Thân nhân Bệnh nhân : 14. Dạ dày- tá tràng

VIÊM LOÉT DẠ DÀY - TÁ TRÀNG

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Nắm được khái niệm viêm loét dạ dày - tá tràng, nguyên nhân, dấu hiệu, biến chứng, điểu trị, phòng bệnh.

2.      Thực hành được cách phòng bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.


 

1.   Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng


Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày - tá tràng đôi khi dẫn đến hình thành ổ loét do phá hủy lớp niêm mạc xuống đến lớp dưới niêm, lớp cơ và khi đến lớp thanh mạc làm thủng dạ dày hoặc tá tràng.

1.   Các nguyên nhân gây bệnh

1.1.      Do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ dạ dày và yếu tố gây loét:

Dạ dày tiết ra dịch vị để tiêu hóa thức ăn đồng thời cũng tiết ra chất nhầy để bảo vệ niêm mạc và hai yếu tố này luôn cân bằng nhau. Những nguyên nhân gây mất sự cân bằng trong việc bảo vệ niêm mạc dạ dày - tá tràng gồm: 

-  Ăn uống không khoa học: Ăn nhiều chất kích thích, thức ăn quá nóng, quá cay, quá chua, ăn nhiều chất béo, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài, ăn nhanh, nhai thức ăn không kỹ, ăn không đúng giờ, ăn quá no, nhịn đói quá lâu.

-  Lạm dụng rượu, bia, thuốc lá.

-  Dùng các thuốc có tác dụng phụ gây loét dạ dày - tá tràng: Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (Aspirin, Ibuprofen, Meloxicam, Diclofenac...), corticoid (Prednisolon, Methylprednisolon ...).

-  Do căng thẳng thần kinh: Làm việc quá căng thẳng, lo lắng, sợ hãi kéo dài, thường xuyên thức khuya.

1.2.      Viêm loét dạ dày - tá tràng do vi khuẩn Helicobacter pylori:

Tỷ lệ nhiễm H. pylori ở nước ta khá cao khoảng 80% dân số, nhưng vi khuẩn H. pylori muốn gây được bệnh cũng phải cần có những điều kiện là niêm mạc dạ dày bị suy yếu trước. H. pylori được tìm thấy khoảng 70% ở các ổ loét dạ dày - tá tràng.  

2.   Dấu hiệu viêm loét dạ dày - tá tràng

-  Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội vùng trên rốn theo chu kỳ ăn uống, có lúc đau khi đói, có lúc đau sau khi ăn vài giờ, có lúc đau gần sáng, phải ăn chút gì thì dịu cơn đau, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Khoảng 5% trường hợp loét dạ dày mà không đau (loét câm).

-  Kèm theo đau là các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa như cảm giác nặng bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, nóng rát, trướng bụng, đại tiện phân có khi nát có khi lỏng, có khi rắn như phân dê.

-  Xuất huyết tiêu hóa: Một số trường hợp có xuất huyết dạ dày với biểu hiện nôn ra máu đỏ hoặc đen, da xanh tái, tim đập nhanh, mạch nhanh, huyết áp tụt, vã mồ hôi, đại tiện phân đen như màu cà phê.

-  Chẩn đoán xác định bằng nội soi để nhìn thấy ổ loét, lấy mẫu xét nghiệm tìm vi khuẩn H. pylori, tìm tế bào ung thư hoặc làm CLO test hoặc có thể xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng H. pylori hay có thể dùng xét nghiệm hơi thở phát hiện vi khuẩn H. pylori.

3.   Biến chứng

Nếu bệnh không điều trị hoặc điều trị không tích cực sẽ có các biến chứng:

-       Xuất huyết tiêu hoá: Nôn ra máu, đại tiện phân đen.

-       Hẹp môn vị: Nôn nhiều làm bệnh nhân không thể ăn được, ăn vào gây nôn và đau bụng.

-       Thủng dạ dày hoặc tá tràng: Đột ngột người bệnh thấy đau bụng dữ dội, bụng căng cứng.

-       Ung thư dạ dày: Trong loét hành tá tràng thì không gây ung thư nhưng trong loét dạ dày có thể gây ung thư.

4.   Điều trị

-  Phải kiên trì sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, thời gian điều trị từ 4 tuần đến 03 tháng tùy trường hợp.

-  Phải loại bỏ những yếu tố gây loét như: Ăn thức ăn dễ tiêu, thức ăn khô cứng cần nhai kỹ, ăn chậm. Ăn đúng giờ, không ăn thức ăn chua, cay, không ăn quá khuya, tránh để đói hoặc ăn no quá. Không uống rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh uống các thuốc ảnh hưởng dạ dày - tá tràng: Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (Aspirin, Ibuprofen, Meloxicam), corticoid (Prednisolon..).

5.   Phòng bệnh

Bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng chủ yếu do vi khuẩn H. pylori, lây theo đường ăn uống vì vậy ăn uống hợp vệ sinh là khâu quan trọng hàng đầu.

-  Trong gia đình khi có người bị viêm loét dạ dày – tá tràng có H. pylori thì dùng bát, đũa, cốc, chén riêng hoặc phải nhúng vào nước đun sôi sau khi đã rửa sạch, nên cùng đi khám bệnh để điều trị cùng lúc những người có nhiễm H. pylori.

-  Cần dùng muỗng, đũa riêng để lấy thức ăn trong bữa ăn. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, dùng nước sạch, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

-  Không tự mua thuốc Aspirin, corticoid, nhóm thuốc kháng viêm không-steroid (thuốc điều trị khớp) để tự điều trị; không lạm dụng rượu bia và thuốc lá, không ăn quá chua cay và tránh căng thẳng thần kinh.