các triệu chứng như mệt mỏi nhiều, lưỡi đỏ và đau, cảm giác kim châm, da nhợt nhạt hoặc vàng – đây có thể là các dấu hiệu của nồng độ vitamin B12 thấp.

  • Có thể cần xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng; các triệu chứng này cũng có thể do bệnh đái tháo đường hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

  • Có thể tiếp tục sử dụng metformin trong khi điều chỉnh nồng độ vitamin B12.

  • Không ngừng điều trị metformin trước khi thảo luận với bác sĩ.

Điểm tin cảnh giác dược 15/07/2022

Acenocoumarol và semaglutid

  • Acenocoumarol: thuốc chống đông kháng vitamin K
  • Semaglutid: chất đồng vận peptid giống glucagon-1 (GLP-1) dùng trong điều trị đái tháo đường type 2.

WHO: Tín hiệu tương tác thuốc giữa acenocoumarol và semaglutid

Tín hiệu sơ bộ về tương tác thuốc liên quan đến việc sử dụng đồng thời acenocoumarol và semaglutid đã được ghi nhận trong phân tích phát hiện tín hiệu tại Trung tâm Giám sát Uppsala vào tháng 10/2020.

Tám trường hợp sử dụng đồng thời hai thuốc cho thấy có sự thay đổi nồng độ thuốc chống đông máu, chỉ số INR giảm, hoặc có thể có biến chứng rối loạn đông máu. Điều này đưa tới giả thuyết semaglutid có thể làm giảm tác dụng của acenocoumarol, dẫn đến tăng nguy cơ đông máu. Khoảng thời gian kể từ khi bắt đầu điều trị bằng semaglutide đến khi phản ứng xảy ra dao động trong khoảng 1 ngày đến 1 tháng trong 7 trường hợp, phù hợp với các đặc tính dược động học của semaglutid.

Hai trường hợp cho thấy mối quan hệ thời gian của tương tác này, trong đó semaglutid được thêm vào khi bệnh nhân đang điều trị lâu dài với acenocoumarol và phản ứng xảy ra ngay sau khi bắt đầu dùng semaglutid. Một bệnh nhân đã gặp phải 2 biến cố như trên, khi tái sử dụng thuốc phản ứng tiếp tục xảy ra. Năm trường hợp có báo cáo giá trị INR, cho thấy chỉ số INR giảm rõ rệt so với khoảng điều trị.

Tương tác thuốc giữa acenocoumarol và semaglutid không được mô tả trong Tờ Thông tin Sản phẩm ở Anh cũng như trong thông tin sản phẩm của FDA của cả hai loại thuốc, nhưng các thuốc đồng vận GLP-1 khác đã mô tả ảnh hưởng khi sử dụng đồng thời thuốc kháng vitamin K warfarin.

Có ít nhất ba cơ chế có thể đóng vai trò trong tương tác giữa acenocoumarol và semaglutid:

  • Semaglutide ức chế quá trình làm rỗng dạ dày và có khả năng thay đổi tốc độ hấp thu thuốc uống, điều này có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc khi hấp thu nhanh là quan trọng. Điều này có nghĩa là sự hấp thu acenocoumarol có thể bị ảnh hưởng và tác dụng chống đông máu giảm. Semaglutide cũng gây ra các phản ứng phụ trên đường tiêu hóa, ví dụ: nôn mửa, tiêu chảy và táo bón, có thể làm giảm sự hấp thu của thuốc uống.

  • 98% acenocoumarol liên kết với protein, chủ yếu là albumin, và > 99% semaglutide liên kết với albumin huyết tương. Điều này có thể gây ra biến động về INR.

  • Semaglutide ức chế bài tiết glucagon. Tác dụng chống đông máu của acenocoumarol và warfarin có thể được tăng cường khi dùng đồng thời glucagon. Cơ chế chưa rõ, nhưng giả thuyết cho rằng glucagon có thể hiệp đồng với chất chống đông máu để ức chế gan tổng hợp các protein đông máu nhạy cảm với vitamin K, hoặc có thể làm tăng ái lực giữa warfarin và thụ thể của nó.

Semaglutid là một thuốc mới, và có thể vẫn quá sớm để khẳng định không có biến chứng nghiêm trọng nào sẽ xảy ra. Acenocoumarol có khoảng điều trị hẹp và dễ xảy ra tương tác thuốc trên lâm sàng, vì vậy mọi dấu hiệu thay đổi tác dụng của thuốc cần được xem xét kĩ, đặc biệt là bệnh nhân có nguy cơ rối loạn đông máu như bệnh nhân đái tháo đường type 2 hoặc COVID-19.

Điểm tin cảnh giác dược 18/07/2022

Nintedanib

Thuốc điều trị bệnh xơ phổi vô căn và các bệnh phổi khác.

WHO: Nintedanib và hội chứng thận hư

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) thông báo thông tin sản phẩm của nintedanib ethanesulfonat (Ofev®) cần được bổ sung nguy cơ hội chứng thận hư.

MHLW và PMDA đã xem xét các trường hợp hội chứng thận hư được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng nintedanib tại Nhật Bản và trên thế giới. Đánh giá kết quả kết luận rằng mối quan hệ nhân quả giữa thuốc và tác dụng bất lợi là hợp lý cho cả sáu trường hợp được báo cáo tại Nhật Bản.

Bác sĩ được khuyến cáo nên thực hiện các xét nghiệm protein niệu định kỳ trong suốt thời gian điều trị bằng thuốc này.

Điểm tin cảnh giác dược 18/07/2022

Efavirenz

Thuốc điều trị nhiễm HIV.

WHO: Efavirenz và triệu chứng loạn thần

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thiết bị Y tế Nhật Bản (PMDA) thông báo cần được bổ sung thông tin về efavirenz (Stocrin®) liên quan đến nguy cơ gây ra các triệu chứng loạn thần.

MHLW và PMDA đã xem xét các trường hợp có triệu chứng loạn thần ở bệnh nhân điều trị với efavirenz tại Nhật Bản và một số nước khác.

Điểm tin cảnh giác dược 28/07/2022

Thuốc chống động kinh

Thuốc điều trị các dạng động kinh, một số có thêm chỉ định điều trị các bệnh lý tâm thần

Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA): Cập nhật các biện pháp thận trọng khi sử dụng thuốc chống động kinh trên phụ nữ có thai và có khả năng mang thai

TGA đã đánh giá dữ liệu an toàn khi sử dụng thuốc điều trị động kinh trong thời kỳ mang thai tại Úc sau khi có 1 bản đánh giá tương tự tại Anh. Sau khi nhận được bản báo cáo của TGA, Hội đồng Cố vấn Y khoa (ACM) đã khuyến cáo cập nhật an toàn thuốc trong tờ thông tin sản phẩm của các thuốc phenobarbital, phenytoin, primidon và zonisamid tại Úc để cảnh báo mạnh hơn về nguy cơ khi sử dụng thuốc trong thai kỳ và phụ nữ có khả năng mang thai.

ACM nhấn mạnh rằng các thuốc chống động kinh trên có thể vẫn được chấp thuận hoặc sử dụng cho các tình trạng khác ngoài động kinh, như đau nửa đầu, rối loạn lưỡng cực, đau dây thần kinh sinh ba, lo âu và đau thần kinh.

Bản đánh giá của TGA cho thấy thông tin sản phẩm của các thuốc chống động kinh như carbamazepin, lamotrigin, levetiracetam, topiramat, gabapentin, pregabalin và clobazam đã mô tả đầy đủ rủi ro trong thai kỳ và không yêu cầu phải cập nhật.

TGA đã cập nhật những thận trọng khi sử dụng phenytoin, phenobarbital, primidon và zonisamid trong thời kỳ mang thai và phụ nữ có khả năng mang thai, nhằm nâng cao nhận thức về việc chăm sóc thiết yếu trước khi mang thai, và cung cấp thông tin sản phẩm phù hợp với các thuốc chống động kinh khác. Bác sĩ kê đơn nên cung cấp lời khuyên trước khi và trong suốt thời gian bệnh nhân điều trị với thuốc chống động kinh:

  • Không kê đơn các thuốc trên cho phụ nữ có thai trừ khi thực sự cần thiết. Lợi ích tiềm tàng phải vượt trội rủi ro ảnh hưởng tới thai nhi sau khi cân nhắc cẩn thận các lựa chọn điều trị thay thế

  • Trước khi kê đơn, cần đưa ra lời khuyên cho phụ nữ có khả năng mang thai về nguy cơ có liên quan trong thời gian mang thai và các ảnh hưởng tiềm tàng của thuốc chống động kinh lên sự phát triển của thai nhi

  • Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị với thuốc chống động kinh và 1 tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc. Đảm bảo biện pháp tránh thai sử dụng là hiệu quả và phù hợp với từng bệnh nhân.

  • Thông báo cho bệnh nhân nữ về việc xem xét lại quá trình điều trị khi có dự định sinh con.

Tham khảo tờ thông tin sản phẩm của từng thuốc để đưa ra cảnh báo và lời khuyên cụ thể.

Dữ liệu về biến cố bất lợi khi thuốc lưu hành trên thị trường Tính đến 06/05/2022, cơ sở dữ liệu về Báo cáo biến cố bất lợi của TGA đã ghi nhận tổng cộng 421 báo cáo phản ứng có hại xảy ra với trẻ sơ sinh và thai phụ liên quan tới các thuốc chống co giật, cụ thể: carbamazepin 140, levetiracetam 74, lamotrigin 63, topiramat 56, phenytoin 50, primidon 13, pregabalin 7, oxcarbazepin 5, clobazam 5, phenobarbital 4, gabapentin 3, zonisamid 1

Điểm tin cảnh giác dược 31/07/2022

Thuốc chống động kinh

Thuốc điều trị các dạng động kinh, một số có thêm chỉ định điều trị các bệnh lý tâm thần

WHO: Thuốc chống động kinh – Nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng và rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ phơi nhiễm thuốc trong thai kỳ

Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Ireland (HPRA) thông báo, tờ thông tin sản phẩm của các thuốc chống động kinh (AED) (bao gồm phenytoin, phenobarbital, carbamazepin, pregabalin và valproat) đã được cập nhật dựa trên những bằng chứng mới nhất về những rủi ro liên quan đến phơi nhiễm cho trẻ trong thai kỳ. Sử dụng một số thuốc AED trong thời kỳ mang thai có liên quan đến dị tật bẩm sinh nghiêm trọng (MCM) và rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em. Tóm tắt các thông tin đánh giá gần đây:

  • Phenytoin, phenobarbital và carbamazepin làm tăng nguy cơ gặp MCM khoảng 2-3 lần. Kết quả nghiên cứu về nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh vẫn còn mâu thuẫn, tuy nhiên không thể loại trừ nguy cơ này nếu chỉ dựa trên bằng chứng tới thời điểm hiện tại.

  • Pregabalin đơn trị liệu: dữ liệu hiện có cho thấy sử dụng thuốc trong ba tháng đầu làm tăng nguy cơ MCM so với việc không dùng pregabalin, hoặc sử dụng lamotrigin hoặc duloxetin.

  • Valproat: dữ liệu dịch tễ đã chứng minh sử dụng đơn trị liệu valproat trong thai kỳ làm tăng nguy cơ MCM khoảng 11% (4-5 lần) và 30-40% đối với nguy cơ rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em.

Khi kê đơn AED cho phụ nữ đang trong độ tuổi sinh sản, các nhân viên y tế cần xem xét và loại trừ những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến phơi nhiễm thuốc trong thai kỳ, cũng như đưa ra khuyến nghị về thời gian bắt đầu thai kỳ hợp lý, thực hiện các xét nghiệm cần thiết trong trường hợp nghi ngờ/xác nhận mang thai.

Điểm tin cảnh giác dược 30/07/2022

Methadon

Thuốc giảm đau mạn tính/thuốc thay thế cho bệnh nhân lệ thuộc opoid

WHO: Methadon và nguy cơ hạ đường huyết

Health Canada thông báo về việc thông tin an toàn của thuốc methadone sẽ được cập nhật bao gồm cả nguy cơ hạ đường huyết. Health Canada đã xem xét thông tin sẵn có từ các cơ sở dữ liệu quốc gia và quốc tế cũng như các tài liệu y văn đã công bố. Trong số 19 trường hợp hạ đường huyết ở người lớn sau khi sử dụng methadon, có 12 trường hợp có thể có mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc này và nguy cơ hạ đường huyết. Có 6 nghiên cứu báo cáo ca công bố đã được đánh giá và cho thấy có mối liên hên hệ giữa thuốc và nguy cơ hạ đường huyết.