Thân nhân Bệnh nhân : 15. TĂNG HUYẾT ÁP

BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

 

 

Mục tiêu truyền thông:

1.       Nắm được khái niệm tăng huyết áp, chẩn đoán, triệu chứng, nguyên nhân của bệnh.

2.      Biết được người có nguy cơ, yếu tố làm tăng nguy cơ, cách điều trị của bệnh.

 


1.   Tăng huyết áp là gì?


Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim…

Tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp đã tăng đến 25% nghĩa là cứ 4 người lớn thì có 1 người bị tăng huyết áp.

1.   Chẩn đoán

Đo huyết áp khi nghỉ ngơi. Chẩn đoán tăng huyết áp khi:

-       Huyết áp tâm thu: ≥ 140 mmHg

-       Huyết áp tâm trương: ≥ 90 mmHg

2.   Triệu chứng tăng huyết áp

Đa phần các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp khá mờ nhạt. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp không có bất kỳ triệu chứng nào rõ ràng, mặc dù bệnh đã tiến triển khá nghiêm trọng. Một số ít bệnh nhân có thể biểu hiện một số triệu chứng thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam.

3.   Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp vô căn). Loại này thường là do di truyền, phổ biến hơn ở nam giới. Tăng huyết áp thứ phát là hệ quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hay tác dụng gây ra bởi thuốc tránh thai, thuốc cảm, cocaine, rượu bia, thuốc lá. Loại này chỉ chiếm khoảng 5-10% trên tổng số ca bệnh tăng huyết áp. Điều trị dứt điểm các nguyên nhân thứ phát có thể giải quyết được bệnh.

4.   Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp?

-       Người lớn tuổi: Hệ thống thành mạch máu không còn duy trì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến tăng huyết áp.

-       Giới tính: Tỷ lệ đàn ông dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này.

-       Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch.

5.   Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, bao gồm:

-       Thừa cân béo phì.

-       Lối sống tĩnh tại, lười vận động.

-       Ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều muối. Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.

-       Căng thẳng thường xuyên.

6.   Điều trị bệnh tăng huyết áp

Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là để giữ cho huyết áp ổn định ở mức cho phép, thường là dưới 140/90 mmHg. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mạn tính, bác sĩ sẽ đề nghị một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg. Lưu ý, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Sau đây là các phương pháp chữa trị cao huyết áp:

Thay đổi lối sống

Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:

-       Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày).

-        Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn.

-       Tập thể dục đều đặn, vừa sức. Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc.

-       Tránh nhiễm lạnh đột ngột.

-       Kiểm soát tốt các bệnh liên quan. Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp đúng hướng dẫn của bác sĩ.

-       Thường xuyên theo dõi huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp.

8. Thuốc điều trị cao huyết áp

Nếu như thay đổi lối sống không cải thiện tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo toa.

Mặc dù các phác đồ điều trị cao huyết áp đã được đưa ra và thử nghiệm rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi và có thể thay đổi, tăng giảm liều, phối hợp thêm thuốc hoặc bỏ bớt thuốc cho đến khi xác định được phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân.

 

Hãy lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ. Dùng thuốc thường xuyên để bình ổn huyết áp. Điều trị tăng huyết áp là điều trị cả đời. Không tự ý ngừng điều trị, cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa.