Thân nhân Bệnh nhân : 21.Viêm thanh quản

BỆNH VIÊM THANH QUẢN CẤP TÍNH Ở TRẺ EM

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Nắm được các khái niệm về định nghĩa đường lây, biểu hiện, cách điều trị, phòng bệnh của bệnh viêm thanh quản cấp tính.

2.      Thực hiện được biện pháp phòng bệnh.

 

1.   Thông tin chính về bệnh:

Viêm thanh quản cấp tính, viêm thanh khí quản cấp, viêm thanh khí phế quản cấp (gọi chung là croup) ở trẻ là một nhóm bệnh nhiễm trùng cấp bao gồm: viêm dây thanh và các cấu trúc nằm dưới dây thanh. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi, hay gặp nhất lúc trẻ 2 tuổi, trẻ trai mắc bệnh nhiều hơn so với trẻ gái; thường xảy ra vào cuối mùa thu đến mùa đông. Bệnh thường tái phát trong độ tuổi từ 3-6 tuổi và khoảng 15% bệnh nhi có người thân bị viêm thanh khí phế quản cấp trước đó.

Nguyên nhân gây viêm thanh khí phế quản cấp thường gặp chiếm 75% các trường hợp bệnh là virus cúm (parainfluenza virus typ 1, 2 và 3). Tiếp đến là virus cúm A và B, Adenovirrus, virus hợp bào hô hấp (RSV) và virus sởi, trong đó, virus cúm A thường gây bệnh nặng.          

2.   Dấu hiệu thường gặp:

Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp tính gây khó chịu cho trẻ với các triệu chứng thường thấy: Đau họng, ho ông ổng, khàn tiếng, khi ngủ trẻ thở khò khè, thở rít, hơi thở không đều. Nếu không kịp điều trị bệnh sẽ trở nên nặng hơn. Khi đó trẻ có cảm giác khó thở, đau họng, thở rít mạnh, lên cơn tím tái.

3.   Các dấu hiệu nguy hiểm cần nhập viện:

-       Tiếng thở rít ngay cả khi hít vào và thở ra.

-       Chảy mũi xanh và khó nuốt.

-       Bé bứt rứt, vật vã, kiệt sức.

-       Nhịp thở nhanh hơn bình thường.

-       Thở khó, da tím tái ở vùng quanh mũi miệng, móng tay.

4.   Cách phòng tránh:

Bệnh viêm thanh khí phế quản cấp tính có thể phòng tránh được nếu các bậc phụ huynh thực hiện đúng:

-       Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi, nấm mốc và thuốc lá...

-       Hạn chế để trẻ gào khóc, la hét quá lớn tránh làm ảnh hưởng đến thanh quản.

-       Hạn chế cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với môi trường có độ ẩm không khí thấp để trẻ không bị khô họng.

-       Cho trẻ uống nước hay sữa nhiều để đảm bảo cổ họng luôn được ẩm, hoạt động trơn tru hơn.

-       Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé, đặc biệt cho trẻ ăn nhiều rau củ và hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

-       Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người bị bệnh để tránh lây.

-       Mặc dù là bệnh lành tính, dễ điều trị, nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng lúc, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức về căn bệnh này để có thể tránh tái phát bệnh, gây nguy hiểm cho trẻ.