1. Quinin

Sử dụng thận trọng Quinin trên bệnh nhân: - Tình trạng có thể dẫn đến kéo dài khoảng QT như bệnh lý tiền tim mạch hoặc rối loạn điện giải. - Dùng cùng các thuốc có thể kéo dài khoảng QT. - Block nhĩ thất.

Theo dõi bệnh nhân chặt chẽ nếu dùng quinin cùng phenobarbital hoặc carbamazepine vì nồng độ trong huyết thanh của các thuốc chống co giật có thể tăng và có thể gây ra độc tính của thuốc chống co giật.

2. Các chế phẩm chứa codein

TGA khuyến cáo: Các chế phẩm chứa codein không được sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi hoặc những trẻ từ 12-18 tuổi có phẫu thuật amiđan hoặc vòm họng gần đây.

Không nên sử dụng codein cho phụ nữ cho con bú hoặc những bệnh nhân có chuyển hóa siêu nhanh.

3. Semenax capsules (epidmedium+oxit kẽm+…)

TGA khuyến cáo không nên sử dụng Semenax capsules do chế phẩm này có chứa Yohimbine là hoạt chất không được ghi nhãn và nơi sản xuất chế phẩm này cũng chưa được TGA chấp thuận.

4. Truvada (emtricitabine và tenofovir)

ANSM: Truvada được chỉ định từ năm 2005 trong điều trị nhiễm HIV ở người lớn. Ngày 01/03/2017, Truvada được cấp phép cho chỉ định dự phòng phơi nhiễm sớm trên người lớn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.

5. Thuốc phối hợp LABA (chất chủ vận beta tác dụng kéo dài) và ICS (corticosteroid dạng hít)

Ngày 20/12/2017, FDA thông báo loại bỏ cảnh báo nguy cơ tử vong liên quan đến hen trong mục cảnh báo trên nhãn thuốc phối hợp chất chủ vận beta tác dụng kéo dài (long-acting beta agonists – LABAs) và các corticosteroid dạng hít (inhaled corticosteroids – ICS) Cuộc rà soát 4 thử nghiệm độ an toàn lớn do FDA thực hiện đã chỉ ra rằng phối hợp điều trị LABA và ICS không gây ra các tác dụng phụ liên quan đến hen nặng hơn so với điều trị bằng ICS đơn độc. Phần mô tả 4 thử nghiệm cũng được đưa vào mục cảnh báo và thận trọng trong nhãn thuốc. Các thử nghiệm này cho thấy phối hợp LABA với ICS không làm tăng có ý nghĩa nguy cơ nhập viện liên quan tới hen, cần hỗ trợ thông khí phổi bằng đặt nội khí quản, hoặc tử vong liên quan đến hen so với dùng ICS đơn độc.

6. Thuốc gây mê và thuốc an thần

Health Canada vừa thực hiện 2 cuộc rà soát để đánh giá nguy cơ tiềm tàng tác dụng bất lợi trên sự phát triển não của trẻ em khi các thuốc gây mê, thuốc an thần được dùng trong giai đoạn phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Cuộc rà soát thứ nhất về độ an toàn các thuốc Diprivan (propofol), Ketalar (ketamine), Sevorane (sevoflurane), Suprane (desflurane) and Forane/Isoflurane USP (isoflurane) cho thấy việc dùng nhắc lại hoặc kéo dài các thuốc này (>3 giờ) trong giai đoạn phụ nữ mang thai hoặc ở trẻ từ ≤3 tuổi có thể dẫn tới các tác dụng bất lợi trên sự phát triển não của trẻ, như trí thông minh và khả năng học hỏi, và các vấn đề vận động và giao tiếp. Cuộc rà soát thứ 2 về các benzodiazepine (Ativan [lorazepam] và midazolam) và barbiturates (phenobarbital và thiopental) cho thấy có sự giới hạn về bằng chứng để chỉ ra mối liên quan giữa việc dùng thuốc trong giai đoạn phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ với các tác dụng bất lợi lên sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý nhiều thuốc an thần thường được phối hợp với thuốc gây mê đường tĩnh mạch hoặc đường hít, việc phối hợp này có thể gây ra nguy cơ tác dụng bất lợi liên quan đến chức năng của não.

Hiện tại, thông tin về an toàn các chế phẩm Ativan (lorazepam), midazolam, Diprivan (propofol) và Ketalar (ketamine) cảnh báo không nên sử dụng các thuốc này cho phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, thông tin về an toàn các chế phẩm phenobarbital, Sevorane (sevoflurane), Suprane (desflurane) và Forane/Isoflurane USP (isoflurane) cảnh báo chỉ nên sử dụng các thuốc này trong giai đoạn mang thai nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Việc giới hạn dùng cho trẻ em giữa các chế phẩm rất khác nhau. Ngoài ra, hiện thiopental không được lưu hành tại Canada.

7. Mifepriston phối hợp với Misoprostol

Ngày 07/12/2017, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 20534/QLD-ĐK về việc cập nhật thông tin về sử dụng Mifepriston phối hợp với Misoprostol để phá thai. Theo đó, thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc phải được cập nhật, bổ sung về chỉ định, liều dùng, và cách dùng đối với chỉ định phá thai và chống chỉ định phải được bổ sung đầy đủ theo:" Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản" ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT ngày 29/07/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế". Mục cảnh báo và thận trọng phải bổ sung thông tin cảnh báo " Việc tự sử dụng thuốc để phá thai có thể nguy hiểm đến tính mạng, đề nghị tuân thủ hướng dẫn của Bác sỹ điều trị và hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được quy định tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/07/2016 của Bộ Trưởng Bộ Y tế".

8. Amoxicilin và Sulbactam

ại Việt Nam, phối hợp Amoxicilin/Sulbactam được sử dụng tương đối phổ biến. Trung tâm DI&ADR Quốc gia ghi nhận 457 báo cáo liên quan đến phối hợp Amoxicilin/Sulbactam từ năm 2012 đến tháng 10/2017. Các phản ứng được mô tả chủ yếu liên quan đến dị ứng thuốc, đáng chú ý, tỷ lệ báo cáo phản vệ tương đối lớn (20,1%). Trong khi đó, thông tin về hiệu quả của phối hợp Amoxicilin/Sulbactam trong y văn tương đối hạn chế. Các cơ sở dữ liệu về thông tin thuốc Dược thư Quốc gia Anh, AHFS Drug Information, Martindale: The complete Drug Reference, Micromedex đều không có chuyên luận về phối hợp này. Ngoài phân tích meta gồm 30 thử nghiệm lâm sàng bằng tiếng Tây Ban Nha không truy xuất được, chỉ tìm được toàn văn của 5 thử nghiệm lâm sàng liên quan đến thuốc này bằng tiếng Anh. Nhìn chung, số lượng thử nghiệm lâm sàng về phối hợp Amoxicilin/Sulbactam còn hạn chế và chỉ được thực hiện trên một số chỉ định nhất định. Ngoài ra, số lượng bệnh nhân trong đa số các nghiên cứu còn nhỏ, một số nghiên cứu chưa được thiết kế tốt để cung cấp đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của thuốc. Trên cơ sở đó, Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã có công văn kiến nghị Cục Quản lý Dược rà soát lại toàn bộ dữ liệu về hiệu quả và độ an toàn, từ đó cân bằng nguy cơ-lợi ích của các thuốc có chứa phối hợp Amoxicilin/Sulbactam trên thị trường Việt Nam. Để tăng cường an toàn trên bệnh nhân, cán bộ y tế nên thận trọng với nguy cơ phản vệ khi sử dụng thuốc này trước khi có các hướng dẫn và quyết định cụ thể từ Cơ quan quản lý của Bộ Y tế.