Thân nhân Bệnh nhân : 8,ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Nắm được khái niệm đái tháo đường típ 2, người có nguy cơ mắc bệnh, triệu chứng, điều trị, biến chứng, phòng ngừa bệnh.

2.      Thực hành được các biện pháp phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

 

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm mạn tính nguy hiểm và đang gia tăng tại Việt Nam. Theo Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF) năm 2017, Việt Nam có tới 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, mặc dù 60% trong số đó vẫn chưa được chẩn đoán và không biết là mình bị bệnh. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân thuộc nhóm bệnh đái tháo đường típ 2.

 

1. Đái tháo đường típ 2 là gì?

·       Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose máu do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.

·       Cơ chế đầu tiên khi mới mắc bệnh đái tháo đường típ 2 là sự đề kháng insulin, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn không sử dụng insulin đúng cách hay insulin không thực hiện được chức năng. Lúc đầu, tuyến tụy tạo thêm insulin để bù cho nó. Nhưng theo thời gian, tuyến tụy của bạn không thể theo kịp và không tiết ra đủ insulin để giữ cho mức đường huyết bình thường.

·       Một cách đơn giản hơn, bạn có thể hiểu insulin chính là những cầu nối đưa nguồn thức ăn quan trọng nhất trong cơ thể là glucose vào bên trong tế bào, giúp các tế bào sản sinh ra năng lượng.

·       Khi cơ thể bị khiếm khuyết insulin, đường không được đưa đầy đủ vào tế bào, lập tức tế bào của bạn sẽ bị đói đồng nghĩa với việc lượng glucose trong máu sẽ tăng cao.

·       Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

 

2. Những ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?

Những thay đổi về chế độ ăn uống và hoạt động thể lực liên quan đến sự phát triển nhanh chóng và đô thị hóa đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ số người mắc đái tháo đường.

Nếu bạn có một trong những yếu tố nguy cơ sau thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn đầy đủ:

1. Người lớn có BMI ≥ 23kg/m2 (hay thừa cân, béo phì) và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:

-  Ít vận động thể lực

-  Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột)

-  Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp)

-  Nồng độ HDL cholesterol < 35 mg/ (0,9 mmol/L) và/hoặc nồng độ triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L)

-  Vòng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm

-  Phụ nữ bị buồng trứng đa nang

-  Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ

-  HbA1c ≥ 5,7% (39 mmol/mol), rối loạn glucose máu đói hay rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.

-  Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo phì, dấu gai đen...).

-  Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.

2. Nếu bạn không có các dấu hiệu/triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở người ≥ 45 tuổi.

Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau mỗi 1 - 3 năm. Có thể thực hiện xét nghiệm sớm hơn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm trước đó và yếu tố nguy cơ.

3. Triệu chứng của đái tháo đường là gì?


Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình. Tuy nhiên, một số người đái tháo đường típ 2 có các triệu chứng nhẹ nên người bệnh không nhận biết được.

 

4. Điều trị đái tháo đường như thế nào?

Phát hiện sớm và kiểm soát đường huyết kịp thời để tránh những biến chứng có thể xảy ra.

  • Nếu thấy những biểu hiện như trên, đến ngay cơ sở y tế để xác định mức độ đường huyết của bạn và nhận lời khuyên của Bác Sĩ.
  • Tùy theo tình trạng sức khỏe và chỉ số đường huyết của bạn mà Bác Sĩ sẽ cho bạn phác đồ điều trị thích hợp.

 Nguyên tắc điều trị:

  • Thuốc phải kết hợp với chế độ ăn và luyện tập. Đây là bộ ba phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường. Thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, giảm rượu bia…
  • Phải phối hợp điều trị hạ glucose máu, điều chỉnh các rối loạn lipid, duy trì số đo huyết áp hợp lý, phòng, chống các rối loạn đông máu.
  • Khi cần phải dùng insulin (như trong các đợt cấp của bệnh mạn tính, bệnh nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, ung thư, phẫu thuật).

5. Biến chứng của Đái tháo đường ra sao ?


Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.


6. Làm thế nào để phòng tránh bệnh đái tháo đường típ 2 ?

Để ngăn chặn sự gia tăng của đái tháo đường típ 2, toàn thể cộng đồng phải thay đổi hành vi sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động thể lực.

Chế độ ăn uống

Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới đã tổng hợp và đưa ra các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh phòng ngừa mắc tiểu đường:

  • Chọn nước, cà phê hoặc trà thay vì chọn nước ép trái cây có đường, ngọt, nước ngọt hoặc đồ uống có đường khác.
  • Ăn ít nhất 3 suất rau mỗi ngày.
  • Ăn tối đa 3 suất trái cây tươi mỗi ngày.
  • Chọn một miếng trái cây tươi hoặc sữa chua không đường cho bữa ăn nhẹ.
  • Hạn chế đồ uống có cồn.
  • Chọn thịt nạc trắng, thịt gia cầm hoặc hải sản thay vì thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
  • Chọn bơ đậu phộng thay vì chọn sô-cô-la hoặc mứt.
  • Chọn bánh mì, gạo hoặc mỳ ống nguyên cám thay vì bánh mì trắng, gạo hoặc mì ống.
  • Chọn chất béo không no (dầu ô liu, dầu canola, dầu ngô, hoặc dầu hướng dương) thay vì chất béo bão hòa (bơ, chất béo động vật dầu dừa hoặc dầu cọ).

Luyện tập thể lực

  • Cần kiểm tra biến chứng tim mạch, mắt, thần kinh, biến dạng chân trước khi luyện tập. Không luyện tập gắng sức khi glucose huyết tương > 250-270mg/dL và ceton niệu dương tính.
  • Đi bộ tổng cộng 150 phút mỗi tuần (30 phút mỗi ngày), không nên ngưng luyện tập 2 ngày liên tiếp. Mỗi tuần nên tập kháng lực 2-3 lần (nâng tạ,...)
  • Người già, người đau khớp có thể chia tập nhiều lần trong ngày. Người trẻ nên tập khoảng 60 phút mỗi ngày, tập kháng lực ít nhất 3 lần mỗi tuần.