Thân nhân Bệnh nhân : 12. Bệnh sốt rét

 

SỐT RÉT

(Malaria)

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Hiểu được khái niệm sốt rét; phân biệt được muỗi Anopheles gây bệnh sốt rét và muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.

2.      Biết được cách lây lan, đối tượng nguy cơ, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh.

3.      Thực hành được phòng tránh bệnh sốt rét.

 

Sốt rét là bệnh ký sinh trùng quan trọng nhất ở người, bệnh lan truyền ở 108 quốc gia (chủ yếu ở châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương), ảnh hưởng hơn 3.3 tỷ người và gây 0.5 – 1 triệu trường hợp tử vong hằng năm.

Theo tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có từ 350 triệu người đến 500 triệu người mắc và hơn 1 triệu người chết do sốt rét (trong đó đa số là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước châu Phi).

Ở Việt Nam, bệnh sốt rét được xếp là bệnh hàng đầu về cả số mắc và số chết trong thập niên 1990.

1.   Sốt rét là gì?

Bệnh sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra và truyền từ người bệnh sang người lành qua muỗi Anopheles.

Phân biệt muỗi vằn (gây bệnh Sốt xuất huyết) và muỗi Anopheles (gây bệnh Sốt rét):

Muỗi vằn thường xuất hiện trong mùa mưa lũ với tốc độ sinh sản rất nhanh. Đặc điểm của muỗi vằn là có màu đen, bụng có các vằn ngang nhỏ. Muỗi vằn thường đốt vào lúc bình minh và hoàng hôn. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, vàng da và zika.

 

          Muỗi anopheles thường sinh sản tại vùng nước ngọt. Đặc điểm muỗi anopheles là có bụng nhỏ và trên cánh muỗi có vẩy đen trắng. Muỗi anopheles thường hoạt động vào buổi tối, sau khi mặt trời lặn và muỗi anopheles truyền bệnh sốt rét.

1.   Bệnh sốt rét lây lan như thế nào?

Chu trình lây bệnh của Muỗi:

1. Muỗi Anopheles cái đốt người, tiêm ký sinh trùng vào da.

2. Ký sinh trùng chui qua mạch máu để lưu thông trong máu đến gan, sinh nôi nảy nở ở gan.

3. Khi một tế bào gan bị vỡ, ký sinh trùng thoát ra, xâm nhập tế bào hồng cầu và tiếp tục sinh sôi nảy nở ở đấy.

4. Khi một tế bào hồng cầu bị vỡ, ký sinh trùng thoát ra và tiếp tục xâm nhập vào các tế bào hồng cầu khác.

5. Chu kỳ xâm nhập vào hồng cầu, rồi hồng cầu bị vỡ cứ tiếp diễn liên tục. Mỗi khi hồng cầu vỡ, thường thì người bệnh có những triệu chứng sốt.

Hoạt động sinh thái của Muỗi:

1. Đặc tính hút máu:

-       Muỗi cái hút máu người để phát triển trứng, muỗi đực hút nhựa cây.

-       Thích hút máu người là một yếu tố để muỗi trở thành vật trung gian truyền bệnh sốt rét.

-       Muỗi hút máu no mới bay đi; nếu chưa no, muỗi còn quanh quẩn tìm mồi đốt, có khi đốt từ 10 đến 20 lần. Vì vậy, một con muỗi mang ký sinh trùng có thể truyền sốt rét sang nhiều người.

-       Muỗi tìm mồi người chủ yếu dựa vào hơi người, khí CO2 của người thải ra. Nơi đông người và thời tiết nóng càng hấp dẫn muỗi đến.

2. Thời gian hoạt động của muỗi:

-       Muỗi có thể đốt người trong nhà hoặc đốt người ngoài trời.

-       Hoạt động của muỗi (giao hợp, đi đẻ, tìm mồi hút máu) xảy ra từ chập tối đến sáng.

-       Phần lớn muỗi Anopheles hoạt động đốt người nhiều nhất từ 10 giờ tối đến 1 – 2 giờ sáng.

2.   Đối tượng nào có nguy cơ mắc Sốt rét?

-       Sinh sống hoặc lui tới vùng sốt rét lưu hành: các quốc gia Châu Phi, Đông Nam Á, Việt Nam (các tỉnh như Bình Phước, Tây Nguyên),…

-       Có truyền máu trước đó.

-       Chích xì-ke dùng chung kim tiêm, bơm tiêm.

-       Bị mắc bệnh sốt rét trong thời gian gần đây.

3.   Triệu chứng của Sốt rét?

3.1.      Sốt rét chưa biến chứng: Thể hiện qua các cơn sốt rét

-       Cơn sốt sơ nhiễm: thường không điển hình, sốt cao vài ngày liền. Các cơn sốt sau điển hình hơn các cơn sốt trước.

-       Cơn sốt điển hình: Các cơn sốt rét điển hình qua 3 giai đoạn (giai đoạn rét run, giai đoạn sốt nóng, giai đoạn vã mồ hôi).

-       Cơn sốt thể cụt: người bệnh sẽ chỉ thấy ớn rét, gai sốt thường kéo dài từ 1-2h. Các bệnh nhân nhiễm sốt rét lâu năm hay gặp thể sốt này.

3.2.      Sốt rét ác tính - sốt rét biến chứng:

-  Sốt rét thể não: Khi người bệnh có biểu hiện rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều... Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não gây ra là từ 20-50%. Sốt rét biến chứng thể đái huyết cầu tố: Thể diễn biến nặng do tan huyết ồ ạt, trụy tim, suy thận. Nước tiểu có màu đỏ nâu sau chuyển thành màu cà phê, lượng nước tiểu về sau giảm dần và vô niệu. Tán huyết khiến vàng da, niêm mạc. Không cung cấp đủ máu và oxy. Số lượng hồng cầu và huyết sắc tố bị giảm mạnh.

-  Sốt rét thể choáng: Huyết áp tụt, toàn thân trở nên lạnh, da tái xanh, đổ nhiều mồ hôi, nhức đầu.

-  Sốt rét thể vàng da: Người bệnh bị vàng da, vàng mắt, phân và nước tiểu vàng. Người bệnh còn có thể bị hôn mê.

-  Sốt rét thể suy thận: Thường gặp ở người lớn, hiếm gặp ở trẻ em. Biểu hiện thiểu niệu (thể tích nước tiểu giảm) hoặc vô niệu (không có nước tiểu). Một số trường hợp không biểu hiện triệu chứng.

-  Sốt rét thể thiếu máu

-  Sốt rét tiểu huyết sắc tố: Bệnh nhân sốt, đau hông lưng, nôn ói, tiểu màu nâu đen hoặc đỏ (màu xá xị, màu Coca-cola).

-  Sốt rét thể co giật

-  Sốt rét thể phù phổi

-  Sốt rét thể xuất huyết

4.   Làm sao để phòng – tránh bệnh Sốt rét:

4.1.      Diệt muỗi – Chống muỗi đốt:

Tùy theo từng nơi và sinh thái của muỗi truyền sốt rét mà chọn những biện pháp thích hợp:

-       Diệt muỗi trưởng thành: bằng các hóa chất như DDT, Malathion, Fenitrothion, Deltamethrine, Permethrine tẩm mùng...

-       Diệt lăng quăng trong các vũng nước đọng gần nhà như làm thoát nước, lấp đất, thả cá, vớt rong...

-       Ở vùng ven biển, đắp đê ngăn nước mặn để mở rộng diện tích canh tác lúa (Ví dụ: huyện Bình Chánh, Nhà Bè ở Tp Hồ Chí Minh) đã có tác dụng xóa bỏ những nơi sinh đẻ của muỗi ven biển.

4.2.      Bảo vệ người lành:

Chống muỗi đốt:

-       Bằng biện pháp đơn giản là hạn chế tiếp xúc với muỗi vào ban đêm đã giúp giảm một cách rõ rệt nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Muỗi sốt rét thường hoạt động từ chập choạng tối đến rạng sáng.

-       Hạn chế các hoạt động ngoài trời vào thời điểm muỗi sốt rét hoạt động.

-       Mặc quần áo dài, mang vớ.

-       Thoa thuốc chống muỗi (chứa N,N-diethyl-3-methylbenzamide [DEET] với nồng độ 30%).

-       Xịt thuốc chống muỗi trong nhà, lều trại...

-       Sử dụng quạt.

-       Ngủ mùng, đặc biệt là mùng có tẩm permethrine.

Uống thuốc phòng:

-       Đối với người từ vùng lành vào vùng sốt rét, cơ thể chưa có miễn dịch với sốt rét cần uống thuốc phòng.

-       Bạn nên cho bác sĩ biết nếu đã từng đi du lịch gần đây tới các vùng khí hậu nhiệt đới.

-       Bác sĩ có thể chỉ định bạn xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng nhằm có phương pháp điều trị thích hợp. Các xét nghiệm máu giúp bác sĩ biết bạn có mắc sốt rét hay không, loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh, liệu nhiễm trùng có do ký sinh trùng kháng thuốc hay không và cơ quan quan trọng nào bị ảnh hưởng

 

-      Trên thực tế, sốt rét có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, bạn không nên tự ý điều trị bệnh sốt rét tại nhà mà nên điều trị bệnh ở bệnh viện. Bạn có thể được kê đơn thuốc theo loại ký sinh trùng gây bệnh cho bạn.