Thân nhân Bệnh nhân : 2. Thuốc Paracetamol

 

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THUỐC   PARACETAMOL

(Acetaminophen)

1.  Công dụng

Paracetamol là loại thuốc thông dụng hiện nay để điều trị hạ sốt, giảm đau từ nhẹ tới vừa cho trẻ em và cả người lớn.

Đối với giảm đau: khi bắt đầu bị đau ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể ví dụ như đau đầu, đau răng, đau nhức mình mẩy, đau cơ xương khớp, đau bụng kinh…trước tiên nên uống viên giảm đau có thành phần paracetamol.

Đối với tác dụng hạ sốt: khi nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ C trở lên, sử dụng Paracetamol giúp người bệnh hạ sốt dần, trở về nhiệt độ bình thường (36,5 độ C –37,5 độ C).
Khi sốt cao trên 39,5 độ C, sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc sốt tái phát cần đưa người bệnh đến Bệnh viện vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của một bệnh nặng cần được Bác sỹ chẩn đoán nhanh chóng.

LƯU Ý

Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ hết sức lo lắng khi thấy con mình sốt cao liên tục nên thường cho uống paracetamol liều cao hơn bình thường và thời gian uống với khoảng cách ngắn hơn. Điều này sẽ gây độc cho gan.

2.  Dạng thuốc

Hiện nay, tại Bệnh viện có các dạng thuốc sau:

-  Thuốc viên nén

-     Thuốc dạng bột

-     Dạng thuốc viên nhét hậu môn.

(Dạng viên nén giải phóng kéo dài, không được nghiền nát, nhai hoặc hòa tan trong chất lỏng).

-     Thuốc viên nén với nhiều loại, nhiều hàm lượng khác nhau. Có 3 hàm lượng phổ biến cho dạng viên là: 325mg và 500mg, 650mg. 

Một số nhà sản xuất có loại thuốc dạng viên nén sủi bọt.

-     Thuốc dạng bột chứa trong gói: thường có vị ngọt thích hợp cho trẻ em. Có 3 liều lượng phổ biến cho dạng thuốc gói này là 80mg, 150mg.

-     Dạng sirô: thông thường liều lượng là 120mg cho 5ml dung dịch. Dạng sirô thường có dụng cụ đong thuốc kèm theo giúp các phụ huynh có thể lường được liều thuốc từ: 2,5ml, 5ml đến 7,5ml.

-    Dạng thuốc viên nhét hậu môn: làm lạnh để bảo đảm dạng thuốc có thể nhét hậu môn. Dạng thuốc này chỉ nên sử dụng hạn chế khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy

Cách đặt thuốc:

+ Làm lạnh viên thuốc trước khi đặt.

+ Cho người bệnh nằm yên trên giường sau khi đặt ít nhất 30 phút để tránh thuốc rớt ra ngoài .

3.  Liều lượng

10-15mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như trên sau 4-6 giờ. Không được dùng quá liều 60mg/kg cân nặng trong một ngày.

4.  Tác dụng không mong muốn của Paracetamol

Ở liều điều trị: Paracetamol tương đối không độc. Đôi khi có những phản ứng như ban đỏ, mề đay, nôn, buồn nôn và đau bụng nặng hơn là tổn thương niêm mạc, phù thanh quản, phù mạch…Ngừng ngay Paracetamol.

Người lớn không dùng quá 4g/ngày gây độc tính trên gan.

Quá liều cấp tính (trên 10g) làm tổn thương gan gây chết người.

5.  Sử dụng Paracetamol ở phụ nữ có thai và cho con bú

+ Chưa xác định tính an toàn dùng khi thai nghén, liên quan đến tác dụng không mong muốn có thể có đối với phát triển thai. Chỉ nên dùng ở người mang thai khi thật cần.

+ Người mẹ dùng Paracetamol sau khi đẻ cho con bú, không thấy có tác dụng không mong muốn ở trẻ nhỏ bú mẹ.

Những lưu ý để sử dụng paracetamol an toàn

  • Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi dùng thuốc.
  • Không dùng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5oC, không dùng quá 5 ngày ở trẻ em không quá 10 ngày ở người lớn, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
  • Trong các trường hợp đau nhức bắt buộc phải uống Paracetamol thì cần lưu ý là thuốc có tác dụng sau khi uống khoảng 15 - 30 phút và tác dụng tối đa trong 3 đến 4 giờ. Vì vậy, phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4-6 giờ.
  • Khi dùng thuốc không uống bia, rượu và các loại thuốc khác có khả năng làm tăng độc tính của paracetamol.