Điểm tin cảnh giác dược 15/12/2022

Thuốc điều trị đái tháo đường thế hệ mới

Cơ quan an toàn thuốc và thiết bị Y tế New Zealand (Medsafe): Nguy cơ hạ đường huyết đối với các thuốc điều trị đái tháo đường thế hệ mới

Hạ đường huyết có khả năng xảy ra khi sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường thế hệ cũ như insulin và sulfunylurea.

Thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide 1), thuốc ức chế SGLT-2 (đồng vận chuyển natri-glucose 2) hoặc thuốc ức chế DPP-4 (dipeptidyl peptidase 4) thường không gây hạ đường huyết khi sử dụng đơn trị liệu, mặc dù đã có một vài trường hợp được ghi nhận.

Nguy cơ hạ đường huyết tăng lên khi sử dụng đồng thời các thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, thuốc ức chế SGLT-2 hoặc thuốc ức chế DPP-4 với insulin và/hoặc các sulfonylurea. Bệnh nhân được điều trị đồng thời các thuốc kể trên có thể cần sử dụng insulin hoặc sulfonylurea liều thấp hơn để phòng ngừa các đợt hạ đường huyết.

Tính đến ngày 30/9/2022, trung tâm theo dõi phản ứng có hại ở New Zealand (CARM) đã nhận được 2 báo cáo về tình trạng hạ đường huyết liên quan đến thuốc điều trị đái tháo đường thế hệ mới:

  • Vildagliptin: bệnh nhân dùng insulin bị hạ đường huyết sau khi bắt đầu điều trị bằng vildagliptin. Báo cáo cho thấy bệnh nhân đã hồi phục sau khi giảm liều insulin.

  • Empagliflozin: bệnh nhân bị hạ đường huyết sau khi tăng liều empagliflozin

Điểm tin cảnh giác dược 07/12/2022

Clonidine

Thuốc giãn mạch, điều trị tăng huyết áp, phòng ngừa chứng đau nửa đầu và các kiểu đau đầu tương tự, ngăn ngừa cơn bốc hỏa (nóng bừng mặt) ở phụ nữ thời kì mãn kinh

Medsafe: Nguy cơ co giật khi sử dụng clonidin

Medsafe nhấn mạnh nguy cơ co giật có thể xảy ra khi sử dụng clonidin nhằm mục đích khuyến khích giám sát và tích cực báo cáo phản ứng có hại của thuốc để tăng thông tin về tín hiệu an toàn thuốc đối với nguy cơ tiềm ẩn này.

Tín hiệu về an toàn thuốc đối với nguy cơ tiềm ẩn này xuất phát từ một báo cáo của CARM. Báo cáo mô tả một bệnh nhân nam 15 tuổi khởi phát cơn co giật không do động kinh và thiếu ngủ sau khi sử dụng clonidin. Có nhiều loại co giật khác nhau và mỗi loại có thể gây ra một loạt các triệu chứng khác nhau. Bao gồm cả các cơn co giật có liên quan đến điều trị với một số loại thuốc. Trong tờ thông tin sản phẩm của clonidin, co giật không được đề cập đến ở phần tác dụng không mong muốn.

Tuy nhiên có một số báo cáo đã ghi nhận xuất hiện các cơn co giật xảy ra sau khi dùng clonidin. Cơ chế gây co giật của clonidin đến nay vẫn chưa được biết đến.

Điểm tin cảnh giác dược 07/12/2022

Thuốc ức chế SGLT-2

Thuốc điều trị đái tháo đường type 2 và suy tim

Medsafe: Thuốc "flozin" (thuốc ức chế SGLT-2) - Nguy cơ nhiễm toan ceton do đái tháo đường và hoại thư Fournier

 Gia tăng nguy cơ gặp biến chứng nhiễm toan ceton do đái tháo đường (Diabetic ketoacidosis –DKA)

DKA là một phản ứng có hại được ghi nhận với tần suất hiếm gặp của các thuốc ức chế SGLT-2. Những bệnh nhân gặp biến chứng này liên quan đến thuốc ức chế SGLT-2 có thể có đường huyết ở mức bình thường hoặc chỉ tăng nhẹ (euglycemia DKA). Khi có các dấu hiệu và triệu chứng của DKA, bệnh nhân nên liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức bất kể mức đường huyết của họ là bao nhiêu. Các triệu chứng có thể bao gồm buồn nôn, nôn, khát nhiều, đau bụng và khó thở.

Nếu nghi ngờ gặp DKA, cần ngừng sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 và tuân thủ phác đồ điều trị DKA. Trường hợp bệnh nhân gặp DKA trong khi dùng thuốc ức chế SGLT-2, không tái sử dụng thuốc trừ khi xác định rõ ràng và giải quyết được yếu tố có khả năng gây phản ứng có hại khác.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ DKA ở bệnh nhân dùng thuốc ức chế SGLT-2 bao gồm chế độ ăn với hàm lượng carbohydrat thấp, mất nước, bệnh cấp tính, phẫu thuật, thiếu hụt insulin do bất kỳ nguyên nhân nào, giảm lượng calo hoặc tăng nhu cầu insulin.

Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế SGLT-2 và có các yếu tố nguy cơ mắc DKA, cần theo dõi chặt chẽ và cân nhắc tạm thời ngừng sử dụng thuốc này. Cân nhắc theo dõi nồng độ ceton huyết, ngay cả khi đã ngừng sử dụng và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị.

Với những bệnh nhân có thực hiện các phẫu thuật lớn/dài cần ngừng điều trị các thuốc ức chế SGLT-2. Trong thời gian đó, bệnh nhân có thể cần tăng liều các thuốc hạ đường huyết khác, kết hợp với theo dõi nồng độ ceton huyết và chỉ bắt đầu điều trị lại bằng thuốc ức chế SGLT-2 khi các giá trị nồng độ ceton trở về ngưỡng bình thường và tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Tính đến ngày 30/9/2022, CARM đã nhận được tổng cộng 24 báo cáo về DKA với empagliflozin. Trong số này, 22 báo cáo về empagliflozin và 2 báo cáo về empagliflozin + metformin. Các báo cáo chỉ ra rằng DKA có thể xảy ra tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị. Euglycemia DKA đã được báo cáo trong một số trường hợp.

 Nguy cơ hoại thư Fournier (Fournier’s gangrene – FG)

FG là tình trạng nhiễm trùng tiến triển nhanh chóng ở các mô mềm sâu, ảnh hưởng đến các mô vùng đáy chậu, quanh hậu môn hoặc bộ phận sinh dục, còn được gọi là "viêm cân mạc hoại tử vùng đáy chậu và cơ quan sinh dục".

Thuốc ức chế SGLT-2 làm hạ glucose máu bằng cách ức chế tái hấp thu glucose ở ống thận. Tăng glucose niệu sau đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu.

Trường hợp vệ sinh vùng sinh dục và hậu môn không đảm bảo sạch, sự tồn tại của vi khuẩn tại đây cùng với hàm lượng glucose cao trong nước tiểu, có thể là yếu tố thúc đẩy cả nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn tại các vị trí này. Nếu không được điều trị thích hợp, vi khuẩn có thể xâm nhập gây nhiễm khuẩn ở các vị trí sâu hơn thông qua việc phá vỡ hàng rào niêm mạc hoặc vết rạn nứt trên da. Nhiễm khuẩn sâu ở các mô mềm này sau đó có thể tiến triển thành FG.

FG thường hay gặp nam giới, nhưng đã có một số trường hợp được ghi nhận ở nữ giới. Bệnh nhân có các bệnh mắc kèm ảnh hưởng đến miễn dịch hoặc bệnh lý vi tuần hoàn có nguy cơ gặp FG cao hơn. Bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng tăng nguy cơ mắc FG, trong số các trường hợp FG có tới 60% bệnh nhân mắc đái tháo đường.

FG cũng đã được ghi nhận khi sử dụng thuốc ức chế SGLT-2. Bệnh nhân điều trị bằng thuốc ức chế SGLT-2 có biểu hiện đau hoặc nhạy cảm, ban đỏ, sưng tấy ở vùng sinh dục hoặc vùng đáy chậu, có sốt hoặc khó chịu cần được nhanh chóng đánh giá có liên quan đến FG hay không. Ngừng điều trị thuốc ức chế SGLT-2 ngay lập tức nếu nghi ngờ mắc FG.

Khuyến cáo các bệnh nhân nên thường xuyên chăm sóc, vệ sinh và kiểm tra vùng sinh dục để phát hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng của FG. Liên hệ với nhân viên y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Ngoài ra, cần cân nhắc quản lý các yếu tố nguy cơ gây FG khác, ví dụ như hút thuốc và béo phì cũng như kiểm soát bệnh đái tháo đường.

Tính đến 30/9/2022, CARM đã nhận được tổng cộng 6 báo cáo về chứng hoại thư Fournier với empagliflozin. Trong số các báo cáo này, 4 ở nam và 2 ở nữ.

Điểm tin cảnh giác dược 06/12/2022

Các thuốc có thể gây viêm đại tràng vi thể

Medsafe: Viêm đại tràng vi thể – có thể do thuốc gây ra?

Viêm đại tràng vi thể là một bệnh viêm đại tràng gây tiêu chảy mãn tính, phân toàn nước, không lẫn máu. Số lần tiêu chảy từ 4 đến 9 lần mỗi ngày, một số ít trường hợp có thể vượt quá 15 lần.

Mặc dù cơ chế, nguyên nhân của viêm đại tràng vi thể chưa được hiểu rõ, có thể là do nhiều yếu tố. Một số nguyên nhân đã được xác định có thể gây bệnh lý này bao gồm thuốc, thuốc lá và bệnh tự miễn. Có bằng chứng cho thấy phản ứng miễn dịch ở niêm mạc xảy ra ở những người dễ mắc bệnh di truyền và có thể góp phần vào gây ra viêm đại tràng vi thể. Tiêu chảy do viêm đại tràng vi thể là hậu quả của viêm niêm mạc. Viêm đại tràng vi thể chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và được xem là có thể gây ra bệnh tiêu chảy mãn tính, đặc biệt là ở người trung niên và người lớn tuổi

Viêm đại tràng vi thể gồm 2 dạng, được phân loại dựa trên các đặc điểm mô bệnh học:

  • Viêm đại tràng collagen (collagenous colitis): Có một lớp protein dày (collagen) phát triển trong mô đại tràng, được chẩn đoán khi quan sát thấy tình trạng dày dải collagen ở lớp dưới biểu mô.

  • Viêm đại tràng lympho (lymphocytic colitis): Các tế bào bạch cầu (tế bào lympho) gia tăng trong mô đại tràng, chẩn đoán dựa vào tình trạng tăng lan tỏa tế bào lympho trong lớp biểu mô (>20 tế bào lympho /100 tế bào biểu mô).

Tiêu chảy, kết quả soi đại tràng bình thường và các bất thường vi thể ở đại tràng là đặc điểm của cả hai dạng. Sinh thiết để chẩn đoán xác định.

Các thuốc có liên quan đến viêm đại tràng vi thể được liệt kê dưới đây (không đầy đủ):

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): ibuprofen, diclofenac

  • Thuốc ức chế bơm proton: lansoprazol, omeprazol

  • Thuốc kháng histamin H2: ranitidin, famotidin

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc: sertralin, citalopram

  • Clozapin

  • Aspirin

  • Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: pembrolizumab

  • Statins: simvastatin, atorvastatin

Sử dụng đồng thời thuốc ức chế bơm proton và NSAID có thể làm tăng nguy cơ viêm đại tràng vi thể. Các loại thuốc liên quan đến viêm đại tràng vi thể cũng có liên quan đến tiêu chảy như một tác dụng không mong muốn. Nhân viên y tế nên xem xét các loại thuốc này có thể là nguyên nhân gây viêm đại tràng vi thể.

Điểm tin cảnh giác dược 04/12/2022

Spikevax®

  • Vaccine COVID-19 Moderna

WHO: Vaccine COVID-19 Moderna và nguy cơ tái phát hội chứng rò mao mạch (capillary leak syndrome - CLS), nổi mày đay cấp tính và muộn

Cơ quan quản lý dược phẩm Úc (TGA) đã cập nhật thông tin sản phẩm cho vaccine COVID-19 Moderna (elasomeran, Spikevax®) về các cảnh báo nguy cơ tái phát hội chứng rò mao mạch, mày đay cấp tính và muộn. CLS là một tình trạng hiếm nhưng nghiêm trọng, gây ra sự rò rỉ dịch từ các mao mạch vào các mô xung quanh. Người có tiền sử rò mao mạch có nguy cơ tái phát cao. Tuy nhiên, người ta không hiểu rõ cơ chế của nguy cơ này.

Một số trường hợp tái phát CLS đã được báo cáo trong những ngày đầu tiên sau khi tiêm vaccine COVID-19 Moderna.

Ngoài ra, nổi mề đay cấp tính và muộn cũng được thêm vào như các tác dụng phụ trong thông tin sản phẩm như các phản ứng có hại trên da hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm chủng

Điểm tin cảnh giác dược 03/12/2022

Thuốc tránh thai nội tiết

WHO: Thuốc tránh thai nội tiết và nguy cơ gặp các rối loạn trầm cảm

Cơ quan quản lý sản phẩm y tế Ireland (HPRA) đã thông báo nguy cơ gặp các rối loạn trầm cảm trên tờ thông tin sản phẩm của thuốc tránh thai nội tiết (cả dạng phối hợp và dạng chỉ chứa progesterone) được nhấn mạnh thành trầm cảm là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi tự sát.

HPRA đã thông báo nguy cơ gặp các rối loạn trầm cảm trên tờ thông tin sản phẩm của thuốc tránh thai nội tiết (cả dạng phối hợp và dạng chỉ chứa progesterone) được nhấn mạnh thành trầm cảm là một yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi tự sát. Bản cập nhật được thực hiện sau khi Uỷ ban đánh giá nguy cơ Cảnh giác dược (PRAC) và cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) xem xét dữ liệu có sẵn.

Phụ nữ được kê đơn thuốc tránh thai nội tiết nên liên hệ với bác sĩ khi có thay đổi tâm trạng và triệu chứng trầm cảm

Điểm tin cảnh giác dược 02/12/2022

Iopamidol, iohexol và iomeprol

Thuốc cản quang có chứa iod được sử dụng trong chụp X-quang

WHO: Nguy cơ hội chứng mạch vành cấp tính kèm theo phản ứng dị ứng liên quan đến các thuốc iopamidol, iohexol, iomeprol

Bộ Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) và Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thiết bị y tế Nhật Bản (PMDA) đã thông báo nên cập nhật nguy cơ xảy ra hội chứng mạch vành cấp tính kèm theo phản ứng dị ứng vào tờ thông tin sản phẩm của các thuốc iopamidol, iohexol và iomeprol.

Báo cáo cho thấy các trường hợp hội chứng mạch vành cấp tính xuất hiện kèm phản ứng dị ứng khi sử dụng thuốc cản quang chứa iod. Phát hiện mối quan hệ nhân quả giữa thuốc cản quang chứa iod và hội chứng mạch vành cấp khi sử dụng các thuốc iopamidol (2/14 ca) iohexol (4/6 ca), và iomeprol (2/2 ca). Không có ca nào được báo cáo khi sử dụng các loại thuốc cản quang chứa iod khác như amidotrizoate, iotroxate and iodixanol. Ngoài ra, không có bằng chứng nào chứng minh ảnh hưởng của hiệu ứng lớp (class effect) đối với thuốc cản quang có chứa iod. Từ đó kết luận hội chứng mạch vành cấp tính là một phản ứng có hại có ý nghĩa lâm sàng của các thuốc iopamidol, iohexol và iomeprol.