Điểm tin cảnh giác dược 08/06/2023

Fluoroquinolon

Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP): Báo cáo chi tiết về việc sử dụng fluoroquinolon ở trẻ em

Fluoroquinolon là nhóm kháng sinh được sử dụng tại chỗ hoặc toàn thân để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Các fluoroquinolon thường gặp được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt bao gồm:

bccd1.png

Các quan ngại khi sử dụng fluoroquinolone ở trẻ em:

• Nghiên cứu trên động vật non (chó con): độc tính trên khớp dẫn đến tổn thương sụn, gây ra lo ngại về độc tính tương tự ở trẻ em.

• Nghiên cứu trên trẻ em: gia tăng bệnh khớp ngắn hạn tự khỏi sau khi ngừng fluoroquinolon, nhưng không cho thấy gia tăng phản ứng có hại (ADR) lâu dài trên cơ xương khớp so với các kháng sinh khác. ADR đứt gân Achilles – gặp ở người lớn mắc bệnh mãn tính dùng fluoroquinolone – nhưng chưa được báo cáo ở trẻ em.

• Fluoroquinolon cũng liên quan đến tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển kháng thuốc và tiêu chảy do Clostridium difficile.

Các chỉ định lâm sàng của fluoroquinolon có thể được xem xét ở trẻ em:

Fluoroquinolon không được chỉ định là liệu pháp toàn thân đầu tay ở trẻ em. Lợi ích của fluoroquinolon (ví dụ: phổ tác dụng rộng và sinh khả dụng đường uống cao) và ADR tiềm tàng phải được xem xét tại thời điểm kê đơn.

• Levofloxacin: cân nhắc trong nhiễm trùng đường hô hấp trên và dưới khi bệnh nhân có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với các thuốc khác (ví dụ amoxicillin) hoặc vi khuẩn kháng với các thuốc khác.

• Ciprofloxacin: cân nhắc trong nhiễm trùng đường tiêu hóa do Salmonella hoặc Shigella nếu vi khuẩn kháng với các thuốc khác hoặc đường uống được ưu tiên

• Nhiễm trùng đường tiết niệu có biến chứng hoặc viêm bể thận do vi khuẩn Gram âm đa kháng thuốc: chỉ định fluoroquinolone cho trẻ > 1 tuổi khi các thuốc khác không dùng được (đề kháng hoặc tiền sử dị ứng).

Fluoroquinolon tại chỗ đã được phê duyệt để điều trị viêm kết mạc và viêm tai ngoài do vi khuẩn; fluoroquinolon tại chỗ nhìn chung an toàn và dung nạp tốt.

Điểm tin cảnh giác dược 27/06/2023

Febuxostat

Cơ quan Quản lý Y tế Anh (MHRA): Cập nhật khuyến cáo về sử dụng febuxostat cho bệnh nhân có tiền sử bệnh lý tim mạch nghiêm trọng

Febuxostat, với liều 80 mg và 120 mg, được chỉ định điều trị tăng acid uric máu mạn tính trong tình trạng có lắng đọng urat (bao gồm tiền sử hoặc hiện tại có hạt tophi hoặc viêm khớp do gout).

Bệnh gout là một loại viêm khớp gây ra bởi các tinh thể urat monosodium hình thành bên trong và xung quanh khớp, gây ra những cơn đau dữ dội, nóng và sưng đột ngột. Bệnh gout có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch.

Vào tháng 7/2019, MHRA khuyến cáo nhân viên y tế tránh điều trị bằng febuxostat ở bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch nghiêm trọng (ví dụ: nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc đau thắt ngực không ổn định), trừ khi không có lựa chọn điều trị khác phù hợp. Khuyến cáo được đưa ra sau thử nghiệm lâm sàng pha 4 (nghiên cứu CARES) ở các bệnh nhân mắc bệnh gout và có tiền sử bệnh tim mạch nặng. CARES cho thấy febuxostat làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân so với allopurinol.

Vào năm 2020, một thử nghiệm khác, FAST, thực hiện trên bệnh nhân Gout có ít nhất một yếu tố nguy cơ tim mạch và đã được điều trị tối ưu hóa bằng allopurinol. Khác với nghiên cứu CARES, FAST cho thấy dùng febuxostat lâu dài không liên quan đến tăng nguy cơ tử vong hoặc tử vong do tim mạch so với allopurinol. Sau khi xem xét kết quả nghiên cứu FAST, thông tin sản phẩm febuxostat vẫn giữ nguyên cảnh báo về các rối loạn tim mạch. Cụ thể, nhân viên y tế cần:

Thận trọng khi sử dụng febuxostat ở bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng, đặc biệt với người có nồng độ tinh thể urat cao và có hạt tophi hoặc người bắt đầu điều trị hạ urat

• Chỉnh liều febuxostat sau khi bắt đầu dùng febuxostat để giảm thiểu các cơn bùng phát và viêm nhiễm do gout

Lưu ý: các hướng dẫn lâm sàng về bệnh gout (VD: hướng dẫn NICE 2019) khuyến cáo rằng nên sử dụng allopurinol như phương pháp điều trị đầu tay cho những người mắc bệnh gout kèm bệnh tim mạch nghiêm trọng.

Điểm tin cảnh giác dược 19/06/2023

Thuốc kháng viêm không steroid

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM): Thuốc chống viêm không steroid và các biến chứng nhiễm trùng nặng

Vào tháng 03/2023, Pháp đã ghi nhận các biến chứng nhiễm trùng, một số dẫn tới tử vong ở người lớn và trẻ em sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) kê đơn hoặc không kê đơn. Các biến chứng nhiễm trùng này có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng kèm kháng sinh.

Các NSAID (VD: ibuprofen, ketoprofen) được sử dụng phổ biến để giảm đau hoặc hạ sốt ở người lớn và trẻ em. NSAID có thể làm “lu mờ” các triệu chứng sốt hoặc đau, gây ra chậm trễ trong chẩn đoán, xử trí; và từ đó dẫn đến nguy cơ gặp biến chứng nặng do nhiễm trùng.

Trong bối cảnh bùng phát nhiễm trùng do liên cầu nhóm A, ANSM nhắc lại các quy tắc sử dụng NSAID hợp lý.

Thông tin dành cho bệnh nhân và nhân viên y tế

• Ưu tiên paracetamol (thuốc giảm đau hạ sốt không có tác dụng chống viêm) trong trường hợp đau và/hoặc sốt, nhất là trong các nhiễm trùng thông thường như viêm họng, viêm mũi họng, ho, viêm phổi, viêm tai, nhiễm khuẩn răng miệng, tổn thương da hoặc thủy đậu.

• Khi dùng NSAID trong đau hoặc sốt, cần lưu ý:

 Kê đơn NSAID ở liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể được (3 ngày với sốt, 5 ngày với đau)

 Ngừng thuốc ngay khi hết triệu chứng

 Không dùng đồng thời với NSAID khác

 Tránh sử dụng NSAID khi bị thuỷ đậu

• Phụ huynh không cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ của trẻ dưới 38,5°C. Có thể hạ nhiệt độ cho trẻ bằng các phương pháp đơn giản trước khi cân nhắc dùng thuốc hạ sốt: mặc quần áo mỏng (không được cởi hết quần áo của trẻ), để trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát (nhiệt độ từ 18 đến 20°C). Cho trẻ uống nước thường xuyên.

• Trong trường hợp cần điều trị NSAID kéo dài (VD: bệnh khớp), bệnh nhân không nên tự ý dừng thuốc và cần liên hệ với bác sỹ khi có bất cứ nghi ngờ gì, đặc biệt là trong trường hợp bị sốt.

• Tất cả các NSAID chống chỉ định ở phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên, thận trọng ở phụ nữ mang thai dưới 6 tháng

Điểm tin cảnh giác dược 18/06/2023

Metformin

Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM): Nhiễm toan lactic và metformin - nguy cơ có thể tránh được

Nhiễm toan lactic là phản ứng có hại của metformin và có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời. Metformin đào thải qua thận nên nguy cơ nhiễm toan lactic tăng lên khi chức năng thận bệnh nhân suy giảm. Các dấu hiệu lâm sàng gợi ý tình trạng nhiễm toan lactic ở bệnh nhân: nôn nhiều lần, đau bụng, chuột rút và đau cơ lan tỏa, cảm giác khó chịu và mệt mỏi nhiều, khó thở, hạ thân nhiệt và giảm nhịp tim.

Một số biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm toan lactic:

• Theo dõi chức năng thận và điều chỉnh liều metformin phù hợp với chức năng thận.

• Đánh giá nguy cơ giảm chức năng thận (VD: sử dụng thuốc gây độc thận) và/hoặc nguy cơ giảm thể tích dịch, do có thể tăng nguy cơ nhiễm toan lactic.

• Ngưng metformin và tăng cường theo dõi chức năng thận khi tiêm thuốc cản quang chứa iod, cần đảm bảo cơ thể người bệnh đủ dịch.

• Tạm thời ngưng metformin khi có tình trạng mất nước cấp tính (tiêu chảy, nôn mửa dữ dội, sốt, giảm lượng dịch cung cấp) và dùng lại metformin khi tình trạng mất nước được giải quyết và không kèm theo suy giảm chức năng thận.

• Tuân thủ các chống chỉ định của metformin ở bệnh nhân:

 Có bất kỳ tình trạng nhiễm toan chuyển hóa cấp tính nào (nhiễm toan lactic, nhiễm toan ceton đái tháo đường)

 Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <30 mL/phút)

 Tiền hôn mê do đái tháo đường

 Các tình trạng cấp tính có khả năng làm thay đổi chức năng thận như: mất nước, nhiễm trùng nặng, sốc;

 Mắc bệnh cấp tính hoặc bệnh mạn tính có tình trạng mất bù của như: nhồi máu cơ tim gần đây, suy tim mất bù, suy hô hấp, sốc;

 Suy tế bào gan, ngộ độc rượu cấp tính, nghiện rượu.

• Lưu ý về nguy cơ xảy ra tương tác thuốc giữa metformin với:

 Thuốc cản quang có chứa iod: không khuyến cáo dùng đồng thời do có thể gây suy giảm chức năng thận thoáng qua hoặc làm nặng thêm tình trạng suy thận đã có từ trước: ngưng metformin trước hoặc tại thời điểm chẩn đoán hình ảnh. Chỉ dùng lại metformin sau ít nhất 48 giờ với điều kiện chức năng thận đã ổn định. Trước và sau khi chụp, cần bù nhiều nước (uống ít nhất 2 lít nước) hoặc tiêm tĩnh mạch trong trường hợp giảm thể tích tuần hoàn (VD: đái tháo đường kiểm soát kém hoặc glucose niệu do thuốc lợi tiểu thẩm thấu).

 Một số thuốc có khả năng làm thay đổi chức năng thận: thuốc hạ huyết áp (thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II), thuốc lợi tiểu, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), kháng sinh nhóm sulfonamid và aminosid. Khi các thuốc này được sử dụng đồng thời với metformin, nồng độ metformin trong huyết tương có thể tăng lên và có thể cần phải hiệu chỉnh liều metformin để giảm nguy cơ nhiễm toan lactic.

Công văn 188/TTT ban hành ngày 14/04/2023 của DI & ADR Quốc gia

Cefoxitin

Vào ngày 20/06/2023, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc chứa cefoxitin an toàn, hiệu quả tại các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh

Thông tin chi tiết xin tham khảo công văn 188/TTT ban hành ngày 14/04/2023 của Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI & ADR Quốc gia) về thông tin liên quan đến thuốc chứa cefoxitin