Thân nhân Bệnh nhân : 19. Viêm phế quản TE

VIÊM PHẾ QUẢN CẤP TRẺ EM

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Nắm được khái niệm, nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị, cách phòng ngừa của bệnh viêm phế quản cấp trẻ em.

2.      Thực hành được phòng ngừa viêm phế quản cấp trẻ em.

 

1.   Viêm phế quản là gì?

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường hô hấp từ thanh quản trở xuống nhu mô phổi.

2.   Nguyên nhân gây viêm phế quản ở trẻ em:

Tác nhân nhiễm trùng:

-       Virus: tác nhân hàng đầu, thường gặp là virus hô hấp hợp bào (RSV), Adenovirus,…

-       Vi khuẩn: Hemophilus influenzae, phế cầu,…

Viêm phế quản có thể xuất hiện sau một đợt cảm cúm hay viêm hô hấp trên cấp.

Ngoài ra, viêm phế quản có thể gây nên bởi các tác nhân vật lý hay hóa học như bụi, khói thuốc, các yếu tố dị ứng nguyên,…

3.   Dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm phế quản:

Sốt nhẹ, chảy mũi, ho, mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Trẻ ho nhiều có thể dẫn đến nôn ói.

Triệu chứng ho có thể kéo dài 7 đến 14 ngày, có trường hợp lên đến 3- 4 tuần

4.   Dấu hiệu chuyển nặng:

Bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh có thể gây ra những biến chứng cụ thể như viêm phổi, suy hô hấp và bệnh mãn tính... Chính vì vậy, cha mẹ cần cho trẻ đến bác sĩ ngay nếu:

-       Trẻ sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật.

-       Trẻ có cơn ho kéo dài không ngừng, bỏ bú, li bì.

-       Trẻ thở nhanh, co kéo liên sườn, co lõm bụng, tím tái.

Cha mẹ hoặc người thân có thể đánh giá sự khó thở của trẻ một cách dễ dàng bằng đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ trong vòng 1 phút, nên đếm 2-3 lần. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức độ thở nhanh của trẻ được tính như sau:

-       Trẻ dưới 2 tháng tuổi: nhịp thở > 60 lần/phút

-       Trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi: nhịp thở > 50 lần/phút.

-       Trẻ từ 1- 5 tuổi: nhịp thở > 40 lần/phút.

5.   Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm phế quản:

Trẻ bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu được điều trị sớm và đúng cách. Cha mẹ cần chăm sóc trẻ ngay từ khi bắt đầu có triệu chứng đầu tiên để chữa dứt điểm bệnh, bằng cách:

-       Giữ ấm cho trẻ.

-       Khi trẻ bị bệnh, nên cho trẻ uống nhiều nước giúp làm loãng đờm, để trẻ tống đờm ra khỏi đường hô hấp nhanh hơn.

-       Nên ăn nhiều bữa, số lượng mỗi bữa ít.

Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mũi

-       Hạ sốt cho trẻ bằng chườm ấm toàn thân. Chườm ấm đúng cách có thể khiến nhiệt độ cơ thể trẻ giảm đến 1°C. Uống thuốc hạ sốt paracetamol khi nhiệt độ trẻ ≥ 38,5°C theo hướng dẫn của bác sĩ.

-       Bệnh chủ yếu do virus gây nên, vì vậy dùng kháng sinh thường không có tác dụng. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

6.   Phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ:

-       Giữ ấm cho trẻ, giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay chăn nệm sạch sẽ.

-       Với trẻ đã bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,... cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân trên. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá...

-       Chủ động cách ly với người lớn hoặc trẻ nhỏ khác đang mắc bệnh đường hô hấp.

-       Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ như vaccine phế cầu, vaccine Haemophilus influenza..

Trẻ bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu được phát hiện sớm và cha mẹ trẻ xử trí đúng cách. Tuy nhiên bệnh cũng có thể diễn biến nặng, gây những hậu quả nặng nề cho trẻ. Các bậc phụ huynh cần nắm rõ những dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hoặc các cơ sở chuyên khoa Nhi khác để bác sĩ có thể khám và điều trị cho trẻ một cách tốt nhất và toàn diện nhất